Phố Wall thăng hoa, chứng khoán châu Á “nín thở” vì thuế Trump

Khánh Hạ

Dù chịu áp lực từ chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump và những tín hiệu kém lạc quan từ thị trường lao động, Phố Wall vẫn tiếp tục thiết lập đỉnh mới. Trong khi đó, các sàn chứng khoán châu Á kết thúc phiên ngày 11/7 trong trạng thái phân hóa, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn kinh tế - chính trị đang gia tăng.

Đà tăng của TTCK Mỹ hiện nay phản ánh niềm tin rằng kinh tế Mỹ vẫn đủ sức chống chọi với các cú sốc chính sách. Ảnh Internet
Đà tăng của TTCK Mỹ hiện nay phản ánh niềm tin rằng kinh tế Mỹ vẫn đủ sức chống chọi với các cú sốc chính sách. Ảnh Internet

Phố Wall vững vàng giữa bão thuế quan

Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục tăng mạnh trong phiên 10/7, thiết lập các mốc kỷ lục mới dù Tổng thống Donald Trump bất ngờ công bố loạt thuế quan mới nhằm vào nhiều quốc gia.

Chốt phiên giao dịch ngày 10/7 (sáng ngày 11/7 theo giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 tăng 17,2 điểm, tương đương 0,27% lên 6.280,46 điểm – mức cao lịch sử. Chỉ số Nasdaq tăng 19,33 điểm, tương đương 0,09% lên 20.630,67 điểm – đánh dấu mức đỉnh mới. Chỉ số Dow Jones tăng 192,34 điểm, tương đương 0,43%, lên 44.650,64 điểm.

Đà tăng diễn ra bất chấp việc Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 50% đối với mặt hàng đồng nhập khẩu, áp thuế 35% đối với hàng hóa từ Canada và đe dọa tăng thuế lên 20% với phần lớn các quốc gia nếu không đạt được thỏa thuận trước ngày 1/8. Trong một loạt thư gửi tới lãnh đạo nhiều nước, ông Trump còn nêu rõ kế hoạch áp thuế lên dược phẩm (200%) và các mặt hàng từ Brazil (50%) nhằm trả đũa các chính sách “không tương hỗ”. Tuy nhiên, thị trường dường như đã quen với cách tiếp cận đàm phán bằng thuế quan của ông Trump. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng phần lớn các biện pháp này sẽ được điều chỉnh hoặc trì hoãn, đặc biệt nếu các bên có tiến triển trong đàm phán thương mại. Sự lạc quan này giúp cổ phiếu tiếp tục thăng hoa, đặc biệt là các nhóm ngành công nghệ, bán lẻ và năng lượng.

Song song với mặt trận thương mại, Tổng thống Trump cũng tiếp tục gia tăng áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), kêu gọi giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh bầu cử đang đến gần. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế gần đây lại chưa thực sự hậu thuẫn cho động thái cắt giảm. Báo cáo mới công bố cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ trong tuần qua đạt 227.000, thấp hơn mức dự báo 235.000. Số đơn xin trợ cấp tiếp tục đạt 1,965 triệu – cao nhất kể từ năm 2021 – phản ánh tình trạng tìm việc trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, báo cáo việc làm phi nông nghiệp (NFP) tháng 6 gây bất ngờ với mức tăng 139.000 việc làm, cho thấy thị trường lao động vẫn ổn định.

Phát biểu cùng ngày, ông Alberto Musalem – Chủ tịch Fed khu vực St. Louis – cho biết: "Trong những tháng gần đây, đã có một số xu hướng tích cực về lạm phát, nhưng lạm phát tăng là do thuế quan". Ông cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở gần mức toàn dụng lao động và không có lý do rõ ràng để vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ.

Giới phân tích nhận định, đà tăng của TTCK Mỹ hiện nay phản ánh niềm tin rằng kinh tế Mỹ vẫn đủ sức chống chọi với các cú sốc chính sách. Gói ngân sách mới, chính sách khấu hao nhanh và miễn thuế tiền boa mà ông Trump đề xuất có thể tạo thêm động lực cho tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên, mặt trái của chính sách này là nguy cơ gia tăng lạm phát, buộc Fed phải giữ lập trường thận trọng hơn.

Hai TTCK lớn lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc đều khép phiên 11/7 trong sắc đỏ. Ảnh Internet
Hai TTCK lớn lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc đều khép phiên 11/7 trong sắc đỏ. Ảnh Internet

Chứng khoán châu Á phân hóa vì lo ngại thuế Trump

Trong khi Phố Wall tiếp tục lập đỉnh, thị trường chứng khoán châu Á kết thúc phiên ngày 11/7 với trạng thái phân hóa rõ rệt. Trong khi một số thị trường tăng điểm nhờ lực đẩy nội tại, nhiều sàn chứng khoán khác lại chịu áp lực từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước trước các chính sách thuế mới từ Mỹ, cũng như rủi ro địa chính trị liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Trung và Mỹ - ASEAN.

