Đối sách “khôn ngoan” trước áp lực thuế đối ứng từ Mỹ
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng theo các chuyên gia, đây là kết quả của áp lực từ chính sách thuế đối ứng Mỹ đặt doanh nghiệp Việt Nam vào thế phải chạy đua hoàn thành đơn hàng trong thời gian đàm phán.

Theo báo cáo từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính từ đầu năm đến hết tháng 4/2025, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13,0%; nhập khẩu tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 3,79 tỷ USD.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,4 tỷ USD – tức là chiếm gần 31% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ đạt 37,7 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tại Tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: “Chính sách thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam” được Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức vào ngày 8/5/2025, GS.TS. Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc cho biết thêm, về cơ cấu thì 70% hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ là những mặt hàng chế biến chế tạo chủ lực như điện, điện tử, linh kiện, điện thoại, da giày, dệt may, gỗ…
Theo ông Hiếu, những mặt hàng này phần lớn thuộc lĩnh vực sản xuất của khu vực FDI và cũng là động lực của nền kinh tế những năm qua.
Vì thế, việc Mỹ áp mức thuế lên tới 46% sẽ là cú sốc rất lớn nếu không đạt được một thỏa thuận đàm phán tích cực, trên tinh thần bảo đảm lợi ích quốc gia, thúc đẩy thương mại công bằng, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.

Cũng về vấn đề này, PGS.TS. Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng – Tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, nếu sau đàm phán, Việt Nam có thể đạt được mức thuế khoảng 10% như các nước mà Mỹ có thặng dư thương mại thì cũng là thành công, nhưng mức thuế này vẫn ảnh hưởng đến xuất khẩu.
GS.TS. Nguyễn Thành Hiếu - Phó Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, thời gian đàm phán này cũng là điều cần thiết để Việt Nam chuẩn bị các giải pháp ứng phó với những thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Đồng thời cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tự chủ, phát triển bền vững và gia tăng khả năng chống chịu trước các bất ổn toàn cầu.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, để ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần những đối sách “khôn ngoan”, đa dạng hoá thị trường và tăng cường hợp tác để chủ động ứng phó với những biến động thị trường.
Trong đó, một vấn đề được nhiều chuyên gia đưa ra khuyến nghị là phải giải quyết vấn đề nguồn gốc xuất xứ hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
PGS.TS. Phan Hữu Nghị dẫn chứng, việc Mỹ vừa áp thuế tấm pin năng lượng mặt trời của các nước ASEAN đến 3.521% là điển hình cho minh bạch chuỗi cung ứng, bởi tiếp theo pin năng lượng có thể là gỗ, thép, xe điện, hàng điện tử gia dụng, dệt may... Vì thế, việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ, hàm lượng xuất xứ trong nước, hay trong khối ASEAN rất được coi trọng trong đàm phán.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp gia công xuất khẩu, nhất là nguyên liệu nguồn gốc từ Trung Quốc hay ngoài ASEAN phải nghiên cứu chuyển đổi trong sản xuất nếu muốn xuất khẩu sang Mỹ và không để bị đứt gãy chuỗi cung ứng.
Đồng quan điểm, PGS.TS. Tạ Văn Lợi – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh cho rằng cần làm rõ giá trị đóng góp của Việt Nam trong các sản phẩm xuất khẩu để đàm phán mức thuế hợp lý; đồng thời loại bỏ các mặt hàng bị cáo buộc là hàng Trung Quốc sử dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển.
Ngoài ra, với sự lên ngôi của công nghệ cao, PGS.TS. Tạ Văn Lợi khuyến nghị Việt Nam nên chọn lĩnh vực phần mềm, bán dẫn, kinh tế số… là ngành kinh tế thế mạnh, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thu hút dòng vốn FDI chất lượng, nhất là FDI từ Mỹ. Cùng với đó là nền chủ động khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ nhằm tìm kiếm nguồn lực.
“Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận về quan hệ thương mại và đầu tư từ thế bị động sang chủ động và cần có sự cân bằng cả hai chiều để đạt lợi ích tối ưu hơn”, PGS.TS. Tạ Văn Lợi đề xuất.
Trong ngắn hạn, nhiều chuyên gia cho rằng cần hỗ trợ các doanh nghiệp và ngành nghề bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế, giúp đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 bằng các chính sách về thuế phí, gói tín dụng ưu đãi… nhưng cần chú ý cách triển khai để tránh trở thành trợ cấp, cạnh tranh không công bằng.