Sự kiện kinh tế-tài chính thế giới tuần từ 19 - 24/10/2015

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH THẾ GIỚI

Nội dung

Tăng trưởng - Lạm phát

Tăng trưởng

Toàn cầu: Ngân hàng Citigroup giữ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2015 ở mức 2,6% nhưng giảm dự báo năm 2016 xuống 2,8% từ mức 2,9%.

Italy: NHTW Italy hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Canada năm 2016 từ 2,3% xuống còn 2% và năm 2017 từ 2,6% xuống còn 2,5

Nga: Trong quý 3/2015, GDP nước này tiếp tục tăng trưởng âm, đạt -4,3%, trong bối cảnh giá dầu giảm và các biện pháp cấm vận của phương Tây, sau khi đạt -4,6% trong quý 2/2015. Ước tính, kinh tế nước này sẽ đạt -3,9% năm 2015 trước khi hồi phục nhẹ với mức 0,7% năm 2016. (Theo Chính phủ Nga).

Lạm phát

Eurozone: CPI trong tháng 9/2105 của eurozone giảm 0,1% so với cùng kỳ năm 2014. (Theo Cơ quan thống kê châu Âu - Eurostat).

Mỹ: Tính đến tháng 8/2015, lạm phát trung bình tại miền Tây là 1,3%, trong khi vùng Đông Bắc là -0,1%, miền Nam là -0,2%, miền Trung là -0,3%. Tính chung CPI của Mỹ trong tháng 8/2015 tăng 0,2%. Nguyên nhân là do giá năng lượng giảm 9,5 - 18,3% gây áp lực đến CPI tại nhiều khu vực của Mỹ. (Theo Kênh thông tin tài chính MỹCNBC).

Israel: Tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2015 dự kiến đạt khoảng 2,5%, mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua; GDP bình quân đầu người trong năm 2015 sẽ ở mức khoảng 137.000 NIS (1 USD đổi 3,83 NIS), cao hơn khoảng 0,4% so với năm 2014. (Theo Cục Thống kê Trung ương Israel - CBS).

Đầu tư

WB và Afghanistan

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 21/10 đã công bố khoản viện trợ 250 triệu USD cho Chính phủ Afghanistan nhằm xây mới và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ dọc dãy núi Hindukush.Tuyến đường này đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực như Iran, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.

Iran và Nga

Ngày 21/10, Iran cho biết Nga đã cam kết cung cấp gói tín dụng trị giá 5 tỷ USD cho các dự án chung giữa hai nước. Hiện Nga đang xem xét đề nghị của Iran về việc đầu tư cho các dự án xây dựng hạ tầng, giao thông vận tải, thăm dò địa chất và các dự án hạ tầng khác… tại Iran có sự tham gia của các công ty Nga. Theo Bộ trưởng Truyền thông và Công nghệ Thông tin Iran Mahmoud Vaezi, gói tín dụng này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ kinh tế giữa Nga và Iran.

Nga và Cuba

Hãng tin Nga RIA Novosti ngày 20/10 cho biết, Nga sẽ cung cấp cho Cuba gói tín dụng trị giá 1,2 tỷ EUR để xây dựng một số tổ máy phát điện mới tại 2 nhà máy nhiệt điện đang hoạt động.

Ngoài ra, Chính phủ Nga đã thông qua một dự thảo thỏa thuận khác về việc cấp cho Cuba một khoản tín dụng trị giá 100 triệu EUR, dành cho việc hiện đại hóa và mở rộng xí nghiệp luyện kim Antillana de Acero José Martí.

Trung Quốc và Lào

Ngày 19/10, Trung Quốc thông báo sẽ đầu tư 200 tỷ NDT (tương đương 31,4 tỷ USD) cho một khu kinh tế thí điểm trên biên giới với Lào. Kế hoạch đầu tư bao gồm hơn 240 dự án trong các lĩnh vực như: Giao thông, giáo dục và năng lượng cho huyện Mãnh Lạp (Mengla) thuộc Xishuangbanna.​ Vùng kinh tế thí điểm Mãnh Lạp sẽ đóng vai trò quan trọng đối với hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Lào, là trung tâm giao thương toàn diện nối Trung Quốc với Đông Dương, đồng thời là đầu máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực biên giới giáp Lào.

