Đề xuất nhiều quy định cho dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao
Bộ Tài chính vừa hoàn tất xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định quy định chi tiết về dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Làm rõ quy định về quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT
Theo Bộ Tài chính, việc xây dựng dự thảo Nghị định nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với dự án áp dụng loại hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách nhà nước...
Theo đó, dự thảo quy định các điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT gồm các nội dung: chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi; mẫu hợp đồng BT; cơ chế thanh toán, quyết toán hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất; triển khai dự án BT, dự án đối ứng và chuyển giao công trình dự án BT…

Liên quan đến quy định trình tự, thủ tục lập, phê duyệt danh mục quỹ đất thanh toán…, Bộ Tài chính đề xuất quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất phải đáp ứng các điều kiện như sau:
Một là, thuộc trường hợp thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai; hoặc là quỹ đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 217 của Luật Đất đai; hoặc là quỹ đất kết hợp cả hai quỹ đất này. Trường hợp quỹ đất thanh toán có phần đất do cơ quan, tổ chức của Nhà nước quản lý, thì Nhà nước thu hồi cả khu đất để thanh toán.
Hai là, thuộc trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Ba là, phù hợp với quy hoạch có liên quan, quy hoạch chi tiết (nếu có), quy hoạch phân khu, nếu không phải lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch này phải điều chỉnh mà chưa được duyệt, thì phải phù hợp với quy hoạch chung.
Quy định trên sẽ tạo thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư trong quá trình chuẩn bị dự án, mà không làm phát sinh thủ tục hành chính, bởi dễ dàng xác định, lựa chọn quỹ đất, tài sản công dự kiến thanh toán. Đồng thời, cung cấp thông tin rõ ràng, tránh đề xuất chồng chéo, hạn chế rủi ro phát sinh tranh chấp giữa các dự án khi quỹ đất, tài sản công thanh toán bị trùng lặp...
Đề xuất cơ chế thanh toán bù trừ chênh lệch
Liên quan đến hợp đồng, cơ chế thanh toán, lập dự toán, hạch toán…, Bộ Tài chính đề xuất, đối với hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất, thì cơ chế bù trừ chênh lệch giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán được quy định theo hướng: Nhà đầu tư trúng thầu được thanh toán toàn bộ quỹ đất để thực hiện dự án đối ứng theo quyết định phê duyệt dự án BT. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nộp giá trị chênh lệch vào ngân sách nhà nước sau khi ký kết hợp đồng; sau khi quyết toán giá trị công trình BT, thì thực hiện cơ chế bù trừ chênh lệch…
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Nghị định được nghiên cứu, xây dựng theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập, vướng mắc trong việc thực hiện loại hợp đồng BT trước đây, đồng thời bảo đảm khả thi, đồng bộ với các quy định pháp luật khác.
Theo đó, nếu giá trị chênh lệch thực tế lớn hơn giá trị chênh lệch dự kiến đã nộp, thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án nộp bổ sung phần chênh lệch vào ngân sách nhà nước, nếu nhỏ hơn thì cơ quan có thẩm quyền thanh toán bổ sung phần chênh lệch cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.
Về thanh toán bằng quỹ đất, lập dự toán, hạch toán, ghi thu, ghi chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất, nếu quỹ đất thanh toán thuộc trường hợp thu hồi đất, thì nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án ứng trước kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được duyệt và sẽ được trừ vào giá trị quỹ đất thanh toán khi quyết toán hoàn thành dự án BT…
Quy định trên nhằm bảo đảm tăng trách nhiệm và cam kết của nhà đầu tư trong việc thực hiện dự án BT, cũng như dự án đối ứng; đồng thời, tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước trên cơ sở khai thác kỳ vọng của nhà đầu tư về giá trị gia tăng của quỹ đất thực hiện dự án đối ứng trong tương lai. Trong khi đó, vẫn bảo đảm tuân thủ việc nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai và cơ chế bù trừ chênh lệch giữa giá trị công trình BT và giá trị quỹ đất thanh toán.