Lãi suất giảm, tiền gửi vào ngân hàng giảm theo

Hương Dịu

Huy động vốn đang có dấu hiệu tăng chậm hơn so với tín dụng, nên có thể gây áp lực cho thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cũng như việc đáp ứng các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế.

Tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.
Tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.

Tính đến nay, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm, hiện chỉ còn 3 ngân hàng duy trì mức lãi suất huy động cao nhất từ 6%/năm trở lên.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong tháng 1/2025, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế của toàn hệ thống ngân hàng đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024.

Trong tháng 1, tiền gửi dân cư vẫn tiếp tục tăng thêm 123.000 tỷ đồng - tăng 1,74% so với cuối năm 2024, nhưng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế giảm tới 233.000 tỷ đồng so với tháng trước - giảm 3,04% so với cuối năm 2024.

Theo các thống kê trước đó, sau 5 tháng tăng liên tiếp thì huy động vốn từ tổ chức kinh tế ghi nhận sụt giảm khá mạnh ngay từ đầu năm, dù các ngân hàng đang chuẩn bị nguồn cho tăng trưởng tín dụng cao năm 2025.   

Trong tháng 12/2024, tiền gửi của dân cư chỉ tăng 65.000 tỷ đồng nhưng tiền gửi tổ chức tăng gần 400.000 tỷ đồng so với tháng trước.

Tính đến cuối năm 2024, huy động vốn thấp hơn gần 1 triệu tỷ đồng so với tín dụng (15,7 triệu tỷ đồng).

Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, tại thời điểm ngày 25/3/2025, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,36%, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 2,49%.

Như vậy, tính tới 25/3/2025, chênh lệch giữa huy động và cho vay của hệ thống ngân hàng đã lên tới 1,1 triệu tỷ đồng. Điều này có thể tạo áp lực cho các ngân hàng trong việc đáp ứng các mục tiêu về tăng trưởng tín dụng.

Tại một hội nghị về đẩy mạnh tín dụng cách đây 1 tháng, Phó Thống Đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng tín dụng toàn hệ thống lên 16% vào cuối năm 2024, đồng thời yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tín dụng đúng trọng tâm.

NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng giữ ổn định lãi suất tiền gửi và cho vay, để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn.

Công điện số 47/CĐ-TTg ngày 22/4/2025 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng./.