Quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong định giá tài sản bảo đảm của ngân hàng thương mại và thực trạng áp dụng tại tỉnh Đồng Nai.
Định giá tài sản bảo đảm có ý nghĩa quan trọng để xác định hạn mức tín dụng và kiểm soát rủi ro ngânhàng thương mại. Nghiên cứu tiếp cận từ quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong định giá tài sản bảo đảm của ngân hàng thương mại để phân tích thực trạng áp dụng các quy định này trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quy định pháp luật hiện hành về định giá tài sản bảo đảm có nhiều hạnchế, gây không ít khó khăn cho các chủ thể áp dụng pháp luật; quy định mức xử phạt hành chính trong định giá tài sản bảo đảm thấp, tiền vay của ngân hàng thương mại thấp khiến hiệu quả răn đe không cao. Từ kết quả phân tích, một số kiến nghị được đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thẩm định giá tài sản đảm bảo cho các ngân hàng thương mại Việt Nam.
Đặt vấn đề
Trong hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại (NHTM), tài sản bảo đảm (TSBĐ) giữ vai trò trung tâm nhằm bảo đảm an toàn vốn và hạn chế
rủi ro phát sinh từ các khoản vay. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, biện pháp bảo đảm tiền vay là điều kiện bắt buộc mà NHTM phải yêu cầu khi xét duyệt cấp tín dụng. Do đó, cho vay có TSBĐ không chỉ là yêu cầu mang tính nghiệp vụ, mà còn là cơ chế pháp lý quan trọng giúp ngân hàng chủ động xử lý khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong trường hợp phát sinh nợ quá hạn, việc xử lý TSBĐ là căn cứ thiết yếu để thu hồi vốn và duy trì tính ổn định tài
chính cho tổ chức tín dụng.
TSBĐ có thể bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản - như được định nghĩa tại Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, để bảo đảm giá trị thực của TSBĐ tương ứng với nghĩa vụ bảo đảm, hoạt động định giá tài sản cần được thực hiện một cách khách quan, chính xác và phù hợp với thực tiễn thị trường. Theo đó, định giá tài sản là quá trình xác định giá trị tài sản tại một thời điểm, địa điểm cụ thể, làm cơ sở cho các giao dịch và quyết định tín dụng. Khoản 2 Điều 4 Pháp lệnh Giá năm 2002 cũng quy định, thẩm định giá là việc đánh giá lại giá trị tài sản theo tiêu chuẩn Việt Nam hoặc thông lệ quốc tế.
Đối với các NHTM, hoạt động định giá TSBĐ có thể do chính ngân hàng thực hiện hoặc ủy quyền TÀI CHÍNH - Tháng 6/2025 cho tổ chức định giá độc lập. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh tín dụng ngày càng gay gắt, nhiều ngân hàng có xu hướng linh hoạt - thậm chí buông lỏng - trong khâu định giá, dẫn đến tình trạng nâng khống giá trị TSBĐ nhằm tăng hạn mức cho vay. Tình trạng này kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Như Lê Thị Thảo (2020) đã chỉ ra, việc định giá sai lệch tài sản là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ của nhiều “đại án ngân hàng”. Tương tự, Nguyễn Kim Đức (2012) khẳng định, những khoản vay được đảm bảo bằng tài sản được định giá sai thường nhanh chóng trở thành nợ xấu, đe dọa
lợi ích của cổ đông, nhà đầu tư và làm suy giảm năng lực tài chính của ngân hàng cũng như toàn hệ thống.
