Quảng Bình: Chú trọng khai thác du lịch mạo hiểm
Với lợi thế hệ thống hang động dày đặc, khoảng trên 500 hang, 40 hang trong số này đã được khai thác du lịch, Quảng Bình có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình dịch vụ khám phá thiên nhiên mạo hiểm, du lịch hang động. Tỉnh đang nỗ lực tìm hướng đi mới để chuẩn hóa và phát triển hơn nữa loại hình này, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong thời gian tới.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, trong 5 tháng đầu năm 2025, Quảng Bình ước đón hơn 2,1 triệu lượt khách, riêng khách quốc tế ước đạt gần 80.000 lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt gần 2,5 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh hiện có 533 cơ sở lưu trú với 8.475 phòng; gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; 58 đơn vị lữ hành (26 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 32 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa).
Thời gian qua, Quảng Bình tập trung đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên gắn với phát triển bền vững, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách du lịch quốc tế ở nhiều thị trường khác nhau. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 40 sản phẩm, khu, điểm tham quan du lịch đã được phê duyệt đề án hoặc cho phép khai thác thử nghiệm.
Tuy vậy, du lịch Quảng Bình vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là các sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, thiếu các sản phẩm du lịch về đêm, dịch vụ vui chơi giải trí, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch cho khách quốc tế chưa đa dạng…
Để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho du lịch, chiều 23/5 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình đã phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm Phát triển, kết nối sản phẩm du lịch Quảng Bình. Tham gia buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận phân tích, đánh giá tài nguyên, tiềm năng phát triển du lịch Quảng Bình và đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm, dịch vụ hình thành chuỗi giá trị du lịch theo hướng bền vững, giá trị cao và giảm thiểu tính thời vụ đối với du lịch tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến đã trao đổi về giải pháp liên kết hợp tác để hình thành Chương trình tham quan “Một hành trình - Đa trải nghiệm” giữa Quảng Bình với các tỉnh khu vực miền Trung, các sản phẩm du lịch xanh, du lịch thiên nhiên kết hợp với tìm hiểu sự đa dạng, độc đáo về văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.
Chia sẻ tại Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu cho rằng, du lịch thiên nhiên mạo hiểm là thế mạnh đặc trưng của Quảng Bình, vì vậy cần chuẩn hóa dịch vụ các tour khám phá hang động; cần quan tâm xây dựng các sản phẩm dịch vụ bổ trợ nhằm tăng trải nghiệm, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách. Bên cạnh đó, ngành du lịch Quảng Bình cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch...
Đồng tình với quan điểm này, đại diện các doanh nghiệp lữ hành tham gia buổi Tọa đàm đều đánh giá cao các tiềm năng du lịch hang động, du lịch sinh thái của tỉnh Quảng Bình. Các đại biểu cũng nhất trí rằng, để du khách lựa chọn Quảng Bình là điểm đến lý tưởng, ngành du lịch tỉnh cần tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt vào mùa thấp điểm để các doanh nghiệp lữ hành sẽ chủ động đưa khách đến. Bên cạnh đó, không gian du lịch Quảng Bình có nhiều điểm đến khám phá mạo hiểm nên rất cần chú trọng công tác y tế để xử lý các tình huống phát sinh đối với khách khi đi tham quan…
Năm 2025, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng như thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, ngành Du lịch Quảng Bình đặt ra mục tiêu đạt 5.500.000 lượt khách du lịch, trong đó 5.340.000 lượt khách nội địa và 160.000 lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch 6.325 tỷ đồng.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉ lệ đóng góp của ngành Du lịch đạt 10 - 12% tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh.