Định vị thương hiệu cho dừa Việt Nam

Xuân Thảo

Được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, năm 2025, ngành dừa đặt mục tiêu giữ vững kim ngạch xuất khẩu 1 - 1,1 tỷ USD hoặc có thể tăng nhẹ từ 10 - 15%; trong đó, chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô.

Nếu như năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dừa chỉ đạt 180 triệu USD thì đến năm 2024 đã đạt gần 1,1 tỷ USD, mở ra giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Internet.
Nếu như năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dừa chỉ đạt 180 triệu USD thì đến năm 2024 đã đạt gần 1,1 tỷ USD, mở ra giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Ảnh minh họa: Internet.

Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam mới chỉ hình thành và phát triển trong khoảng 8-9 năm trở lại đây, nhưng tăng trưởng rất nhanh với kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đã tăng gấp 10 lần.

Có thể thấy, ngành dừa Việt Nam đã có bước chuyển mình khá tích cực trong những năm gần đây, từ cây xóa đói giảm nghèo trở thành cây công nghiệp chủ lực quốc gia và đóng góp đáng kể cho sự ổn định, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người nông dân. Với diện tích gần 200.000 ha, ngành dừa Việt Nam đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn tại các tỉnh duyên hải miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.

Nếu như năm 2010, kim ngạch xuất khẩu dừa chỉ đạt 180 triệu USD thì đến năm 2024 đã đạt gần 1,1 tỷ USD, mở ra giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ. Đặc biệt, từ tháng 8/2024, Nghị định thư xuất khẩu chính thức giữa Trung Quốc và Việt Nam được ký kết đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho dừa tươi Việt Nam chinh phục thị trường tỷ dân. Thống kê cho thấy, Trung Quốc tiêu thụ khoảng 4 tỷ quả dừa mỗi năm, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi. Nhu cầu lớn nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế chính là dư địa cho dừa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường này. 

Trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu dừa tươi đã đạt 33,3 triệu USD (tăng 18% so với cùng kỳ 2024), trong khi các sản phẩm chế biến từ dừa mang về 43,8 triệu USD (tăng 86%). Đặc biệt, tháng 2/2025, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi đạt 13,4 triệu USD, tăng 45% so với cùng kỳ, với thị trường Mỹ tăng 46% và Trung Quốc chiếm 20% tổng kim ngạch nhập khẩu dừa của nước này. Xu hướng toàn cầu cho thấy nhu cầu dừa tăng mạnh, đặc biệt tại các thị trường phương Tây và châu Á, nơi Việt Nam đang cạnh tranh với Philippines – dự kiến đạt 1,2 tỷ USD xuất khẩu dừa vào năm 2025.

Hiện toàn thế giới có 225 quốc gia có nhu cầu nhập khẩu mặt hàng dừa nhưng đến thời điểm này chỉ có 179 quốc gia có mặt hàng này để xuất khẩu, trong đó có từ 5-6 quốc gia đạt sản lượng xuất khẩu trên 90% (đứng đầu là Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Hà Lan). Qua đó, cho thấy tiềm năng lớn của ngành chế biến, xuất khẩu dừa Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn, ngành dừa nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức từ xây dựng thương hiệu, đầu tư chế biến sâu, xây dựng chuỗi liên kết bền vững đến phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu. Những yếu tố này đòi hỏi sự đầu tư bài bản và định hướng chiến lược để ngành dừa không chỉ dừng lại ở mức xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trong năm 2025, ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội dừa Việt Nam cho rằng, cần triển khai các giải pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô, thay vào đó là các mặt hàng chế biến sâu.

Mục tiêu trọng tâm mà Hiệp hội hướng đến là đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài và tận dụng nguồn lực trong nước để phát triển thêm nhiều nhà máy chế biến sâu các sản phẩm từ dừa, xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm từ dừa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Về truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, chúng tôi đã có chủ trương xin Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt xây dựng bản đồ dừa, bản đồ số nhằm tích hợp các thông tin như vùng nguyên liệu, thông tin giá cả... Về xây dựng thương hiệu, Hiệp hội đang đồng hành với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương để xây dựng thương hiệu quốc gia cho các thương hiệu ngành dừa đạt, phấn đấu 20% các doanh nghiệp dừa đạt được thương hiệu quốc gia trong thời gian tới”, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam cho biết thêm.