Đổi mới tư duy trong công tác giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo là một trong những mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, để tiến tới giảm nghèo bền vững, đòi hỏi cần có sự đổi mới căn bản trong tư duy và phương pháp tiếp cận.

Trong thời gian dài, chính sách giảm nghèo chủ yếu dựa trên hình thức hỗ trợ trực tiếp, mang tính chất "cứu trợ" tạm thời như cấp phát tiền, gạo, nhà ở… Dù cần thiết trong một số giai đoạn, nhưng nếu thiếu các giải pháp lâu dài, người nghèo rất dễ tái nghèo khi gặp biến cố như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa… Thêm nữa, cách tiếp cận này có thể tạo ra tâm lý ỷ lại, không khuyến khích người nghèo vươn lên bằng chính năng lực và ý chí của mình.
Bên cạnh đó, còn có một số nguyên nhân khách quan như biến đổi khí hậu, điều kiện khí hậu thời tiết một số nơi không thuận lợi, dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm, một số vùng nông thôn đông dân nhưng ít đất sản xuất nông nghiệp, nghề phi nông nghiệp chưa phát triển, tiêu chí hộ nghèo hiện nay không còn phù hợp so với nhu cầu và thực tế đời sống… ảnh hưởng lớn tới công tác xóa đói, giảm nghèo.
Theo ông Lò Văn Hưng - Phó chủ tịch UBND xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương nhiều năm gặp khó cũng do tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa làm đã sợ hỏng, sợ vay mượn không trả được. Hoặc nghèo về tư duy làm ăn, vay tiền rồi không biết đầu tư vào việc gì… của người dân. Nhiều người nhận thức chưa sâu sắc về chủ trương xóa đói giảm nghèo của Nhà nước, bản thân chưa thấy được quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm của chính họ. Một số chương trình, dự án đầu tư về địa phương, hỗ trợ toàn bộ giống, kỹ thuật song nhiều người không mặn mà cũng bởi tâm lý này.
Vì vậy, để giảm nghèo bền vững, cần thay đổi cách làm - thay vì chỉ “cho cá”, hãy “dạy cách câu cá”, tức là giúp người nghèo có kiến thức, kỹ năng và công cụ để tự làm ra của cải, tự quyết định và làm chủ cuộc sống của mình.
Những năm qua, Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, nhất là các địa phương, cơ sở đã đi sâu phân loại các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đói nghèo của từng nhóm hộ nghèo, gồm: thiếu kinh nghiệm làm ăn, thiếu lao động, thiếu vốn, thiếu đất, phương tiện sản xuất, lười lao động, tai nạn rủi ro, thiếu việc làm...
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu hộ nghèo và các tiêu chí thiếu hụt, các địa phương sẽ lên danh sách các hộ theo thứ tự ưu tiên để đơn vị, ngành cấp tỉnh hỗ trợ, đồng thời phân công đơn vị, ngành địa phương thực hiện đỡ đầu hộ nghèo. Các đơn vị nhận hỗ trợ đi thực tế để tìm hiểu nhu cầu và khả năng thực tế của từng hộ, qua đó có hình thức giúp đỡ phù hợp. Hơn thế, nhiều địa phương cũng đã ban hành một số chính sách đặc thù để hỗ trợ thêm cho chương trình giảm nghèo, nhưng là tỉnh nghèo nên nguồn lực có hạn.
Với các mục tiêu giảm nghèo bền vững đề ra cho năm 2025 và những năm tiếp theo, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt tập trung vào các đối tượng là hộ nghèo và cận nghèo, làm thay đổi cách nghĩ của một bộ phận người nghèo, nhất quán quan điểm cho vay chứ không cho không. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương.
Cùng với hỗ trợ của các chính sách Nhà nước, người nghèo nên suy nghĩ xem tại sao mình nghèo, đừng trông chờ vào sự hỗ trợ mà phải mạnh dạn tìm hướng đi thích hợp, mang lại hiệu quả cao; xóa bỏ mặc cảm mình là người nghèo để thực nuôi ý chí vươn lên thoát nghèo. Có như vậy, công tác xóa đói, giảm nghèo mới mang lại hiệu quả bền vững.
Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo; phân công trách nhiệm cụ thể cho đội ngũ nắm địa bàn theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo công tác giảm nghèo, nhất là định hướng, giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững./.