Thành phố Huế triển khai nhiều chính sách cho kinh tế tư nhân phát triển

Nguyệt Hà

Nhằm khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh, thời gian qua, thành phố Huế đã chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển bền vững...

Thành phố Huế luôn triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Thành phố Huế luôn triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Từ năm 2019, thành phố Huế đã triển khai mạnh mẽ và đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi số, công nghệ.

Các giải pháp đã được triển khai có thể kể đến như: Hỗ trợ tư vấn 01:01 về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ; hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp về khởi sự kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp chuyên sâu; hỗ trợ tiếp cận tín dụng như kết nối doanh nghiệp với ngân hàng; hỗ trợ chữ kỹ số, hóa đơn điện tử; hỗ trợ kế toán cho Hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Đặc biệt, thành phố Huế là một trong những địa phương có tỷ lệ hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp đứng đầu cả nước và đã nhận được những phản hồi rất tích cực từ cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương.

Sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, Thành phố Huế đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu các chương trình với rất nhiều thể chế ưu đãi, vượt trội dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn.

Đồng thời, Thành phố cũng tạo hệ sinh thái kinh doanh minh bạch, hiệu quả, đồng hành cùng doanh nghiệp; cam kết cải thiện môi trường đầu tư, gỡ bỏ rào cản, tạo điều kiện để khu vực tư nhân bứt phá trong giai đoạn mới và góp phần thu hút các doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thành phố Huế đã thành lập 4 Tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm Tổ trưởng, trực tiếp theo dõi và xử lý các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai dự án; từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thi công và đưa vào vận hành. 

Cùng với đó, các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật cũng bị thành phố cũng kiên quyết thu hồi nhằm tạo quỹ đất “sạch” phục vụ các nhà đầu tư thực sự có năng lực và thiện chí. Công tác tuyên truyền được tăng cường nhằm phổ biến chính sách đến doanh nghiệp để tạo sự đồng thuận, ủng hộ và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng kinh doanh.

Theo ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Huế, Thành phố luôn chú trọng công tác đối thoại, hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp. Huế xác định lấy niềm tin của doanh nghiệp làm nền tảng, coi thành công của doanh nghiệp là thành công của thành phố.

“Những nỗ lực không ngừng của chính quyền thành phố Huế trong cải thiện môi trường đầu tư đã mang lại những kết quả cụ thể, khi nhiều dự án hạ tầng giao thông và công nghiệp lớn trên địa bàn được khu vực tư nhân mạnh dạn tham gia”, ông Minh chia sẻ.

Tiêu biểu như cầu vượt cửa biển Thuận An - công trình vượt biển dài nhất miền Trung; cầu Nguyễn Hoàng bắc qua sông Hương; dự án Kim Long Motors Huế quy mô lớn với định hướng xuất khẩu; hay việc mở rộng, hiện đại hóa Cảng Chân Mây, cửa ngõ quan trọng ra biển Đông của hành lang kinh tế Đông - Tây...

Đáng chú ý, thành phố cũng đang tập trung huy động nguồn lực tư nhân cho các dự án kết nối hạ tầng chiến lược như tuyến đường bộ ven biển, đường vành đai 2 và 3, cầu Vĩnh Tu, cầu Bình Thành (Hương Trà), cầu vượt phá Tam Giang nối Phú Đa - Vinh Xuân, tuyến đường Tố Hữu nối dài đến sân bay Phú Bài, và đường nối La Sơn - Chân Mây... Những công trình này đều có vai trò then chốt trong thúc đẩy phát triển vùng và thu hút đầu tư.

Song song đó, Huế đang phối hợp với các bộ, ngành để triển khai các dự án quy mô quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường bộ cao tốc La Sơn - Hòa Liên, cao tốc Cam Lộ - La Sơn… Thành phố cam kết đảm bảo minh bạch trong cung cấp thông tin, để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận thuận tiện, công bằng, theo đúng quy hoạch được duyệt.

Đặc biệt, với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Huế đang ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước như vốn mồi, nhằm khai thác tối đa nguồn lực xã hội. Thành phố đã đề xuất cơ chế khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics để tạo nền tảng cho phát triển bền vững. Đáng chú ý, địa phương đang tăng cường khai thác quỹ đất để huy động vốn cho các công trình giao thông, đồng thời ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực xã hội hóa hạ tầng, giá thuê đất, phí dịch vụ... nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút nhiều hơn nhà đầu tư có tiềm lực đến với địa phương.