Quản lý thuế linh hoạt, hiệu quả trong bối cảnh thực thi các FTA

Trần Huyền

Chiều 11/12, Tổng cục Hải quan phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo quốc gia năm 2024 với chủ đề: “Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong bối cảnh thực thi các FTA: Thực trạng và giải pháp". Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng và PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính đồng chủ trì Hội thảo.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đồng chủ trì hội thảo.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đồng chủ trì hội thảo.

FTA thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu

Phát biểu tại hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã ký kết 19 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, có tất cả các nước phát triển, các nước thuộc nền kinh tế mới nổi và các nước trong khu vực, như: AFTA, ACFTA, AKFTA, AJCEP, CPTPP, UKVFTA, RCEP, EVFTA… Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam đã đàm phán ký kết thành công các FTA thế hệ mới (chẳng hạn như CPTPP, EVFTA và RCEP).

Đặc trưng của các hiệp định trên là các cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ hơn; mở rộng cam kết sang cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: Lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…

Cùng với quá trình thực thi các FTA thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng. Kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2023 là 681,1 tỷ USD, tức là gấp 6 lần so với bình quân năm giai đoạn 2002 – 2012 và tăng khoảng 50% so với bình quân năm của giai đoạn 2013 – 2021.

Tổng kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến ngày 15/11/2024 đã là 681,14 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của năm 2023. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2012 là 1.036 tỷ USD thì trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2021 là 4.110 tỷ USD, tức là gấp 4 lần của 10 năm trước đó.

Cùng với sự gia tăng kim ngạch xuất, nhập khẩu còn là sự đa dạng hóa về các loại hình thương mại và các hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử với hàng nghìn sàn thương mại điện tử đã làm khối lượng đơn hàng giá trị nhỏ xuất khẩu, nhập khẩu gia tăng ở mức độ vô cùng lớn trong vài năm gần đây. Chỉ tính riêng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam qua sàn thương mại điện tử mỗi ngày trung bình có khoảng 4 đến 5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ.

Những điều này tạo ra áp lực và thách thức rất lớn đòi hỏi phải đổi mới toàn diện hoạt động quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cả về phương thức quản lý, công nghệ quản lý và con người thực thi nhiệm vụ quản lý thuế.

Quản lý linh hoạt, hiệu quả

Cùng quan điểm trên, Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cho rằng, FTA thế hệ mới là bước phát triển mang tính đột phá của các FTA, vượt qua giới hạn của FTA truyền thống cả về phạm vi cam kết lẫn mức độ yêu cầu thực thi, đồng thời mang lại nhiều cơ hội cho thương mại nội ngành và quản lý thuế tại Việt Nam. Việc tận dụng những cơ hội này đòi hỏi phải có một chiến lược quản lý thuế linh hoạt, hiệu quả, đồng thời khắc phục những thách thức còn tồn tại để đảm bảo sự phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.

Theo TS. Nguyễn Đình Chiến - Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu khi thực thi các FTA, cần tiếp tục thực hiện phân tích số liệu, lập danh sách mặt hàng, đối tượng trọng điểm có kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến, các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa có rủi ro cao về gian lận xuất xứ để áp dụng các biện pháp điều tra, xác minh làm rõ hành vi vi phạm; Tích cực xúc tiến đàm phán với các đối tác trong các FTA về các nội dung hợp tác cụ thể liên quan đến lĩnh vực đấu tranh chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, thực hiện kiểm tra tên hàng, mã số, mức thuế tại khâu thông quan, khâu sau thông quan để phát hiện và xử lý các trường hợp khai sai mã số, khai ngụy trang tên hàng hoặc khai tên hàng không rõ ràng, đầy đủ để được áp dụng mức thuế thấp hoặc được hưởng các mức thuế ưu đãi đặc biệt, trong đó tập trung kiểm tra những mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại và áp dụng mức thuế. Thực hiện kiểm tra trị giá sau thông quan đối với những mặt hàng và doanh nghiệp có rủi ro khai báo sai về trị giá, nhằm xác định đúng trị giá hải quan, trị giá tính thuế...

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Viện Nghiên cứu Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho hay, với việc tham gia tích cực vào các FTA, Việt Nam đã, đang khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nâng cao vị thế, hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới, nhất là nâng cao giá trị thương mại nhờ những ưu đãi được hưởng lợi từ các FTA đã ký. Một trong những yêu cầu đặt ra đối với Hải quan Việt Nam hiện nay khi mà các chính sách cắt giảm thuế tại các FTA đang bước vào giai đoạn cắt giảm sâu, đặc biệt những mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, đóng góp vào tỷ trọng thu ngân sách nhà nước cao đó là nâng cao hiệu quả công tác thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo đó, cần cải cách hệ thống thu thuế theo hướng mở rộng cơ cấu thu thuế, giảm phụ thuộc vào nguồn thu mang tính chất một lần, tập trung vào các nguồn thu mang tính chất tái tạo, lâu dài, mở rộng đối tượng thu thuế từ đó góp phần hiệu quả vào công tác thu thuế mang tính chất bền vững. Trong đó, rà soát, tăng cường quản lý, tối ưu hoá công tác thu thuế bằng cách mở rộng cơ sở tính thuế các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt và thu nhập doanh nghiệp; Rà soát, nắm chắc tình hình nợ thuế; quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ thuế theo quy định; không để phát sinh nợ mới; Kiểm ra, rà soát, xử lý đúng đối tượng miễn thuế, không chịu thuế; Kiểm soát chặt chẽ công tác hoàn thuế, xử lý tiền thuế nộp thừa...

Ngoài ra, cần tăng cường đẩu mạnh hợp tác quốc tế về công tác thu thuế trong lĩnh vực hải quan nhằm kịp thời xử lý các hành vi gian lận lợi dụng chính sách ưu đãi thuế quan tại các FTA thế hệ mới như việc dịch chuyển lợi nhuận của các công ty xuyên quốc gia nhằm khai thác những lỗ hổng tại các FTA. Đồng thời, xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu về người nộp thuế, các chính sách pháp luật về thuế giữa các đối tác FTA của Việt Nam để kịp thời xử lý các phát sinh liên quan đến chính sách ưu đãi thuế tại các FTA.