Luật Nhà giáo: Tôn vinh sự cống hiến, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp
Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành trong tuyển dụng, sử dụng, quản lí, phát triển đội ngũ nhà giáo; tạo cơ hội thuận lợi hơn cho ngành Giáo dục trong quản lí ngành và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có Luật Nhà giáo.
Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết: Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Chính phủ thông qua, bao gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Đối với đội ngũ hơn một triệu nhà giáo trong toàn quốc, Luật Nhà giáo là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề.
Đối với ngành Giáo dục, Luật Nhà giáo khẳng định vị thế, vai trò chủ động của ngành trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo; tạo cơ hội thuận lợi hơn cho ngành Giáo dục trong quản lý ngành và phát triển đội ngũ nhà giáo.
Trong đó, Luật thống nhất giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo.
Luật giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Việc giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo là bước điều chỉnh quan trọng nhằm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là giải quyết bài toán thừa thiếu đội ngũ; chủ động điều phối, hoạch định các kế hoạch phát triển đội ngũ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn trong tương lai.
Luật cũng quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất cơ quan có thẩm quyền phê duyệt số lượng biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Theo Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng, ngay sau khi được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, gồm 3 Nghị định và gần 20 Thông tư thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ liên quan (Bộ Quốc phòng, Bộ Công an) để kịp ban hành và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Luật Nhà giáo vào ngày 1/1/2026.