Pháp luật hiện hành đã có những quy định bước đầu điều chỉnh hoạt động định giá TSBĐ như Luật Giá 2012, các thông tư của Ngân hàng Nhà nước, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ… Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa đồng bộ, chưa rõ ràng về cơ chế xác định hành vi vi phạm và biện pháp xử lý. Một số vấn đề nổi bật có thể kể đến như: thiếu quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ định giá tại NHTM; chưa làm rõ giới hạn hành nghề của thẩm định viên; cơ chế giám sát hoạt động định giá còn thiếu hiệu lực; trình tự thủ tục định giá chưa được tiêu chuẩn hóa; chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, thiếu sức răn đe. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự chưa quy định rõ tiêu chí nhận diện hành vi “nâng khống giá trị” tài sản, khiến việc truy cứu trách nhiệm hình sự gặp nhiều khó khăn trong thực tiễn. Xem xét tình hình áp dụng tại địa phương có hoạt động tín dụng sôi động như tỉnh Đồng Nai - một trung tâm công nghiệp và đô thị phát triển nhanh của khu vực phía Nam. Với nhu cầu tín dụng lớn và tần suất giao dịch bảo đảm cao, Đồng Nai đã ghi nhận một số trường hợp sai phạm trong định giá TSBĐ, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cũng như cơ chế giám sát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Do đó, việc nghiên cứu quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm trong định giá TSBĐ của NHTM, đánh giá thực trạng áp dụng tại tỉnh Đồng Nai và đề xuất giải pháp hoàn thiện là một nhu cầu khách quan, nhằm bảo đảm sự minh bạch, chính xác và tuân thủ pháp luật trong hoạt động định giá. Bên cạnh đó, việc xác lập các tiêu chí cụ thể để nhận diện hành vi vi phạm và xây dựng cơ chế xử lý phù hợp không chỉ giúp nâng cao hiệu lực pháp lý, mà còn bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan, đặc biệt là tổ chức tín dụng, nhà đầu tư và khách hàng vay vốn.
Thực trạng thực hiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong định giá TSĐB của NHTM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong định giá TSBĐ tiền vay của NHTM
Trong hoạt động tín dụng của NHTM, định giá TSBĐ tiền vay giữ vai trò then chốt nhằm xác định giá trị thực tế của tài sản làm cơ sở cho quyết định cấp tín dụng, quản lý rủi ro và thu hồi nợ. Tuy nhiên, nếu quy trình định giá không tuân thủ quy định pháp luật hoặc thiếu khách quan, có thể dẫn đến các hệ quả nghiêm trọng như: thất thoát tài sản, nợ xấu gia tăng, thậm chí gây mất an toàn hệ thống tài chính. Do đó, pháp luật Việt Nam đã có những quy định điều chỉnh hành vi vi phạm trong định giá TSBĐ, đặc biệt trong khuôn khổ Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Nghị định số 102/2022/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành. Theo đó, NHTM phải xây dựng quy trình nội bộ về định giá TSBĐ đảm bảo khách quan, minh bạch, có cơ chế kiểm soát chéo và phân định rõ trách nhiệm từng khâu. Khoản 1 Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng quy định tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về việc định giá TSBĐ, kể cả khi thuê tổ chức định giá độc lập.
Vi phạm trong định giá TSBĐ có thể bao gồm hành vi cố ý nâng khống giá trị tài sản, thông đồng với tổ chức thẩm định giá, sử dụng sai phương pháp định giá, hoặc không tái định giá theo quy định trong các thời điểm cần thiết. Các hành vi này khi bị phát hiện sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất và mức độ. Ngoài ra, tổ chức tín dụng cũng có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý như trích lập dự phòng bổ sung, giảm hạn mức tín dụng, hoặc kiểm soát đặc biệt nếu vi phạm có hệ thống và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng.
Trách nhiệm kỷ luật
Trong trường hợp các nhân viên ngân hàng vi phạm trong hoạt động định giá TSBĐ cấp tín dụng, không tuân thủ các quy định gây thiệt hại cho tổ chức, thì NHTM có quyền áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động tại nội quy lao động và pháp luật cho phép. Việc xử lý kỷ luật được thực hiện theo nguyên tắc khách quan, công bằng và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động. Ngoài ra, hành vi vi phạm có thể kéo theo trách nhiệm liên đới của lãnh đạo đơn vị nếu có dấu hiệu buông lỏng quản lý. Xử lý kỷ luật nghiêm minh không chỉ là công cụ răn đe mà còn góp phần nâng cao chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và chất lượng quản trị rủi ro trong hệ thống ngân hàng.
