Phú Thọ ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, logistics và du lịch

Minh Đức

Đây là một trong những định hướng được Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ tham mưu xây dựng trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 2026-2030, Phú Thọ dự kiến đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,5% trở lên.
Giai đoạn 2026-2030, Phú Thọ dự kiến đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,5% trở lên.

Chiều ngày 14/7, ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị góp ý vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ  lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm giai đoạn 2026 - 2030 do Sở Tài chính tỉnh Phú Thọ chủ trì xây dựng.

Theo đó, trong giai đoạn 2026- 2030, tỉnh Phú Thọ phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, logistics, du lịch của vùng và cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển kinh tế nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế tư nhân làm động lực và nguồn lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của Nhân dân được nâng cao.

Tỉnh Phú Thọ dự kiến đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,5% trở lên; trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế tư nhân đạt 12% trở lên. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 190 - 200 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 9%/năm; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 10%/năm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95,5%.

Dự thảo báo cáo đề xuất các khâu đột phá và 10 nhóm nhiệm vụ giải tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế gắn với thúc đẩy tăng trưởng; tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tập trung phát triển các vùng động lực, hành lang kinh tế, thúc đẩy liên kết vùng. Thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế hiệu quả. Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại gắn với xây dựng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới. Phát triển các thành phần kinh tế, tạo sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để thu hút các nguồn lực đầu tư.

Tại Hội nghị góp ý vào Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lĩnh vực kinh tế - xã hội, một số ý kiến đề xuất bổ sung khâu đột phá về văn hóa gắn với phát triển kinh tế; nghiên cứu bổ sung chỉ số về kinh tế tư nhân; bám sát vào hướng dẫn của Trung ương để xác định chính xác tỷ lệ đô thị hóa, hộ nghèo và xã nông thôn mới;

Xây dựng lộ trình cụ thể để đạt mục tiêu 100% cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đánh giá lại tính khả thi của việc phủ sóng 5G trên toàn tỉnh đạt 100%; xem xét thay thế tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình bằng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình...

Cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện báo cáo, cũng như các định hướng, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ông Trần Duy Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu nội dung báo cáo cần tập trung thực hiện bộ tứ chiến lược; điều chỉnh phát triển nông nghiệp hiệu quả cao;

Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo tập trung các giải pháp để hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành; xin ý kiến bổ sung khâu đột phá chiến lược phát triển du lịch gắn với bản sắc địa phương; phát triển ngành logicstic, đô thị, giao thông thông minh; phát triển vùng đồng bào dân tộc khó khăn...