Đề xuất ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2025 - 2026

Thùy Linh

Việc ban hành Nghị định quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2025 - 2026 là động thái nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ cam kết của Việt Nam trong điều ước quốc tế đã ký kết; đồng thời tiếp nối chính sách nhất quán trong hợp tác thương mại giữa 2 nước suốt gần 2 thập kỷ qua.

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam.
Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam.

Hợp tác thương mại liên tục, hiệu quả

Tại Tờ trình Dự thảo Nghị định quy định Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam, Bộ Tài chính cho biết, từ năm 2005 đến nay, Việt Nam và Campuchia đã ký kết nhiều Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương theo chu kỳ 2 năm một lần. Riêng trong giai đoạn 2023 - 2024, Việt Nam đã thực hiện cam kết thuế quan thông qua Nghị định số 05/2024/NĐ-CP.

Tuy nhiên, Nghị định này đã hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Ngày 20/3/2025, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 55/NQ-CP về việc ký kết Thỏa thuận giai đoạn 2025 - 2026 và đến ngày 28/4/2025, Bộ Công Thương đã ký chính thức văn kiện với phía Campuchia. Bản Thỏa thuận mới có hiệu lực kể từ ngày ký và kéo dài đến hết ngày 31/12/2026.

Bộ Tài chính nhấn mạnh, việc ban hành Nghị định mới là cần thiết và kịp thời, nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp 2 nước tận dụng các ưu đãi thuế quan, thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2024, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia đạt 10,1 tỷ USD, tăng 17,5% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt khoảng 5,1 tỷ USD (tăng 8,5%) và nhập khẩu từ Campuchia đạt 4,78 tỷ USD (tăng 29%). Cơ cấu thương mại giữa 2 nước khá bổ trợ, với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bao gồm sắt thép, hàng dệt may, xăng dầu, phân bón, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, thức ăn chăn nuôi. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia các mặt hàng như hạt điều, cao su, thóc, sắn, gỗ và rau quả.

Mặc dù chiếm tỷ trọng chưa lớn trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, nhưng hợp tác thương mại với Campuchia luôn giữ được đà tăng trưởng ổn định. Từ mức chỉ khoảng 700 triệu USD năm 2005, kim ngạch thương mại song phương đã tăng mạnh lên 8,3 tỷ USD năm 2023 và vượt mốc 10 tỷ USD trong năm 2024. Đây là kết quả tích cực từ việc duy trì đều đặn các Bản Thỏa thuận thuế quan ưu đãi song phương, trong đó có vai trò quan trọng của chính sách biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.

Thu hẹp danh mục, tiếp tục ưu đãi mạnh

Dự thảo Nghị định mới kế thừa các nội dung chính của Nghị định số 05/2024/NĐ-CP nhưng có điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định gồm 28 dòng hàng được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% đối với hàng hóa có xuất xứ từ Campuchia. So với giai đoạn trước, danh mục này đã được thu hẹp một dòng hàng - cụ thể là mặt hàng chứa thịt lợn đóng bao bì kín khí để bán lẻ (mã HS 1602.10.10) đã được loại khỏi danh mục, do đã hưởng thuế suất 0% theo Hiệp định ATIGA.

Ngoài ra, danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan vẫn giữ nguyên 15 dòng hàng như giai đoạn 2023 - 2024, bao gồm các mặt hàng như gạo, lá thuốc lá chưa chế biến, phế liệu thuốc lá. Kèm theo đó là danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan các mặt hàng hưởng ưu đãi, phù hợp với quy định tại Bản Thỏa thuận song phương.

Theo quy định tại Dự thảo, hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt 0% phải đồng thời đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất, hàng hóa phải thuộc danh mục quy định tại Phụ lục I của Biểu thuế ban hành kèm theo Nghị định. Thứ hai, lô hàng phải có Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của Campuchia cấp. Thứ ba, hàng hóa phải được thông quan qua các cặp cửa khẩu quy định tại Phụ lục III của Nghị định.

Việc đặt ra các điều kiện cụ thể nhằm đảm bảo hàng hóa được hưởng ưu đãi thực sự có nguồn gốc từ Campuchia; đồng thời tăng cường kiểm soát và minh bạch trong thực thi chính sách thuế.

Theo Bộ Tài chính, Nghị định khi được ban hành sẽ tiếp tục là công cụ pháp lý quan trọng, tạo nền tảng để khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác thương mại song phương, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kim ngạch bền vững và toàn diện trong những năm tới.