Trách nhiệm hành chính
Nghị định số 109/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (Nghị định số 109/2013/NĐ-CP) và Thông tư số 31/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá (Thông tư số 31/2014/TT-BTC). Vi phạm pháp luật về định giá TSBĐ tiền vay của NHTM bi truy cứu trách nhiệm thuộc 3 nhóm sau:
Một là, các doanh nghiệp định giá có hành vi vi phạm trong hoạt động định giá TSBĐ tiền vay của NHTM như: tiết lộ thông tin; không thực hiện đúng quy trình định giá; không thực hiện đúng phương pháp định giá theo hướng dẫn tại tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; phát hành chứng thư định giá hoặc báo cáo định giá không có đủ các thông tin cơ bản theo hướng dẫn tại tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; không áp dụng đủ các phương pháp định giá theo quy định của pháp luật về giá; thực hiện các hành vi bị cấm theo Luật Giá; cố ý làm sai lệch kết quả định giá có thể bị phạt từ 20-260 triệu đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh có thời hạn, bị thu hồi giấy phép theo quy định.
Hai là, căn cứ Điều 20 Nghị định số 109/2013/NĐ- CP, các hành vi vi phạm khi lựa chọn tổ chức không đủ điều kiện hành nghề định giá để ký hợp đồng định giá; sử dụng kết quả định giá không đúng với mục đích định giá đã được ghi trong hợp đồng; doanh nghiệp định giá để làm sai lệch kết quả định giá của NHTM sẽ bị phạt tiền từ 3-30 triệu đồng. Biện pháp khắc phục có thể được áp dụng là hủy kết quả định giá nếu có hành vi vi phạm theo các quy định hiện hành.
Ba là, hành vi vi phạm của thẩm định viên trong định giá TSBĐ bao gồm: tiết lộ thông tin về hồ sơ, khách hàng; nhận tiền hoặc lợi ích nào khác ngoài mức giá dịch vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng; không thực hiện đúng hướng dẫn tại tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam. Về quy trình định giá, vi phạm về điều kiện hành nghề định giá; thông đồng nhằm làm sai lệch kết quả định giá; làm sai lệch hồ sơ dẫn tới sai lệch kết quả định giá; thực hiện hành vi bị cấm theo Luật Giá có thể bị phạt tiền từ 20-70 triệu đồng. Ngoài phạt tiền, một số trường hợp còn có thể bị tước có thời hạn thẻ thẩm đinh viên về giá và phải nộp ngân sách nhà nước số tiền thu lợi bất chính.
Trách nhiệm dân sự
Đối với nhân viên ngân hàng chịu trách nhiêm dân sự khi thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hoạt động định giá TSBĐ gây thiệt hại cho NHTM, thì căn cứ vào hợp đồng lao động, các quy định pháp luật để yêu cầu đền bù các thiệt hại nhằm bù đắp lại những thiệt hại mà NHTM phải gánh chịu.
Đối với các doanh nghiệp thực hiện hoạt động định giá được các NHTM thuê, nếu có hành vi vi phạm hợp đồng định giá, vi phạm pháp luật gây thiệt hại cho NHTM, như: thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng định giá hoặc thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật làm sai lệch kết quả và gây thiệt hại cho NHTM, thì phải chịu phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo hợp đồng dịch vụ đã ký kết và quy định pháp luật.
Trách nhiệm hình sự
Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định trách nhiệm hình sự của các cá nhân, tổ chức khi có hành vi vi phạm về định giá TSBĐ của NHTM tại điều 206 về Tội phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, trường hợp thẩm định viên thực hiện hành vi để làm thất thoát tài sản của NHTM vì những mục đích khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 BLHS năm 2015.
