Bài toán thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Gỡ khó bằng nhiều cách

Bích Ngọc

Thuế đối ứng Hoa Kỳ là chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế cùng hiến kế. TS Cấn Văn Lực đưa ra nhiều kiến nghị với Chính phủ và gợi ý cho doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ bài toán khó này,

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thuế đối ứng Hoa Kỳ là chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế cùng hiến kế. Nói rõ hơn về những tác động của thuế đối ứng đối với nền kinh tế Việt Nam, tại Hội thảo “Thuế đối ứng của Hoa kỳ và Ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra sáng nay 18/4, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc Hoa Kỳ đưa ra chính sách áp thuế đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã tạo ra một số thách thức đối với nền kinh tế nước ta.

Thứ nhất, việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam có thể khiến kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm do nhu cầu yếu đi. Khối FDI, kể cả từ Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng vì tâm lý nhà đầu tư, rủi ro chính sách toàn cầu và chính sách khuyến khích sản xuất tại quốc gia này.

Thứ hai, xu hướng bảo hộ thương mại, kiểm soát xuất khẩu và điều tra trốn thuế, nguồn gốc xuất xứ, trung chuyển hàng hóa... có thể gia tăng, tạo rủi ro bị áp thuế đối ứng và hạn chế xuất khẩu công nghệ cao.

Thứ ba, sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh với hàng hóa từ các nước khác xuất khẩu sang Việt Nam, do thừa cung, nhất là từ nước bạn láng giềng Trung Quốc. Đồng thời, chi phí logictics có thể tăng cao, kéo theo các rủi ro khác liên quan tới lãi suất và tỷ giá.

Bài toán thuế đối ứng của Hoa Kỳ: Gỡ khó bằng nhiều cách - Ảnh 1

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực phân tích những tác động của thuế đối ứng đối với nền kinh tế Việt Nam

TS Cấn Văn Lực dự báo: Với kịch bản cơ sở, giả sử Hoa Kỳ áp thuế đối ứng khoảng 20% - 25% lên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thì ước tính giá trị phải trả thêm khoảng 55 tỷ USD/năm. Trong trường hợp Việt Nam giảm thuế xuống 0% cho hàng Mỹ, tổn thất giảm thu thuế ước tính khoảng 1,2 tỷ USD.

Dù vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn có thể tìm kiếm cơ hội trong thách thức như: Mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác khi họ tìm nguồn thay thế; tìm kiếm cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư, chuỗi cung ứng. Đồng thời, doanh nghiệp phải đa đang dạng hóa, tăng nội lực và đáp ứng các tiêu chuẩn mới, từ đó tăng sức chống chịu.

Để kịp thời tháo gỡ bài toán khó thuế đối ứng của Hoa Kỳ, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: Chính phủ chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Hoa Kỳ, tăng cường đối thoại, đàm phán qua các kênh.

Việt Nam cũng cần sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Hoa Kỳ, như tăng nhập khẩu và tiếp tục giảm thuế đối ứng đối với hàng nhập khẩu từ đối tác.

Để đạt được kịch bản thuế suất thấp hơn 20% - 25%, TS. Cấn Văn Lực cho rằng Việt Nam cần có phương án đàm phán nhanh, hiệu quả với những cam kết, giải pháp và lộ trình cụ thể.

Cùng với các giải pháp trên, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ, kích cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước và giữ vững mặt trận xuất khẩu.

“Tôi mong chúng ta cơ cấu lại nền kinh tế, tăng nội lực, tính tự chủ, tự lực, tự cường, tập trung vào các động lực tăng trưởng khác và các động lực tăng trưởng mới”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Đối với doanh nghiệp, TS. Cấn Văn Lực đề nghị tận dụng tốt chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất... để tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình bộ máy. Đồng thời cần đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm - dịch vụ; nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tốt các cơ hội mới từ các hiệp định thương mại tự do./.