Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế

Thanh Hằng

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 11, khóa XIII diễn ra sáng 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế nước ta.

Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, điểm mới trong các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng là quan điểm phát triển hài hòa các loại hình kinh tế trong 5 năm tới. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là "một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế". Khu vực này cùng kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là lực lượng nòng cốt để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: "Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".

Nhà nước sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu hợp pháp, tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân. Theo Thủ tướng, cơ quan quản lý có cơ chế, chính sách giao, đặt hàng khu vực tư nhân tham gia vào các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia như hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, đường sắt, công nghiệp đường sắt, quốc phòng, an ninh...

Với hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và 82% tổng số lao động. Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 1,5-2 triệu doanh nghiệp. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt 7,09%, dự kiến năm nay khoảng 8% trở lên, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng điều chỉnh một số chỉ tiêu 2026-2030, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn này từ 10% trở lên mỗi năm. GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD. Cùng với đó, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5% mỗi năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP.

Dự thảo cũng bổ sung đánh giá về bối cảnh tình hình trong giai đoạn tới. Theo đó, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp. Nguy cơ "đa khủng hoảng" và chiến tranh thương mại sẽ ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu. Để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, huy động nguồn lực và bảo đảm "thể chế đi trước, mở đường cho đột phá phát triển". Tư duy, phương pháp xây dựng pháp luật sẽ được đổi mới và tổ chức thực thi hiệu quả.

“Việt Nam bảo đảm môi trường pháp lý lành mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, người dân. Hai Trung tâm tài chính sẽ được xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, cùng với các đặc khu kinh tế để thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển. Cổng đầu tư một cửa quốc gia của Chính phủ và cấp tỉnh sẽ được thành lập. Việc này nhằm mục tiêu đưa môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nằm trong nhóm 3 quốc gia hàng đầu của ASEAN và trong nhóm 30 quốc gia hàng đầu của thế giới vào năm 2030”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; thúc đẩy mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tập trung giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài; đẩy nhanh xây dựng, triển khai hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, điện hạt nhân; nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng và thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân.

 

Hiện nay, Bộ Tài chính đang Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với nhóm giải pháp chung về cải cách thể chế, chính sách; cải thiện khả năng tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp về đất đai, vốn, nhân lực so với các khu vực khác. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và lớn có thể vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, hoặc nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ tạo ra nhiều công ăn việc làm và giải quyết vấn đề an sinh xã hội, nhóm chính sách cho hộ kinh doanh hướng tới hoạt động minh bạch hơn…