Trường hợp cá nhân thực hiện hành vi vi phạm là người có chức vụ, quyền hạn, tùy hành vi vi phạm, sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự theo các tội khác nhau. Cá nhân vi phạm không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ những nhiệm vụ được giao dẫn đến để các tổ chức, cá nhân khác lợi dụng làm sai phạm trong hoạt động định giá, đấu giá thì có thể bị xử lý hình sự về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 BLHS năm 2015. Đối với hành vi cố ý làm sai lệch kết quả, can thiệp để kết quả định giá, đấu giá thấp xuống hơn thực tế để hưởng lợi cho cá nhân thì có thể bị khởi tố về Tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 hoặc Tội nhận hối lộ tại Điều 354 hoặc Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại Điều 355 BLHS năm 2015.
Thực trạng thực hiện quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong định giá TSBĐ của NHTM trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Hiện nay, việc xử lý kỷ luật nội bộ đối với các cán bộ ngân hàng định giá sai giá trị TSBĐ đặt ra trong các NHTM là khá hạn chế. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp định giá có hành vi vi phạm các quy định về định giá TSBĐ của NHTM được thực hiện một cách thường xuyên và mang lại những tác động khá tích cực. Theo thống kê của Cục Quản lý giá Tỉnh, từ năm 2020 đến nay, số doanh nghiệp định giá vi phạm hành chính giảm đáng kể, trong năm 2023, có 3 doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về định giá đã bị xử lý vi phạm.
Riêng đối với trách nhiệm dân sự và hình sự áp dụng khi vi phạm các quy định pháp luật về định giá TSBĐ của NHTM trong các vụ trọng án, Điều 206 BLHS năm 2015 chưa xác định rõ tiêu chí hay mức giá chuẩn để làm cơ sở xác định hành vi nâng khống giá trị TSBĐ khi định giá (Lê Thị Thảo, 2020). Việc định giá TSBĐ mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng định giá TSBĐ sẽ ảnh hưởng đến nhiều bên trong quan hệ tín dụng khi xử lý tài sản thu hồi nợ. Nếu TSBĐ được định giá tại nhiều tổ chức tín dụng khác nhau thì sẽ cho ra nhiều mức giá trị bảo đảm tài sản khác nhau, khi chưa có tiêu chuẩn và khung giá để đối chiếu, thì khó để xác định có hay không hành vi nâng khống giá trị TSBĐ khi định giá.
Việc xác định theo giá thị trường dùng bảo đảm với khoản vốn vay khác nhau dẫn đến rủi ro tín dụng, như bản án số 26/2020/HS, ngày 20/06/2020 của Nguyễn Hoàng Long. TSBĐ là một bất động sản tại phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa, được ngân hàng ACB Đồng Nai năm 2019 định giá là 25 tỷ đồng và được xét duyệt cho vay 18 tỷ đồng; khi xử lý tài sản thu hồi nợ, thì tài sản này lại được định giá thực tế là 12 tỷ đồng. Thực tế này dẫn đến rủi ro tín dụng khi ngân hàng thu hồi nợ. Hành vi nâng khống giá trị TSBĐ như là dùng cùng một tài sản bảo đảm nhưng được các NHTM khác nhau định giá khác nhau.
Hành vi nâng khống giá trị TSBĐ trong vụ án Nguyễn Thanh Thúy và các đồng phạm ở TP. Long Khánh đã gây ra những hậu quả khôn lường, đẩy ngân hàng vào thế không thể thu hồi nợ. Bà Thúy đã chỉ đạo cấp dưới lập giả các biên bản họp Hội đồng quản trị để sử dụng 4 pháp nhân tại tập đoàn MMC lập các kế hoạch kinh doanh khống để vay vốn với con số giải ngân đến 120 tỷ đồng. Đặc biệt, TSBĐ là 4 lô đất trồng cây sầu riêng của tập đoàn MMC đang thế chấp tại ngân hàng khác, nhưng vẫn được đưa vào đảm bảo cho khoản vay trên. Các thẩm định viên định giá những tài sản này tăng gấp 2,5 lần. Đến tháng 10/2016, ngân hàng Đại Á thuê dịch vụ định giá lại và xác định tài sản chỉ có giá trị là 88 tỷ đồng. Hệ quả là ngân hàng Đại Á chỉ có khả năng thu hồi được 83,4 tỷ đồng, số còn lại có khả năng mất trắng.
Hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng được quy định tại khoản 3, Điều 179 BLHS năm 2015. Như bản án 15/2021/HS-PT, ngày 06/10/2021 của Nguyễn Thị H1 và đồng phạm, Toà đã tuyên án không thực hiện việc định giá TSBĐ và gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Từ ngày 31/3/2019 đến ngày 08/6/2020, H1 là đại diện ngân hàng ở Đồng Nai đã trực tiếp thỏa thuận và đồng ý cho ông Hiến vay vốn và ký 3 hợp đồng tín dụng với công ty Đ của ông Hiến trái quy định pháp luật. Những đồng phạm của H1 theo sự chỉ đạo của H1 đã cho công ty Đ của ông Hiến vay vốn trái các quy định; chấp nhận TSBĐ không có thật; không đăng ký giao dịch TSBĐ; chỉ căn cứ vào các tài liệu do ông Hiến cung cấp để lập tờ trình thẩm định, trình duyệt. Các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân hàng số tiền gốc hơn 14 tỷ đồng và tiễn lãi hơn 6 tỷ đồng.
Qua phân tích các vụ án trên cho thấy, có sự tiếp tay, cố tình vi phạm pháp luật của các nhân viên ngân hàng và các công ty thẩm định giá. Theo nhóm tác giả, hành vi cố tình làm sai lệch kết quả định giá TSBĐ, cố tình vi phạm pháp luật, nâng khống giá trị tài sản là những hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội, gây ra những hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng. Vì vậy, các hành vi này cần phải bị nghiêm trị bằng những hình phạt khắt khe nhằm trừng trị người phạm tội, giáo dục và răn đe xã hội.
Thông qua việc nghiên cứu quy định pháp luật kết hợp với thực tiễn thi hành các quy định pháp luật về xử lý vi phạm trong định giá TSBĐ tiền vay của NHTM, nhóm tác giả nhận thấy một số điểm còn hạn chế như sau:
Một là, hoạt động kiểm tra, thanh tra, xử lý hành vi vi phạm chưa hiệu quả. Năng lực của nhân viên thực hiện giám sát, thanh tra còn hạn chế. Hơn nữa, các loại TSBĐ được định giá ngày càng đa dạng và hành vi vi phạm được các chủ thể thực hiện ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền
Hai là, quy định về mức xử phạt hành chính trong định giá TSBĐ tiền vay của NHTM hiện nay còn khá thấp. Mức xử phạt cao nhất hiện nay là 260 triệu đồng là quá nhẹ, chưa đảm bảo tính răn đe cho các chủ thể trong xã hội. Nhiều thẩm đinh viên, doanh nghiệp định giá sẵn sàng chấp nhận bị phạt, thông đồng cấu kết với các chủ thể liên quan để đổi lại những khoản lợi ích bất hợp pháp lớn hơn nhiều so với tiền phạt.
Ba là, về nguyên tắc, định giá TSBĐ là thoả thuận giữa NHTM với khách hàng, vì vậy, việc không quy định tiêu chí hay mức giá chuẩn để làm cơ sở xác định hành vi nâng khống giá trị TSBĐ khi định giá hành vi nâng khống giá trị TSBĐ thì sẽ rất khó để chứng minh các yếu tố cấu thành tội phạm. Hơn thế, với tài sản vô hình như: thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp hiện chưa có quy định về tiêu chí, mức giá chuẩn cụ thể để xác định hành vi nâng khống này.
Bốn là, chưa có quy định và văn bản hướng dẫn về hình thức, điều kiện, quy trình định giá, chưa xây dựng được quy trình chuẩn định giá TSBĐ trong hoạt động của các tổ chức cấp tín dụng nhằm đảm bảo sự thống nhất trong các NHTM khi định giá TSBĐ.
