Quy chế kiểm toán nội bộ - Bước tiến nâng cao chất lượng kiểm soát nội bộ của Bộ Tài chính

PV

Ngày 15/5/2025, Bộ Tài chính đã ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ kèm theo Quyết định số 1779/QĐ-BTC. Quy chế quy định rõ đối tượng áp dụng, bảo đảm bao quát toàn diện, giúp hoạt động kiểm toán nội bộ được triển khai thống nhất, khách quan, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong toàn hệ thống.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quy chế được đánh giá là bước tiến quan trọng của Bộ Tài chính nhằm cụ thể hóa quy định tại Nghị định số 05/2019/NĐ-CP ngày 22/01/2019 của Chính phủ về kiểm toán nội bộ, góp phần hoàn thiện cơ chế kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp, hiệu quả của kiểm soát nội bộ. Đồng thời, Quy chế cũng thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực trong cải cách, minh bạch hoá hoạt động tài chính, điều hành ngân sách nhà nước và các hoạt động nội bộ của Bộ Tài chính.

Theo đó, Quy chế đã quy định rõ ràng đối tượng áp dụng, bảo đảm bao quát toàn diện, giúp hoạt động kiểm toán nội bộ được triển khai thống nhất, khách quan, bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong toàn hệ thống.

Tại Quy chế, giao Cục Kế hoạch - Tài chính là đơn vị chủ trì, trực tiếp thực hiện công tác kiểm toán nội bộ đối với tất cả các lĩnh vực, các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

Quy chế cũng nêu rõ, bộ phận kiểm toán nội bộ của Bộ Tài chính là Phòng Kiểm tra, kiểm toán nội bộ thuộc Cục Kế hoạch - Tài chính. Người phụ trách kiểm toán nội bộ là Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính. Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý trực tiếp về mặt chuyên môn đối với công tác kiểm toán nội bộ của Cục Kế hoạch - Tài chính.

Bộ trưởng có thể ủy quyền cho Lãnh đạo Bộ phụ trách Cục Kế hoạch - Tài chính quản lý về các vấn đề hành chính của bộ phận kiểm toán nội bộ. Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính được báo cáo trực tiếp Bộ trưởng, định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ trưởng các vấn đề về rủi ro, vấn đề quản trị và các vấn đề khác cần thiết hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng.

Kiểm toán nội bộ đưa ra đảm bảo và tư vấn độc lập, khách quan, được thiết kế nhằm tạo thêm giá trị và hoàn thiện các hoạt động của Bộ Tài chính. Kiểm toán nội bộ giúp Bộ Tài chính đạt được các mục tiêu bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận có nguyên tắc và mang tính hệ thống nhằm đánh giá và nâng cao hiệu quả của các quy trình quản lý rủi ro, quy trình kiểm soát và quản trị.

Bên cạnh đó, Quy chế còn đưa ra các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ, trong đó nhấn mạnh tính độc lập, khách quan của kiểm toán nội bộ - một nguyên tắc cốt lõi được Nghị định 05/2019/NĐ-CP đặt ra. Đồng thời đặt ra yêu cầu cụ thể về đạo đức nghề nghiệp, chuẩn mực, năng lực chuyên môn của kiểm toán nội bộ.

Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải có trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, hiểu biết pháp luật, có kỹ năng đánh giá, phân tích, tổng hợp thông tin và chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.

Quy chế cũng yêu cầu duy trì chương trình đảm bảo và nâng cao chất lượng kiểm toán nội bộ, trường hợp cần thiết, có thể thuê doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện đánh giá độc lập bên ngoài 05 năm một lần. Điều này thể hiện quyết tâm nâng tầm hoạt động kiểm toán nội bộ lên ngang với chuẩn mực quốc tế.

Việc ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ theo Nghị định 05/2019/NĐ-CP không chỉ thể hiện sự tuân thủ pháp luật mà còn là một bước tiến quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản lý, quản trị và kiểm soát nội bộ của Bộ Tài chính.

Với đối tượng áp dụng rộng, nguyên tắc tổ chức chặt chẽ, kiểm toán nội bộ sẽ là công cụ đắc lực tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tài chính trong hành trình cải cách, minh bạch hóa quản lý tài chính công - xây dựng một nền tài chính quốc gia bền vững và liêm chính.