Hai TTCK lớn lớn là Nhật Bản và Hàn Quốc đều khép phiên trong sắc đỏ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,3% xuống còn 39.525,50 điểm. Sự suy yếu chủ yếu đến từ áp lực chốt lời sau nhiều phiên tăng liên tiếp, cùng với sự phục hồi của đồng yên so với USD, ảnh hưởng tiêu cực đến cổ phiếu xuất khẩu. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm 0,23% xuống 3.175,77 điểm. Nhà đầu tư tại Seoul chịu ảnh hưởng tâm lý từ các thông tin liên quan đến khả năng Mỹ sẽ siết chặt thuế thương mại đối với một số mặt hàng công nghệ cao – lĩnh vực vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế Hàn Quốc.

Ngược lại, thị trường Trung Quốc đại lục và Hồng Kông giữ được sắc xanh nhẹ trong phiên, bất chấp những bất ổn từ bên ngoài. Chỉ số Shanghai tại Trung Quốc tăng nhẹ 0,01%, lên 3.510,18 điểm. Dù mức tăng khiêm tốn, nhưng việc thị trường không bị điều chỉnh mạnh được coi là tín hiệu tích cực trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang phục hồi chậm và chưa đạt mục tiêu tăng trưởng 5% đề ra cho năm 2025. Các cổ phiếu liên quan đến năng lượng và quốc phòng giữ nhịp tăng tốt, nhờ kỳ vọng vào gói đầu tư công lớn sẽ được Bắc Kinh đẩy mạnh trong nửa cuối năm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 0,7% lên 24.030 điểm. Tâm lý nhà đầu tư tại đây được cải thiện sau khi có thông tin về việc chính quyền đặc khu sẽ triển khai các chính sách nới lỏng tài khóa để hỗ trợ thị trường bất động sản và tiêu dùng. Nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính dẫn đầu đà tăng, với kỳ vọng Trung Quốc sẽ không nằm trong nhóm quốc gia bị Mỹ tăng thuế mạnh ngay trong đợt đầu.

Chốt phiên giao dịch ngày 11/7 (tại thời điểm 16h00), Nhật Bản giảm 120,86 điểm, tương đương 0,3%, đóng cửa ở mức 39.525,50 điểm; Hồng Kông tăng 145,63 điểm, tương đương 0,61%, đóng cửa ở mức 24.174,00 điểm; Trung Quốc tăng 0,5 điểm, tương đương 0,01% lên 3.510,18 điểm; Hàn Quốc giảm 7,46 điểm, tương đương 0,23% xuống 3.175,77 điểm; Singapore tăng 11,8 điểm, tương đương  0,29%, đóng cửa ở mức 4.087,50 điểm; Malaysia giảm 0,45 điểm, tương đương 0,03% lên 1.536,07 điểm; Thái Lan giảm 14,27 điểm, tương đương 1,29% lên 1.124,67 điểm.

Dù một số thị trường có diễn biến tích cực, giới phân tích đánh giá tâm lý nhà đầu tư tại châu Á hiện đang ở trạng thái “chờ đợi và phòng ngừa rủi ro”. Việc Mỹ có thể thực thi các biện pháp thuế quan mới trong vòng ba tuần tới khiến các dòng vốn có xu hướng thận trọng, đặc biệt là tại những nền kinh tế có quan hệ xuất khẩu lớn với Mỹ. Ông Khoon Goh, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường châu Á tại ngân hàng ANZ nhận định: “TTCK châu Á có thể sẽ còn biến động trong tháng 7 khi các quyết định về thuế quan từ Mỹ chính thức có hiệu lực. Nếu không có sự nhượng bộ rõ ràng, các nước bị áp thuế sẽ phải phản ứng, và điều đó sẽ ảnh hưởng lớn đến thương mại khu vực.”

Ngoài yếu tố thương mại, một yếu tố khác đang khiến thị trường châu Á khó đoán là sự thiếu chắc chắn trong chính sách tiền tệ toàn cầu. Nếu Fed trì hoãn việc cắt giảm lãi suất hoặc giữ lập trường "diều hâu", áp lực tỷ giá và chi phí vay vốn tại châu Á sẽ gia tăng, đặc biệt với các nền kinh tế phụ thuộc vào USD.