Ngành Tài chính Việt Nam từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai đến kháng chiến chống Pháp thắng lợi (2/1951-7/1954)
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai (tháng 2/1951) với hàng loạt quyết sách đã tạo bước ngoặt cho kháng chiến chống Pháp. Từ thế phòng ngự, ta chuyển sang chủ động tiến công trên mọi chiến trường. Trong giai đoạn này, ngành Tài chính đã kịp thời xây dựng hàng loạt chính sách động viên, phân phối phù hợp, đảm bảo nguồn tài lực cho các chiến dịch lớn, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, lập lại hòa bình trên một nửa Đất nước.

Đổi mới chính sách tài chính phục vụ kháng chiến
Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ hai của Đảng, từ giữa năm 1951, công tác tài chính nhà nước được củng cố nhằm tích cực xây dựng và thi hành chính sách tăng thu, giảm chi và thống nhất quản lý. Đảng ta xác định, trong giai đoạn mới, nhu cầu của kháng chiến ngày càng nhiều, cần có sự động viên đúng mức nhân tài vật lực của Nhân dân, không quá nặng làm cạn kiệt nguồn đóng góp, nhưng cũng không quá nhẹ khiến không đủ điều kiện đảm bảo được nhu cầu. Việc thống nhất quản lý thu, chi tài chính vì vậy phải được thực hiện một cách gấp rút, tập trung vào hai nhiệm vụ cơ bản:
Thứ nhất, các khoản thu đều do Chính phủ quy định và tập trung thống nhất quản lý để việc đóng góp của Nhân dân được công bằng, hợp lý và đảm bảo nguồn thu vào công quỹ được đầy đủ, dồi dào hơn, đồng thời, chấm dứt tình trạng địa phương tự ý đặt ra nhiều khoản thu riêng chồng chéo với các khoản thu của Trung ương, vượt quá khả năng đóng góp của Nhân dân.
Thứ hai, các khoản chi của các ngành, các cấp đều do Chính phủ thống nhất quản lý về mặt chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu... để việc chi tiêu tiền của Nhân dân đóng góp được tiết kiệm, có trọng tâm, trọng điểm.
Đầu năm 1952, Bộ Chính trị họp, thảo luận về kinh tế, tài chính, tiếp tục khẳng định năm 1952 “chúng ta phải và có thể thực hiện thăng bằng thu chi”. Để làm được điều này, dự trù ngân sách phải thực hiện sự thống nhất quản lý một cách rất chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc “phải thu để chi, có thu mới có chi”.
Triển khai các nghị quyết của Đảng, Hội đồng Chính phủ đã quyết định thay các chính sách và loại hình thu tản mát chưa dựa trên cơ sở kinh tế, trên thu nhập thực tế của các tầng lớp Nhân dân. Chính sách đảm phụ mới
này bảo đảm cho Nhà nước nắm chắc trong tay số lương thực và tiền mặt cần thiết để đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến, khắc phục tình trạng thuế nhẹ nhưng quyên góp nhiều, dùng biện pháp động viên gián tiếp và phát hành nhiều giấy bạc như trước đây.
Việc sử dụng vốn ngân sách được phân định rõ theo phương châm: quân trước, dân sau; sản xuất trước, hành chính sau; công việc cấp bách trước, chưa cấp bách sau…
Cùng với quản lý chặt chẽ thu chi, chính sách thuế thời kỳ này cũng được đổi mới để phù hợp. Thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp được ưu tiên điều chỉnh lại, bảo đảm sự đóng góp công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp Nhân dân.
Ngay từ năm 1951, Chính phủ đã làm thí điểm chính sách thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp ở Việt Bắc để từ đó rút kinh nghiệm mở rộng thi hành trên toàn miền Bắc, tiếp đó là Liên khu V và Nam Bộ.
Chính sách thuế giai đoạn này gồm 7 loại thuế: 2 loại thuế mới là thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp, 5 loại thuế cũ được giữ lại sau khi sửa đổi mặt hàng chịu thuế và các biểu thuế là: Thuế hàng hóa, thuế xuất nhập khẩu, thuế sát sinh, thuế tem và trước bạ.
