Quảng Trị đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân
Trước nhiều khó khăn về vốn, đất đai, thủ tục hành chính và thị trường, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân tại Quảng Trị đang kỳ vọng những chuyển biến thực chất trong môi trường đầu tư...

Tại Hội nghị về thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW do Thường trực Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức chiều 22/5, ông Hoàng Nam - Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh khẳng định, trong thời gian qua, UBND tỉnh luôn xác định vai trò trung tâm của các hiệp hội, hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, làm cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 3.419 doanh nghiệp đang hoạt động (trong tổng số 3.470 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh) với hơn 91,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tổng vốn đăng ký đạt 68.873 tỷ đồng và tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động. Trong giai đoạn 2021 - 2024, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 66.000 tỷ đồng vốn đầu tư, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh; đóng góp 4.505 tỷ đồng cho ngân sách, chiếm khoảng 31% tổng thu nội địa.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song tình hình doanh nghiệp trên địa bàn vẫn đối mặt với không ít khó khăn. Số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm qua các năm gần đây. Cụ thể, năm 2021 có 456 doanh nghiệp thành lập mới, đến năm 2024 giảm còn 360 doanh nghiệp. Năm tháng đầu năm 2025, chỉ có 168 doanh nghiệp mới được thành lập, đạt 42% kế hoạch năm.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại gia tăng qua từng năm, năm 2021, có 195 doanh nghiệp ngừng hoạt động, năm 2024 đã tăng lên 369 doanh nghiệp. Riêng 5 tháng đầu năm 2025 đã có tới 320 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Đây là con số đáng báo động.
"Tình trạng này đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều biến động, thách thức", ông Hoàng Nam nhấn mạnh.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Long Hải - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định, cần có sự thay đổi căn bản trong nhận thức của toàn hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Do vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo; tăng cường tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất; cải thiện điều kiện tiếp cận vốn và nâng cao chất lượng nhân lực cho khu vực tư nhân.
Tham dự Hội nghị, các ý kiến đều cho rằng, việc triển khai Nghị quyết cần bám sát điều kiện thực tế tỉnh Quảng Trị, nhằm tạo đột phá rõ nét trong phát triển khu vực này. Cùng với đó, đề xuất tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ thuê đất, hỗ trợ đào tạo nhân lực, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Đồng thời, nghiên cứu cơ chế ưu tiên cho doanh nghiệp địa phương tham gia các dự án trọng điểm phù hợp quy định pháp luật. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng các nội dung từ Nghị quyết 68-NQ/TW, Nghị quyết 41-NQ/TW về phát huy vai trò doanh nhân và Nghị quyết 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.