Hoàn thiện chính sách "có tính thực tiễn và tính hành động nhất" để phát triển kinh tế tư nhân

Trần Huyền

Trao đổi về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện dự thảo có chất lượng tốt nhất, "có tính thực tiễn và tính hành động nhất", "tác động nhanh nhất và sâu sắc nhất có thể đối với kinh tế tư nhân".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi tại phiên họp Tổ 8 của Quốc hội chiều 15/5.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trao đổi tại phiên họp Tổ 8 của Quốc hội chiều 15/5.

Nhiều nội dung đột phá chưa từng có tiền lệ

Thảo luận tại Tổ 8 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân chiều 15/5, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất cao với quan điểm về sự cần thiết xây dựng ban hành Nghị quyết dựa trên cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn, nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh, đây là một dấu mốc quan trọng với nhiều nội dung đột phá chưa từng có tiền lệ, phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức và hành động của Đảng đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy, nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã khẳng định rõ hơn vai trò trung tâm, động lực then chốt của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước. Dự thảo đã có những chính sách vượt trội, đặc thù để kinh tế tư nhân thực sự “lớn mạnh về lượng, nâng cao về chất”, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Theo đại biểu, hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp trong nước đang rất hân hoan và kỳ vọng Nghị quyết sẽ thúc đẩy cải cách thể chế, rút ngắn quy trình cấp phép, tiếp cận đất đai và vốn tín dụng dễ dàng hơn, hình thành Môi trường đầu tư – kinh doanh thông thoáng, minh bạch hơn. Các doanh nghiệp giảm lo ngại về hình sự hóa trong các tranh chấp dân sự.

Các quy định tại dự thảo Nghị quyết sẽ bảo vệ doanh nghiệp khỏi rủi ro pháp lý không đáng có; bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước hoặc FDI khi tham gia đấu thầu, tiếp cận tín dụng, đất đai, chính sách hỗ trợ khác. Từ đó, giúp doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế.

Thảo luận tại tổ, một số đại biểu quan tâm tới đối tượng áp dụng; các chính sách ưu đãi; quy định bỏ phương thức thuế khoán với hộ kinh doanh; thanh tra, kiểm tra...

Quy định những vấn đề đã "chín, đã rõ", có tính cấp bách

Làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Bộ Chính trị đã khẳng định, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Bộ Chính trị chỉ đạo ban hành các cơ chế chính sách, giải pháp đặc biệt thúc đẩy các thành phần kinh tế tư nhân. Theo đó, Chính phủ, Quốc hội phải đưa ra những hành động, giải pháp cụ thể, đột phá và có tính chất cách mạng để kinh tế tư nhân phát huy tối đa sức mạnh, đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội Đất nước. 

Theo đó, Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết đối với tất cả những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ để triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW. Bên cạnh đó, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết triển khai những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Như vậy, để triển khai Nghị quyết số 68-NQ/TW, có 2 nghị quyết rất quan trọng này.

Thông tin thêm về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Bộ trưởng cho hay, dự thảo Nghị quyết tập trung vào 3 nhóm vấn đề. Một là, các nhiệm vụ, giải pháp có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách và cần phải tháo gỡ ngay để tác động đến niềm tin, hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc là cần phải sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội; đồng thời, không thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật có trong chương trình xây dựng pháp luật kỳ này.

Thứ hai là các nhiệm vụ, giải pháp cần phải thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số luật mà có trong chương trình. Chính phủ cũng giao cơ quan chủ trì soạn thảo các luật khẩn trương rà soát, nghiên cứu và thể chế hóa ngay tại dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thứ ba, đối với một số nhiệm vụ, giải pháp mang tính định hướng, chưa cấp bách, cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, Chính phủ giao cho các cơ quan nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật hoặc trình Quốc hội để ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể. 

Như vậy, với những vấn đề đã "chín, đã rõ", có tính chất cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không thuộc các luật hiện nay Chính phủ đang trình, Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết. Đối với một số vấn đề triển khai được ngay, Chính phủ đã đưa vào các luật để trình Quốc hội. Với những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, Chính phủ sẽ nghiên cứu giải quyết, hoặc tiếp tục trình Quốc hội theo thẩm quyền.

Về vấn đề đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết được đại biểu quan tâm, Bộ trưởng thông tin, đối tượng của dự thảo Nghị quyết này bao gồm các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Theo Bộ trưởng, trong quá trình ban hành các cơ chế, chính sách, phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và người dân cũng như giữa các đối tượng chịu ảnh hưởng với nhau.

Với tinh thần đó, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, tính toán rất kĩ. Nội hàm của 2 nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội ban hành cũng hướng đến đảm bảo mỗi đối tượng đều có chương trình, chính sách hỗ trợ phù hợp để hộ kinh doanh có động lực phấn đấu trở thành doanh nghiệp; doanh nghiệp vừa và nhỏ phấn đấu trở thành doanh nghiệp vừa và lớn. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết lần này có chính sách hỗ trợ cả những doanh nghiệp vừa và lớn.

Trước ý kiến đại biểu băn khoăn về bỏ phương pháp khoán thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ trưởng khẳng định, quy định này hoàn toàn không tạo thêm gánh nặng cho các hộ kinh doanh. Đồng thời, giúp đảm bảo các hộ kinh doanh minh bạch hơn trong quá trình hoạt động và nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, nhiều chính sách ưu đãi được đề xuất cho hộ kinh doanh khi chuyển thành doanh nghiệp. Điển hình như hỗ trợ các kinh phí từ xây dựng, thuê mua các nền tảng số, các phần mềm rồi hỗ trợ đào tạo; bên cạnh đó sẽ sửa đổi các quy định để hơn giản hoá thủ tục, điều kiện kinh doanh hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh chuyển đổi cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ về thuế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục "gia cố" dự thảo Nghị quyết để khi ban hành phải đi vào cuộc sống, triển khai nhanh và phải hiệu quả. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ hoàn thiện dự thảo có chất lượng tốt nhất, "có tính thực tiễn và tính hành động nhất", "tác động nhanh nhất và sâu sắc nhất có thể đối với kinh tế tư nhân", Bộ trưởng nhấn mạnh.