Thuế nông nghiệp được thay đổi đã cơ bản giải quyết những khó khăn của nền tài chính quốc gia, góp phần bình ổn giá lương thực, trên cơ sở đó giúp Nhà nước quản lý được giá những mặt hàng chính trên thị trường. Số thuế thu được năm 1951 là 219.152 tấn thóc (tính từ Liên khu IV trở ra), trong đó Liên khu Việt Bắc là 81.542 tấn; Liên khu 3 là 42.087 tấn; Liên khu 4 là 95.603 tấn; Liên khu V thu được 18.458 tấn, đã bảo đảm đủ nuôi bộ đội, công nhân và bộ máy hành chính.
Qua năm 1952, mặc dù có sửa lại mức khởi điểm để giảm nhẹ đóng góp cho nông dân nghèo, số thuế thu được cả năm, tính từ Liên khu IV trở ra, vẫn cao hơn năm 1951 gần 40%. Tại Liên khu V, số thu tăng gấp đôi và ở Nam Bộ tăng gấp rưỡi năm 1951. Tính chung cả nước, năm 1952 thu hơn năm 1951 tới 42,3%. Năm 1953, do vùng tự do được mở rộng, các căn cứ và khu du kích được hình thành trong lòng địch, công tác vận động chính trị đã phát huy mạnh mẽ thêm tinh thần yêu nước của đồng bào ở các địa phương, nên thuế nông nghiệp đã thu được tới 358.026 tấn, hơn năm 1952 là 11%; trong đó 242.993 tấn thu bằng thóc, 114.449 tấn thu bằng tiền và 582 tấn thu bằng hiện vật khác.
Nhờ số thuế thu tốt, cuối năm 1952, chẳng những ta có đủ lương thực cung cấp cho các nhu cầu kháng chiến mà còn hỗ trợ cho việc bình ổn giá gạo và các mặt hàng chính, đồng thời tích lũy được một số tiền Đông Dương góp phần đấu tranh kinh tế với địch. Tính chung cả 4 năm (1951 - 1954) từ Liên khu V trở ra, ta đã thu được 1.578.000 tấn thóc thuế nông nghiệp.
Đặc biệt năm 1953, lần đầu tiên kể từ kháng chiến toàn quốc, ngân sách nhà nước không những đã cân bằng được thu chi mà còn bội thu 16%. Sau khi đáp ứng đầy đủ các khoản chi, ngân sách nhà nước còn dư gần 90.000 tấn thóc để dự trữ chuẩn bị cung cấp cho nhu cầu lo lớn của các chiến dịch đông xuân 1953-1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tiếp nhận viện trợ quốc tế, tăng cường chi viện cho miền Nam
Sau chiến thắng Biên giới, Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN tăng cường viện trợ cho Việt Nam. Tài chính tham gia tiếp nhận và quản lý, phân phối nguồn hàng viện trợ, nhờ đó, các khoản chi cho quân đội được tăng cường, giảm bớt khó khăn cho ngân sách nhà nước.
Với tài chính miền Nam, giai đoạn này cũng đánh dấu sự tăng cường chi viện của ngành Tài chính trên tất cả các phương diện. Ngày 6/5/1951, Trung ương Cục miền Nam được thành lập với sự ra đời của Ban Kinh - Tài Trung ương Cục. Cơ quan tài chính quan trọng này đã trực tiếp đảm bảo hoạt động sản xuất trong vùng giải phóng, cung cấp tài chính, trang bị cho các lực lượng quân sự, chính trị, kinh tế; đấu tranh kinh tế với địch ở vùng bị tạm chiếm thông qua xuất nhập khẩu, bồi dưỡng sức dân, động viên đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến thắng lợi.
Hàng loạt chính sách tài chính đúng đắn được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã giúp cho việc Đảng, Chính phủ dồn nguồn lực gồm 15.640 tấn gạo, hàng ngàn tấn thực phẩm các loại… đủ sức đáp ứng hậu cần cho khoảng 87.000 bộ đội, dân công góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ. Hòa bình lập lại trên một nửa Đất nước có sự đóng góp to lớn của ngành Tài chính cách mạng.
Việc kịp thời đổi mới chính sách tài chính, tăng tiết kiệm và nâng cao kỷ luật tài khóa đã giúp tài chính Việt Nam giai đoạn 1951-1954 góp phần xứng đáng trong bản hùng ca của cuộc kháng chiến chống Pháp, làm nên chiến thắng cuối cùng, lập mốc son mới trong lịch sử Dân tộc.