Fintech - “Đòn bẩy” chiến lược tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp Việt
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang làm thay đổi sâu sắc cấu trúc kinh doanh toàn cầu, công nghệ tài chính (Fintech) sẽ giúp tối ưu dòng tiền, kết nối dữ liệu tài chính theo thời gian thực và nâng cao khả năng phản ứng linh hoạt trước biến động thị trường.
Đặc biệt, đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường gặp khó khăn trong tiếp cận vốn và quản lý tài chính hiệu quả, thì đây chính là cơ hội vàng để tái cấu trúc chiến lược tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo đà bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
Bài toán tài chính số dưới góc nhìn đa chiều
Chia sẻ tại Hội thảo Fintech 2025 với chủ đề Chiến lược tài chính số cho doanh nghiệp do Swinburne Vietnam tổ chức mới đây, bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội khẳng định, Fintech không chỉ là một phần của chuyển đổi số mà đang trở thành “xương sống” thúc đẩy tái cấu trúc hệ thống tài chính, ngân hàng và nền kinh tế. Mối quan hệ giữa Fintech và kinh tế số luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Fintech càng phát triển thì kinh tế số càng mở rộng và ngược lại, chính sự trưởng thành của nền kinh tế số là môi trường lý tưởng để Fintech bùng nổ.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Fintech trong những năm gần đây là minh chứng rõ nét cho làn sóng chuyển đổi số đang lan rộng toàn cầu và tất nhiên, Việt Nam không nằm ngoài guồng quay này. Các mô hình như thanh toán số, ví điện tử, cho vay ngang hàng (P2P lending), ngân hàng số, blockchain hay trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích tín dụng... đang từng bước tái định hình cách thức cung cấp dịch vụ tài chính - ngân hàng theo hướng minh bạch, thuận tiện và linh hoạt hơn.
Theo bà Phạm Thúy Chinh, Fintech không chỉ góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa mà còn trở thành trợ lực quan trọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao hiệu quả vận hành, tiết giảm chi phí và gia tăng năng lực cạnh tranh trong môi trường số.
Tại Hội thảo, PGS., TS. Dimitrios Salampasis - Trưởng khoa Fintech, Đại học Công nghệ Swinburne (Úc) nhận định, AI, ngân hàng mở (open banking), tài chính bền vững (ESG) và tài chính nhúng (embedded finance) chính là những trụ cột đang định hình tương lai ngành Fintech. Trong đó, AI được xem là “điểm đến đầu tư” hàng đầu nhờ khả năng xử lý dữ liệu lớn, cá nhân hóa dịch vụ và dự báo rủi ro.
Khi ngân hàng mở phát triển, dữ liệu tài chính trở thành tài sản chiến lược, làm nền cho các giải pháp thông minh và kết nối hệ sinh thái số. Bên cạnh đó, ESG và tài chính nhúng mở rộng vai trò thực tiễn và xã hội của Fintech không chỉ thúc đẩy minh bạch, phát triển bền vững mà còn tích hợp liền mạch vào đời sống số, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận tài chính dễ dàng hơn trong mọi hoạt động tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.
Giải bài toán nhân lực và thể chế cho Fintech Việt Nam
Tại Hội thảo Fintech 2025, bên cạnh việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ tài chính hiện đại cho doanh nghiệp, nội dung về đào tạo và phát triển nhân lực tài chính số cũng nhận được sự quan tâm lớn từ giới chuyên môn, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.
Nhiều diễn giả cũng đồng quan điểm khi cho rằng Fintech là một xu thế tất yếu trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Việc chủ động thích ứng, kiến tạo thể chế phù hợp và thúc đẩy sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam tận dụng hiệu quả cơ hội mà Fintech mang lại; đồng thời kiểm soát tốt các rủi ro phát sinh.
Song song với hoàn thiện thể chế và nâng cao chất lượng nhân lực, các doanh nghiệp công nghệ tài chính cũng đang nỗ lực cung cấp giải pháp số phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
TS. Trần Mạnh Nam - đại diện VNPAY cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện vẫn gặp khó về vốn, nhân lực, quy trình quản trị lạc hậu và chưa thể cạnh tranh trên môi trường số. Hệ sinh thái giải pháp tài chính số toàn diện của VNPAY từ thanh toán QR, SmartPOS, hóa đơn điện tử, chữ ký số đến báo cáo thuế tự động… giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, tăng doanh thu, giảm chi phí và tuân thủ pháp luật.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hiệu - Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Fiingroup nhấn mạnh vai trò sống còn của dữ liệu trong quản lý tài chính - đó là “dòng chảy của dữ liệu và thông tin là dòng chảy quan trọng nhất”. Theo ông Hiệu, nếu biết khai thác hiệu quả dữ liệu nội bộ, doanh nghiệp có thể phát hiện vấn đề gốc rễ, ra quyết định đúng đắn. Bên cạnh đó, ông cũng khuyến nghị doanh nghiệp nhỏ và vừa ứng dụng phương pháp “5 Whys”, đó là truy nguyên nhân vấn đề qua 5 lần đặt câu hỏi “Vì sao”, nhằm tối ưu quy trình vận hành từ dữ liệu sẵn có.
Song song với đó, bài toán thể chế cũng là trọng tâm được các chuyên gia và nhà quản lý đề cập. Ở góc nhìn này, bà Phạm Thúy Chinh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nhấn mạnh rằng, sự phát triển nhanh của Fintech đòi hỏi khuôn khổ pháp lý phải theo kịp để kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng.
Các chính sách nổi bật được bà Chinh đề cập gồm: Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 - 2025 với các quy định về chia sẻ dữ liệu tín dụng, Open API, cho vay ngang hàng (P2P lending); Nghị định số 94/2025/NĐ-CP về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính số; và Nghị quyết số 222/2025/QH15 về Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC), mở ra không gian pháp lý linh hoạt cho các mô hình Fintech thử nghiệm, đi kèm với chính sách miễn trừ trách nhiệm và hỗ trợ kinh phí phù hợp.
“Fintech là một xu thế tất yếu trong hành trình chuyển đổi số quốc gia. Việc chủ động thích ứng, kiến tạo thể chế phù hợp và thúc đẩy sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực sẽ là yếu tố then chốt để Việt Nam tận dụng hiệu quả cơ hội mà Fintech mang lại; đồng thời kiểm soát tốt các rủi ro phát sinh”, bà Chinh khẳng định.