Một số kiến nghị
Để nâng cao hiệu quả thẩm định giá TSBĐ cho các NHTM Việt Nam, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần ban hành các quy định cụ thể về tiêu chí trong quy chế nội bộ/điều lệ của các NHTM về trách nhiệm kỷ luật, trách nhiệm bồi thường của cán bộ định giá TSBĐ trong việc định sai giá trị TSBĐ khi cấp tín dụng. Việc quy định không những đảm bảo tính đồng bộ, mà còn tạo cơ sở cho các NHTM áp dụng các hình thức xử lý khi có hành vi vi phạm, hạn chế rủi ro, nợ xấu cho các NHTM, bảo vệ quyền lợi của các cổ đông, lợi ích Nhà nước và trật tự trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Thứ hai, bổ sung cụ thể quy định về mức giá chuẩn và các tiêu chí cụ thể để làm cơ sở cho việc so sánh, xác định có hay không hành vi cố ý nâng khống giá trị TSBĐ khi định giá theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 206 BLHS 2015. Cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành văn bản hướng dẫn quy định tại Điều 206 BLHS 2015 nhằm đảm bảo việc áp dụng thống nhất về hành vi nâng khống giá trị TSBĐ.
Thứ ba, cần gia tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và hình thức xử phạt bổ sung để phù hợp với tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm. Điều 18 Nghị định số 109/2013/NĐ-CP quy định, trường hợp doanh nghiệp định giá vi phạm, ngoài việc tăng hình phạt chính và hình phạt bổ sung nêu trên, cần bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả như: hủy kết quả định giá và phải nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính để đảm bảo tính răn đe, tác động trực tiếp đến ý thức tuân thủ pháp luật của các thẩm định viên và doanh nghiệp định giá.
Thứ tư, cần ban hành quy định tiêu chuẩn cụ thể để xác định giá trị TSBĐ là tài sản quyền sở hữu trí tuệ, thương hiệu, bản quyền, động sản… làm cơ sở để kê biên tài sản xử lý thu hồi nợ trong các vụ việc dân sự hay trong các trường hợp đền bù..., đảm bảo khung chuẩn thống nhất.
Thứ năm, quy định rõ các tiêu chí trong Luật Các tổ chức tín dụng và văn bản hướng dẫn chưa có quy định về khái niệm, điều kiện, quy trình định giá, từ đó xây dựng quy trình chuẩn định giá TSBĐ để các NHTM đảm bảo sự thống nhất trong các NHTM khi định giá TSBĐ. Việc chưa có hướng dẫn rõ ràng về điều luật nói trên cũng tạo tâm lý e ngại cho chính các tổ chức tín dụng khi thực hiện thẩm định tài sản để cấp tín dụng. Để đảm bảo an toàn cho mình, tổ chức tín dụng có thể sẽ định giá tài sản thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản. Điều này sẽ gây lãng phí nguồn lực là tài sản của doanh nghiệp, gián tiếp dẫn đến hệ quả doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn vay phục vụ kinh doanh hoặc doanh nghiệp chỉ tiếp cận được vốn vay ở mức thấp không đáp ứng đủ nhu cầu vốn do TSBĐ của doanh nghiệp không được đánh giá đúng giá trị thực của nó. Đặc biệt, với nhu cầu khát vốn hiện nay của các doanh nghiệp và các ngân hàng truyền thống cho vay đều phải có TSBĐ, việc quy định này sẽ hạn chế rất lớn nguồn vốn cấp tín dụng từ phía ngân hàng cũng như hạn chế nguồn vốn kinh doanh của các doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp không được tiếp cận vốn vay đúng với nhu cầu thì doanh thu và lợi nhuận bị giảm sút. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có thể lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản do không được tiếp cận đủ nguồn vốn lưu động kịp thời.
Thứ sáu, Bộ Tài chính cần có quy định hướng dẫn thống nhất liên quan đến hoạt động định giá, cấp tín dụng của các NHTM. Nếu có vụ việc phát sinh có dấu hiệu nâng khống giá trị TSBĐ mà chưa có hướng dẫn cụ thể sẽ gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời cũng rất dễ xảy ra tình trạng quy kết cảm tính dẫn đến oan sai cho tổ chức và cá nhân có liên quan.