Trung Quốc và Anh

Ngày 21/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông báo kế hoạch của Trung Quốc về việc góp vốn đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point C ở Somerset ở vùng Tây Nam nước Anh. Theo đó, Trung Quốc sẽ đóng góp 1/3 cổ phần vào dự án với trị giá 28 tỷ USD - do Tập đoàn năng lượng EDF của Pháp là nhà đầu tư chính. Dự kiến nhà máy điện hạt nhân mới sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.

IMF và Iraq

Ngày 22/10, Giám đốc khu vực Trung Đông và Trung Á của IMF Masood Ahmed cho biết, trong năm 2016, IMF sẽ cấp một khoản vay mới cho Iraq, lớn hơn nhiều so với khoản tín dụng trị giá 1,24 tỷ USD mà IMF đã cấp cho Iraq trong tháng 7/2015. Mục tiêu nhằm hỗ trợ Iraq ổn định tình hình tài chính do Iraq phải đối mặt với tình trạng giá dầu xuống thấp và sự nổi dậy của IS.

Xếp hạng tín nhiệm

Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) ngày 19/10 đã nâng xếp hạng tín nhiệm ngoại tệ của Ukraine từ mức “vỡ nợ một phần” (SD) lên “B-/B” - mức xếp hạng được xác định là “có tính đầu cơ cao”, nhờ khả năng nước này đạt được thỏa thuận tái cơ cấu nợ lớn. Tuy nhiên, S&P vẫn để ngỏ khả năng vay mượn nước ngoài của Ukraine trong tương lai.

Cà phê

Theo Giám đốc Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) Robeiro Oliveira, nhu cầu tiêu thụ cà phê thế giới đã tăng gần gấp đôi trong vòng 20 năm qua và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới với tốc độ trung bình 2,5%/năm do dân số cũng như tỷ lệ người dùng cà phê tăng.

Trong 10 năm tới, thế giới sẽ cần thêm 25 triệu bao (60 kg/bao) cà phê để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Dầu thô

- Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's:

Ngày 20/10, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã hạ mức dự báo giá dầu từ 65 USD/thùng xuống còn trung bình 55 USD/thùng trong năm 2015 và 53 USD/thùng năm 2016.

Theo đó, việc giá dầu trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sẽ gây tác động xấu đến nền kinh tế của 6 quốc gia GCC, bao gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), vì các nước này phụ thuộc tới 90% vào nguồn thu từ dầu mỏ.

Moody's dự báo khu vực GCC sẽ thâm hụt ngân sách ở mức gần 10% GDP trong năm 2015 và 2016, so với mức thặng dư ngân sách gần 9% GDP trong giai đoạn 2010 - 2014.

- Tại cuộc họp của OPEC ngày 21/10, Bộ trưởng Năng lượng và Dầu khí của Venezuela đã đề xuất kế hoạch nhằm bình ổn giá dầu thế giới: (i) Mức giá sàn là 88 USD/thùng; (ii) Cắt giảm 10% sản lượng dầu thế giới.

Dự kiến, các nước sẽ thống nhất về đề xuất trên tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 04/12 của OPEC.

- Giá dầu

Trong phiên ngày 23/10, giá dầu giảm sau khi Trung Quốc tung ra các biện pháp kích thích mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, dầu giao kỳ hạn tháng 12/2015 diễn biến như sau:

+ WTI giao tại New York giảm 78 cent, tương đương 1,7%, xuống 44,60 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 28/9 và lần đầu tiên xuống dưới 45 USD/thùng kể từ 1/10.

+ Brent giao tại London giảm 9 cent, tương đương 0,2%, xuống 47,99 USD/thùng.

Tính chung cả tuần, WTI giảm 6,5%, Brent giảm 4,8%.

Chứng khoán

Trong tuần,thị trườngchứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm khi lợi nhuận của các công ty cao hơn dự báovàcổ phiếungànhy tế hồi phục.Cụ thể:

+Dow Jones tăng 2,5%, lên 17.646,7 điểm;

+S&P 500 tăng 2,1%, lên 2.075,15 điểm.

+Nasdaq Composite 3%, lên 5.031,86 điểm.

