Dự kiến bãi bỏ 16 điều quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Hữu Hòe

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, là sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy.

Tiếp tục Phiên họp thứ 44, ngày 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

“Dự thảo Luật dự kiến sửa đổi, bổ sung nội dung của 26/143 điều, sửa kỹ thuật 22/143 điều. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung: Sửa đổi, bổ sung các quy định bị tác động trực tiếp bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy; sửa đổi, bổ sung một số quy định để tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, cải tiến phương thức làm việc cùng với hoàn thiện tổ chức bộ máy…”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết tại phiên họp.

Để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến bổ sung 1 điều (Điều 37a) về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Theo đó, Luật quy định chức danh, hệ lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và giao Chính phủ quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt.

Cùng với đó, để phù hợp với những yêu cầu của tình hình mới trong bối cảnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, song song với việc bổ sung 1 điều quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, khoản 31 Điều 1 dự thảo Luật dự kiến bãi bỏ 16 điều quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh tại Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành.

Dự thảo Luật cũng đã quy định nhằm đẩy mạnh việc trao quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể chức danh có thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền phạt tiền, áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh trên cơ sở hệ lực lượng, các chức danh cụ thể đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

“Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị xác định rõ phạm vi sửa đổi là các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp để phù hợp với bối cảnh của Kỳ họp thứ 9; chưa sửa đổi các nội dung về thời hiệu xử phạt, mức phạt tiền tối đa, vì đây là những nội dung có tác động lớn đến quyền của cá nhân, tổ chức, trong khi chưa có tổng kết và đánh giá tác động đầy đủ, mà tiếp tục nghiên cứu để sửa toàn diện Luật này, theo dự kiến tại Kỳ họp thứ 10.”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu ý kiến thẩm tra dự án Luật.

 

Đối với đề nghị bổ sung một số lĩnh vực mới, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị thuyết minh làm rõ lý do bổ sung và cơ sở xác định mức phạt tiền tối đa trong từng lĩnh vực.

Liên quan đến mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành bổ sung lĩnh vực và mức phạt tiền tối đa đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Về tăng mức phạt tiền tối đa đối với một số lĩnh vực đã được quy định trong Luật hiện hành, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phù hợp khi sửa toàn diện Luật.

Liên quan đến thời hiệu xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành việc tăng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến, để khắc phục vướng mắc thời gian qua và việc bổ sung thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Đồng thời, đề nghị không sửa đổi quy định về thời hiệu xử phạt đối với vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ tăng từ 1 năm lên 3 năm…/.