Đà Nẵng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng phát triển 20 bến thủy nội địa

Thanh Hằng

UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt chủ trương đầu tư dự án phát triển hạ tầng và kinh doanh du lịch đường thủy nội địa, với tổng mức đầu tư hơn 9.881 tỷ đồng. Dự án hướng tới hình thành hành lang du lịch mới trên các tuyến sông lớn như Hàn, Cổ Cò, Vĩnh Điện và Cẩm Lệ, thúc đẩy phát triển du lịch xanh, hiện đại và bền vững.

Theo quyết định do Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh ký ban hành, dự án sẽ tập trung xây mới và cải tạo 20 bến thủy nội địa trên địa bàn thành phố, kèm theo hệ thống công viên, bãi đỗ xe, nhà chờ, nhà soát vé và các khu vui chơi giải trí phía sau bến. Tổng diện tích bố trí các bến khoảng 15,3 ha; diện tích công viên cảnh quan phía sau lên đến hơn 25,2 ha.

Đà Nẵng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng phát triển 20 bến thủy nội địa, mở hướng phát triển du lịch xanh.
Đà Nẵng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng phát triển 20 bến thủy nội địa, mở hướng phát triển du lịch xanh.

Các bến thủy sẽ được triển khai tại nhiều vị trí dọc sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Vĩnh Điện và sông Cẩm Lệ, tạo thành mạng lưới kết nối liên vùng. Ngoài hạ tầng bến bãi, nhà đầu tư được phép mua sắm đội tàu chở khách sức chứa từ 100-500 người, sử dụng nhiên liệu sạch và năng lượng tái tạo, đáp ứng yêu cầu về môi trường và phù hợp với tĩnh không các cây cầu bắc qua sông.

Đặc biệt, các hoạt động trải nghiệm văn hóa - du lịch như trình diễn ánh sáng, tổ chức show nghệ thuật trên sông cũng được tích hợp, tạo điểm nhấn về đêm, nâng cao trải nghiệm cho du khách.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 9.881 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là hơn 1.482 tỷ đồng; phần còn lại hơn 8.399 tỷ đồng sẽ được huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Thời gian hoạt động dự kiến là 50 năm kể từ ngày giao đất.

Dự án được chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2025–2030): Triển khai 7 bến thủy dọc sông Hàn (Y4, Y4.1, Y5, Y6, Y7, Y8, VT1), xây dựng công viên cảnh quan và mua sắm tàu thuyền, tổ chức trình diễn nghệ thuật. Giai đoạn 2 (2028–2031): Gồm hai dự án thành phần. Thành phần 2 phát triển 9 bến dọc sông Vĩnh Điện và Cổ Cò (VT2, N4.1 đến N5, X5, X6, X8); thành phần 3 phát triển 4 bến trên sông Cẩm Lệ (X24, X25, X10, X11).

Tiến độ thực hiện cơ bản của từng giai đoạn không quá 3 năm kể từ ngày giao đất. Trong thời gian đó, nhà đầu tư phải hoàn tất các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đất đai, môi trường, ký quỹ bảo đảm đầu tư và chịu trách nhiệm báo cáo định kỳ tiến độ triển khai.

Dự án nhận được sự phối hợp của hơn 10 cơ quan, sở ngành nhằm hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục hành chính, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, giám sát xây dựng và vận hành dự án theo quy định.

Đáng chú ý, trong quá trình triển khai, dự án phải bảo đảm không ảnh hưởng đến hoạt động quốc phòng - an ninh. Đồng thời, thành phố cũng yêu cầu không khai thác tuyến du lịch đường thủy từ các cảng Y5, Y6 đi Hòn Chảo và quay lại điểm xuất phát.

Với quy mô đầu tư lớn, định hướng phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, dự án phát triển 20 bến thủy nội địa được kỳ vọng sẽ tạo hành lang du lịch mới cho Đà Nẵng, mở rộng không gian trải nghiệm cho du khách, giảm tải áp lực hạ tầng đường bộ, đồng thời thúc đẩy liên kết vùng qua các tuyến sông.

Dự án cũng là một phần trong chiến lược phát triển giao thông đa phương thức, đưa Đà Nẵng tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành trung tâm du lịch và logistics hàng đầu khu vực miền Trung.