Nâng cao vị thế, vai trò của Đoàn thanh niên trong xây dựng nông thôn mới
Trong giai đoạn 2021-2025, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của đoàn thanh niên các cấp đã được triển khai tại cơ sở. Điều này khẳng định vai trò của thanh niên trong quá trình thay đổi diện mạo nông thôn mới.
Giai đoạn 2021-2025: Hơn 1.500 hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên được thành lập
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu tổng quát tiếp tục triển khai Chương trình gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Hưởng ứng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới” và các chỉ đạo của Trung ương, giai đoạn 2021-2025, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đồng bộ và hiệu quả. Trọng tâm là vận động thanh niên tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường sống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, tổ chức các đội hình trí thức trẻ tình nguyện về vùng sâu vùng xa. Phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng Nông thôn mới” trở thành một dấu ấn đậm nét trong nhiệm kỳ vừa qua.
Theo số liệu của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2025, đã có hơn 1.500 hợp tác xã, tổ hợp tác thanh niên được thành lập mới trong 5 năm vừa qua, góp phần tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động trẻ, cải thiện thu nhập người dân khu vực nông thôn; gần 2.000 sản phẩm OCOP do thanh niên phát triển đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử; có tổng cộng 1.671 hồ sơ dự án khởi nghiệp nông nghiệp của thanh niên gửi tham gia Giải thưởng Lương Định Của.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, tổ chức Đoàn các cấp đã trồng hơn 82 triệu cây xanh; chăm sóc, duy trì, và trồng mới hơn 269 nghìn km đường hoa thanh niên; vẽ gần 40 nghìn km đường bích họa; sửa chữa hơn 80 nghìn km, làm mới hơn 4 nghìn km đường giao thông nông thôn; triển khai gần 9 nghìn km tuyến "thắp sáng đường quê"; hỗ trợ xây gần 1.500 cầu giao thông nông thôn; xây mới gần 6.500 "nhà nhân ái", gần 1.900 "nhà khăn quàng đỏ", hơn 4.200 nhà vệ sinh đạt chuẩn...
Đối với công tác truyền thông, qua nhiều nền tảng mạng xã hội cũng như các kênh truyền thông, báo chí của tổ chức Đoàn, đã có gần 49 nghìn tin, bài được đăng tải, truyền tải thông điệp về xây dựng nông thôn mới một cách sinh động, dễ hiểu đến hơn 5,3 triệu lượt người.
Một trong những điểm sáng khác là việc các cấp bộ Đoàn đã tổ chức hơn 1.500 lớp tập huấn với sự tham gia của gần 60 nghìn lượt cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh niên; tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi sang thói quen 4R/4T (Refuse/Từ chối-Reduce/Tiết giảm-Reuse/Tái sử dụng-Recycle/Tái chế).
Về công tác chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn thông minh, các cấp bộ Đoàn đã thành lập tới 3.500 tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 2,3 triệu lượt tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ bà con, thanh thiếu nhi; kết quả là đã tổ chức được hơn 76 nghìn hoạt động chuyển đổi số khu vực nông thôn với tổng giá trị gần 90 tỷ đồng.
Nhìn chung, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả của đoàn thanh niên trong phong trò xây dựng nông thôn mới đã được triển khai tại cơ sở. Điển hình như: mô hình “Thắp sáng đường quê”, “Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ người dân”, đến những dự án phát triển kinh tế tuần hoàn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ do thanh niên khởi xướng… tất cả đều cho thấy sự linh hoạt, sáng tạo và bám sát thực tiễn của tuổi trẻ.
Giai đoạn 2026-2030: Lấy thanh niên làm nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới
Trên cơ sở đánh giá thực tiễn, Trung ương Đoàn đã đề xuất các định hướng lớn cho giai đoạn 2026-2030 trong việc phát huy vai trò của đoàn thanh niên trong xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số vào phát triển nông thôn, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ và quản lý dữ liệu; hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, nâng cao năng lực cho thanh niên nông thôn; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khuyến khích các mô hình nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường; xây dựng làng thông minh, bản thông minh, tạo hệ sinh thái số tại các địa phương, kết nối mạnh mẽ với thị trường trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Trung ương Đoàn nhấn mạnh, việc lấy thanh niên làm lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới thông minh, bền vững và sáng tạo. Để làm được điều này, các tổ chức Đoàn phát huy vai trò trong đào tạo nghề, hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển du lịch nông thôn, dịch vụ mới cho thanh niên tại vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, cần tạo môi trường khởi nghiệp thuận lợi cho thanh niên nông thôn, thông qua các chính sách ưu đãi thuế, đất đai và quỹ hỗ trợ; Nâng cao chất lượng đào tạo, kết nối giữa trường học – doanh nghiệp – thanh niên để hình thành hệ sinh thái nghề nghiệp phù hợp; Truyền thông mạnh mẽ về các gương thanh niên điển hình, khơi dậy khát vọng cống hiến và đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, cần tăng tỷ trọng đầu tư cho hoạt động của tổ chức Đoàn trong chương trình nông thôn mới; phát triển mạng lưới Tổ Công nghệ số cộng đồng do thanh niên làm nòng cốt; xây dựng chiến dịch truyền thông mang bản sắc thanh niên.
Trong đó, vai trò “cầu nối” của tổ chức Đoàn trong việc đưa chính sách đến gần hơn với thanh niên, tạo niềm tin và động lực để họ gắn bó với quê hương là rất quan trọng.