Ngành Tài chính Việt Nam trong giai đoạn tạo tiền đề xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955 -1960)
Hòa bình lập lại trên một nửa Đất nước, nhiệm vụ then chốt Đảng và Chính phủ xác định trong giai đoạn 1955-1960 là nhanh chóng khôi phục kinh tế sau chiến tranh, tạo tiền đề cho nhiệm vụ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Ngành Tài chính thời kỳ này đã tập trung sửa đổi các chính sách nhằm thúc đẩy quan hệ sản xuất mới, đầu tư cho kiến thiết, phát triển kinh tế - văn hóa, nâng cao đời sống Nhân dân.

Chính sách tài chính phù hợp với hoàn cảnh mới của Đất nước
Giai đoạn đầu của hòa bình, Bộ Tài chính đã tham mưu để Nhà nước ban hành hệ thống chính sách thuế gồm 13 loại, theo hướng giảm nhẹ mức động viên. Cụ thể, tháng 3/1956, Nhà nước đã sửa đổi chính sách, xây dựng riêng biểu thuế nông nghiệp cho vùng nông thôn mới giải phóng (giảm 50% số thuế) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân phấn khởi phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống.
Giai đoạn đầu tại các thành thị mới giải phóng, chế độ thuế công thương nghiệp của chính quyền cũ tạm thời được duy trì nhưng có cải tiến một số điểm để từng bước thực hiện công bằng về nghĩa vụ đóng góp giữa thành thị và nông thôn theo nguyên tắc quốc doanh nhẹ hơn tư nhân, thuế đối với sản xuất nhẹ hơn lĩnh vực buôn bán, thuế hàng hóa thiết yếu nhẹ hơn hàng hóa xa xỉ.
Với chính sách thu được thực hiện linh hoạt, thu ngân sách nhà nước (NSNN) những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc không ngừng tăng. Số thu năm 1956 từ nguồn trong nước tăng 1,34 lần so với năm 1955; năm 1957 tăng 1,94 lần so với năm 1956. Về mặt cơ cấu, số thu từ 2 khu vực nông nghiệp và xí nghiệp quốc doanh vẫn chiếm tỷ trọng lớn (năm 1955 tỷ lệ thuế nông nghiệp là 50,5%) trong điều kiện cải cách ruộng đất cơ bản đã hoàn thành.
Giai đoạn này, Việt Nam vẫn được các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em dành cho sự viện trợ khá lớn, chiếm khoảng 37% tổng số thu của NSNN.
Trong 3 năm 1958-1960, nhờ những cố gắng về mọi mặt, kế hoạch cải tạo XHCN và phát triển kinh tế văn hoá của miền Bắc đạt tốc độ nhanh, GDP bình quân hàng năm tăng 14,1%.
Tăng chi cho xây dựng cơ bản, phát triển kinh tế - văn hóa
Để đáp ứng nhiệm vụ kiến thiết đất nước sau chiến tranh, ngân sách đã dành trên 45% tổng số chi cho xây dựng cơ bản (XDCB), tập trung cho khu vực sản xuất gần 80%, với tốc độ tăng chi bình quân hàng năm lên tới 56%. Ngành Công nghiệp được đầu tư khoảng 30%, Nông nghiệp là 13,3%. Trong ngành Công nghiệp, vốn đầu tư được ưu tiên sửa chữa các nhà máy, xí nghiệp, đơn cử như: Dệt Nam Định, xi măng Hải Phòng, than Quảng Ninh...; xây dựng mới Cơ khí Hà Nội, Supe phốt phát Lâm Thao, Nhà máy Dệt 8/3... Trong Nông nghiệp, vốn đầu tư ưu tiên phục hồi và xây dựng thuỷ lợi, trong đó có công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải và một số nông trường như: Đông Hiếu, Tây Hiếu.
Trong ngành Vận tải, vốn đầu tư được dành ưu tiên để tu bổ đường sá, cầu cống, khôi phục Nhà máy xe lửa Gia Lâm, hoàn thành và đưa vào sử dụng đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan. Với ngành Y tế, Giáo dục, vốn đầu tư được ưu tiên để sửa chữa, xây mới nhiều bệnh viện, trường học, đặc biệt là các trường học đón học sinh miền Nam.
Giai đoạn 1958-1960, do số thu không ngừng tăng lên nên tốc độ chi cũng tăng theo tương ứng. Nhà nước đã dành 70% ngân sách cho kiến thiết, phát triển kinh tế, văn hóa, mỗi năm tăng 10% về tỷ trọng so với giai đoạn 1955-1957. Riêng chi cho phát triển kinh tế chiếm trung bình 55% tổng số chi (chi XDCB chiếm nhiều nhất, 35,3% tổng số chi năm 1958, tăng lên 43,8% năm 1959 và lên tới 50,6% năm 1960). Trong kế hoạch 3 nǎm 1958-1960, tổng mức đầu tư XDCB tǎng 130,7% so với 3 nǎm khôi phục kinh tế trước đó; lấy nǎm 1960 so với nǎm 1955 thì vốn đầu tư tǎng hơn 5 lần.
