Giá bất động sản tại Hải Phòng vẫn còn ở “vùng trũng”
Giá bất động sản (BĐS) tại Hải Phòng vẫn còn ở vùng trũng so với tiềm năng tăng trưởng. Cùng với đó, nền tảng hạ tầng tốt, công nghiệp bùng nổ, các phân khúc được phát triển đồng loạt, đặc biệt việc sáp nhập mở rộng không gian phát triển là những yếu tố thúc đẩy thời cơ đầu tư vào thị trường này.

Các phân khúc BĐS phát triển đồng đều
Ngay từ cuối quý 1/2023, trong khi thị trường BĐS cả nước vẫn tiếp tục trạng thái trầm lắng thì Hải Phòng đã vươn lên là một trong những điểm sáng với nguồn cung mới và lượng giao dịch khả quan.
Đà tăng trưởng này được duy trì tới thời điểm hiện tại với nhiều kết quả tích cực hơn nhờ quỹ đất còn nhiều, giá BĐS còn rẻ so với các tỉnh thành đã phát triển khác.
Cùng với những lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông, những nỗ lực của thành phố trong việc chú trọng xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, thúc đẩy liên kết vùng thúc đẩy du lịch, thương mại, công nghiệp,.. phát triển, làm gia tăng lực cầu đầu tư và nhu cầu của thị trường BĐS, tạo nền tảng để Hải Phòng phát triển đồng loạt các phân khúc.
Thị trường Hải Phòng cũng là một trong những địa bàn hiếm hoi trên cả nước có các phân khúc BĐS phát triển đồng đều, bổ trợ cho nhau.
Từ đầu năm đến nay, theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), thị trường BĐS Hải Phòng ghi nhận sôi động từ thời điểm tháng 3 khi hàng loạt dự án mới đồng loạt ra mắt.
Tính chung 6 tháng đầu năm, toàn thị trường ghi nhận khoảng 7.000 sản phẩm mở bán, tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2024.
Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường đạt trên 60%, tương đương hơn 4.200 giao dịch thành công, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều dự án thấp tầng ghi nhận “cháy hàng” chỉ sau chưa đầy 1 tháng mở bán. Thậm chí một số dự án, người mua chấp nhận trả chênh lệch giao dịch khoảng 100 triệu đồng/căn để sở hữu ngay trong đợt đầu tiên.
Đây cũng là địa phương đi đầu trong phát triển nhà ở xã hội (NOXH) 3 tốt: vị trí tốt, chất lượng tốt, giá cả tốt. NOXH cũng chính là phân khúc góp phần quan trọng giúp Hải Phòng trở thành điểm sáng của thị trường BĐS.
Về giá BĐS, đà phục hồi tích cực trên thị trường sơ cấp giúp thanh khoản đất nền, nhà riêng lẻ cũng được cải thiện đáng kể với mức tăng giá từ 5-10% so với đầu năm, cá biệt có khu vực tăng tới 30% như Thủy Nguyên, Dương Kinh.
Giao dịch tập trung ở các khu đất nền giá trị thấp quanh khu đô thị, khu công nghiệp (KCN) hoặc nhà phố kinh doanh mặt tiền.
Top đầu thị trường BĐS công nghiệp cả nước
Riêng với phân khúc BĐS công nghiệp, là địa phương nắm giữ vị trí trọng điểm phát triển kinh tế miền Bắc, trên nền tảng phát triển kinh tế ổn định, thu hút FDI vào các KCN tại Hải Phòng luôn thuộc top đầu cả nước.
Theo đó, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt trên 90% với mức giá trung bình lên tới 190 USD/m2/chu kỳ thuê, cao hơn Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương.
Các chuyên gia nhận định, trên nền tảng sẵn có, cùng với xung lực phát triển mới, nhất là trong bối cảnh sáp nhập, mở rộng không gian phát triển, Hải Phòng đang dần trở thành một cực tăng trưởng mới của vùng Bắc Bộ và cả nước.
Cụ thể, GRDP năm 2024 của Hải Phòng đứng thứ 5 cả nước, Hải Dương đứng thứ 11, tạo nền tảng mạnh mẽ cho liên kết vùng sau sáp nhập.
Bên cạnh đó, Hải Phòng có hạ tầng đồng bộ, với hệ thống cảng biển, cao tốc, cầu vượt sông, các tuyến vành đai đô thị, tuyến đường sắt đô thị trong quy hoạch. Đồng thời, địa phương này có KCN - logistics phát triển mạnh, thu hút đầu tư FDI và thúc đẩy hình thành các cụm dân cư mới.
Đáng chú ý, theo đánh giá, giá BĐS tại Hải Phòng vẫn còn ở vùng trũng so với tiềm năng tăng trưởng, trong khi tầng lớp trung lưu, chuyên gia, cư dân tinh hoa tại Hải Phòng ngày càng tăng, kéo theo nhu cầu nhà ở cao cấp, ổn định lâu dài.
Ngoài ra, chính sách quy hoạch định hướng phát triển Hải Phòng thành thành phố hiện đại, tầm cỡ khu vực cũng mở ra dư địa lớn cho thị trường BĐS trong trung và dài hạn.
Theo các chuyên gia, đây đều là các điểm tương đồng với TP.Hồ Chí Minh cách đây 15 năm, thời kỳ được coi là "vàng son", gặt hái nhiều "quả ngọt" của những nhà đầu tư tiên phong.