Doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng mong muốn được "trợ lực" nhiều hơn nữa để vượt khó
Ghi nhận từ báo cáo phân tích xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa mới công bố cho thấy, nhìn chung, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng trong quý II/2025 được nhận định thuận lợi hơn quý I/2025 với 28,3% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn và 40,0% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định, trong khi 31,7% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.

Theo đó, khảo sát đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng dựa trên các chỉ số cân bằng, bao gồm chỉ số cân bằng chung - đánh giá tổng quan xu hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các chỉ số cân bằng thành phần, bao gồm: hợp đồng xây dựng mới, vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, chi phí sản xuất, sử dụng lao động…đánh giá về từng hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể của các doanh nghiệp xây dựng.
Ở chỉ số cân bằng chung, số liệu khảo sát của Cục Thống kê chỉ ra rằng, chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành Xây dựng quý II/2025 so với quý I/2025 là -3,4% với tỷ lệ 28,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn và 31,7% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn hơn. Dự báo, quý III/2025 so với quý II/2025 khó khăn hơn với với chỉ số cân bằng là -4,8% với tỷ lệ 26,3% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn và 31,1% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.
Đáng chú ý, ở “lát cắt” chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới, số liệu của Cục Thống kê cho biết chỉ số cân bằng “hợp đồng xây dựng mới” trong quý II/2025 so với quý I/2025 là 2,1% với 25,9% doanh nghiệp nhận định tăng; 23,8% doanh nghiệp nhận định giảm. Cùng đó, chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới dự báo trong quý III/2025 so với quý II/2025 là 6,7% với 27,2% doanh nghiệp dự báo tăng và 20,5% doanh nghiệp dự báo giảm.
Căn cứ dữ liệu so sánh cụ thể trong quý II/2025 so với quý I/2025 theo ngành kinh tế xây dựng, Cục Thống kê cho biết, doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, bao gồm xây dựng công trình đường sắt, đường bộ, công trình thủy, công trình điện, công trình cấp thoát nước, công trình viễn thông, nhà máy lọc dầu, công trình thể thao ngoài trời… có chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới khả quan nhất với 8,2%.
Trong khi đó, doanh nghiệp hoạt động xây dựng nhà các loại như nhà để ở, nhà xưởng, bệnh viện, trường học, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, nhà ga hàng không, nhà kho, khu thể thao trong nhà có chỉ số cân bằng rất thấp, ở mức 0,1%. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng, bao gồm hoạt động phá dỡ, chuẩn bị mặt bằng, ép cọc; hoạt động hoàn thiện công trình: trát vữa, sơn tường, lắp đặt thiết bị nội thất, lắp hệ thống điện, nước có chỉ số cân bằng hợp đồng xây dựng mới ở mức âm 2,2%.
Với khảo sát dự báo tình hình xu hướng quý III/2025, các doanh nghiệp nhận định hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý II/2025 với tỷ lệ 79,5% doanh nghiệp nhận định tăng và không đổi (27,2% doanh nghiệp nhận định tăng; 52,3% doanh nghiệp nhận định không thay đổi), trong khi đó có 20,5% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới sẽ giảm đi.
Căn cứ kết quả khảo sát quý II/2025, Cục Thống kê nhận định, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 57,2% số doanh nghiệp nhận định, tăng 10,1 điểm phần trăm so với quý I/2025. Đây là khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp xây dựng phải đối mặt trong quý II/2025. Tiếp theo đó, là yếu tố “không có hợp đồng xây dựng mới” với 42,3% số doanh nghiệp nhận định, giảm 8,4 điểm phần trăm so với quý I/2025.
Do đó, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Cục Thống kê cho biết, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa.
Trong đó, có 54,7% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu xây dựng; 42,9% doanh nghiệp đề nghị công khai, minh bạch các thông tin về đấu thầu; 41,8% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, 35,5% doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính; 28,2% doanh nghiệp đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và 27,0% doanh nghiệp đề nghị được bàn giao mặt bằng sạch đúng kế hoạch để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết.
Ngoài các nhóm kiến nghị trên, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành, địa phương cần có các chính sách kiểm soát và bình ổn giá vật liệu, cũng như đảm bảo nguồn cung ổn định, tránh tình trạng khan hiếm cục bộ hoặc đầu cơ đẩy giá.
Đồng thời, doanh nghiệp xây dựng mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong giải quyết hồ sơ, rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng, thẩm định dự án bởi lẽ chỉ khi hệ thống thủ tục đơn giản, rõ ràng mới giúp doanh nghiệp tập trung hơn vào hoạt động chuyên môn và thúc đẩy tiến độ dự án.
“Đặc biệt là để tạo điều kiện mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư công, nhiều doanh nghiệp đề xuất Chính phủ mở rộng cơ hội cho tư nhân tham gia các dự án đầu tư công, đặc biệt qua hình thức đối tác công – tư (PPP). Mặt khác, cần sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về lựa chọn nhà đầu tư PPP, đảm bảo lợi ích hài hòa và tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước đủ năng lực được ưu tiên triển khai các dự án hạ tầng quan trọng”, Cục Thống kê ghi nhận và phán ánh ý kiến kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp xây dựng.