Về Nông nghiệp, trong 3 nǎm 1958-1960, Nhà nước đã xây dựng 19 công trình thủy lợi hạng lớn, bảo đảm tưới nước cho 153 vạn hécta ruộng đất, trong đó có trạm bơm Đan Hoài (Hà Tây), Nhâm Tràng, Như Trác (Hà Nam), xây dựng thêm các nông trường Cửu Long, Cao Phong (Hòa Bình), các trạm trại giống, cây con…
Các khu công nghiệp cũ ở Quảng Ninh, Nam Định, Việt Trì, Thái Nguyên được nâng cấp, xây mới làm cho quan hệ sản xuất, kinh tế ở miền Bắc thay đổi căn bản. Đến cuối nǎm 1960, trong 172 xí nghiệp do Trung ương quản lý, Đất nước đã mở rộng và xây dựng mới 170 xí nghiệp; ngoài ra, có thêm 24 xí nghiệp được khởi công. Việc xây dựng công nghiệp địa phương bắt đầu từ nǎm 1959 đã có trên 500 cơ sở.
Trong ngành Vận tải, vốn đầu tư dành ưu tiên cho việc duy tu, bảo dưỡng cầu đường bộ, đường sắt như: xây dựng mới đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, mở rộng một số tuyến đường sắt từ khổ 1.000mm lên 1.435mm.
Bên cạnh đó, chi cho văn hóa - xã hội cũng tăng lên. Cuối năm 1959, về giáo dục, số học sinh phổ thông bằng 1,5 lần so với năm 1957 và gấp 11 lần so với năm cao nhất hồi Pháp thuộc.
Thực hiện một số chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa
Công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đến cuối năm 1960 đã cơ bản hoàn thành với 41.400 hợp tác xã đã được thành lập, thu hút 2,4 triệu hộ nông dân - chiếm 85,8% tổng số nông hộ, với 78% diện tích ruộng đất của miền Bắc.
Việc sắp xếp các hộ kinh doanh cá thể cơ bản kết thúc, thu hút 90% thợ thủ công vào các hợp tác xã, tạo ra một sức sản xuất mới cung cấp 18,4% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, 60% giá trị tư liệu tiêu dùng và 30% giá trị hàng xuất khẩu.
Với lĩnh vực cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, Nhà nước đã cho ra đời mô hình công ty hợp doanh; quy định tạm thời việc tính lãi cổ phần hợp lý, thi hành chính sách chuộc lại xí nghiệp, cơ sở sản xuất đối với giai cấp tư sản dân tộc trên cơ sở kiểm kê, đánh giá đúng đắn tài sản kinh doanh để tăng cường điều tiết thu nhập. Một số chính sách đã được sử dụng để khuyến khích tầng lớp công thương tiếp thu đường lối kinh tế công thương nghiệp, tiếp tục đóng góp cho các khu vực vận tải, sản xuất cũng đã được tiến hành.
Cải tiến chế độ quản lý tài chính
Việc phải xây dựng phương thức quản lý sản xuất, kinh doanh mới theo nguyên tắc hạch toán kinh tế XHCN, Nhà nước đã ban hành quy định các xí nghiệp quốc doanh phải từng bước thi hành chế độ hạch toán kinh tế và nhiều chính sách khác.
Bộ Tài chính đã ban hành chế độ kế toán, xét duyệt chế độ kế toán cho các ngành, đề xuất và xử lý nghiệp vụ phát sinh trong quá trình thực hiện chế độ kế toán, kiểm tra. Hai chế độ kế toán cơ bản là “chế độ kế toán xí nghiệp công nghiệp" và “chế độ kế toán kiến thiết cơ bản” ra đời, sau đó là lần lượt các chế độ kế toán cho từng lĩnh vực thương nghiệp, cung tiêu, các nhóm đối tượng kinh tế chủ yếu.
Những chính sách tài chính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả đã giúp miền Bắc có giai đoạn khôi phục kinh tế ấn tượng sau chiến tranh chống Pháp, cải tạo các thành phần kinh tế cũ cho phù hợp với nền tảng xã hội mới, tạo tiền đề vững chắc cho công cuộc xây dựng XHCN mà điển hình là kế hoạch 5 năm lần thứ nhất ngay sau đó với những dấu ấn thành công đáng kể của giai đoạn này.