Trong tuần qua, chứng khoán châu Á có tuần tăng điểm, MSCI châu Á - Thái Bình Dương tăng 1,8% trong cả tuần, lên 135,80 điểm. Các thị trường chính:

+ Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 7,4%, lên 18.825,30 điểm;

+ Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 3,8%, lên 3.412,43 điểm;

+ Hang Seng (Hong Kong) tăng 1%, lên 23.151,94 điểm;

+ Kospi (Hàn Quốc) tăng 1,8%, lên 2.040,40 điểm;

+ S&P/ASX 200 (Australia) tăng 2,7%, lên 5.351,565 điểm.

Trung Quốc

Ngày 20/10, NHTW Trung Quốc đã mời thầu 5 tỷ NDT (786 triệu USD) trái phiếu chính phủ kỳ hạn 1 năm, với lãi suất 3,3% tại thị trường Anh, nhằm thúc đẩy lượng NDT được sử dụng toàn cầu để giành được vị thế đồng tiền dự trữ chính thức của IMF trong công bố tháng 11/2015.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 23/10 quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng, cụ thể như sau:

+ Lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm: giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 4,35% từ mức 4,6% trước đó.

+ Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm: giảm 0,25 điểm phần trăm, xuống còn 1,5% từ 1,75%.

+ Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: giảm 0,5 điểm phần trăm tại tất cả các ngân hàng thương mại, ngoài ra giảm thêm 0,5 điểm phần trăm tại một số ngân hàng.

+ Xóa bỏ trần lãi suất tiền gửi, nhằm từng bước tự do hóa lãi suất.

- Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong 8 tháng đầu năm 2015, tổng lượng vốn rút khỏi thị trường Trung Quốc đã vượt mức 500 tỷ USD. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ thay đổi đánh giá về giá trị đồng NDT.

- Theo báo cáo thường kỳ của Bộ Tài chính Mỹ trình Quốc hội về các chính sách tỷ giá hối đoái và kinh tế quốc tế, trong quý 3/2015, Trung Quốc đã bán ra 229 tỷ USD ngoại tệ để ngăn chặn đà giảm giá của đồng NDT, cụ thể: Trung Quốc đã bán khoảng 50 tỷ USD trong tháng 7; 136 tỷ USD trong tháng 8 và 43 tỷ USD trong tháng 9/2015.

Italy

Ngân sách năm 2016 của Italy có thể tăng lên đến 30 tỷ euro nếu EU thông qua một điều khoản về việc hỗ trợ khẩn cấp cho người nhập cư:

- Khoảng 1,5 tỷ euro sẽ được chi cho việc tiếp nhận những người nhập cư xin tị nạn;

- Phần còn lại sẽ dành cho công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển và các khoản chi khác có liên quan.

Như vậy, tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Italy sẽ dao động từ mức 2,2 - 2,4% GDP, tương đương hơn 3 tỷ euro.

Canada

Theo số liệu thống kê của Canada, trong tháng 8/2015, doanh thu bán buôn của Canada giảm 0,1% do doanh thu trong các lĩnh vực chế tạo máy móc và xe ôtô đều giảm. Tính về khối lượng, doanh thu bán buôn tháng 8 giảm 0,5%. Tồn kho tăng 0,6%, lên 73,2 tỷ CAD, ghi nhận mức cao kỷ lục.

Nhật Bản

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong nửa đầu năm tài khóa 2015 (từ tháng 4 đến tháng 9), thâm hụt thương mại của Nhật Bản là khoảng 11 tỷ USD, bằng 76% cùng kỳ năm 2014. Cụ thể

+ Kim ngạch nhập khẩu giảm 5,5%, xuống còn 39.067,6 tỷ yên (khoảng 326 tỷ USD).

+ Kim ngạch xuất khẩu tăng 5,2%, lên mức 37.759 tỷ yên (315 tỷ USD).

Thỏa thuận - Ký kết

Ngày 22/10, Hạ viện Australia đã chính thức thông qua FTA giữa nước này và Trung Quốc. Theo đó, khoảng 95% các mặt hàng xuất khẩu của Australia vào Trung Quốc được miễn thuế, đồng thời các rào cản đầu tư hợp tác của các công ty Trung Quốc tại Australia cũng giảm đáng kể.

Tuy nhiên, FTA trên phải chờ Thượng viện Australia thông qua vào tháng 12/2015 trước khi có hiệu lực từ đầu năm 2016.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với kim ngạch hai chiều năm 2014 đạt 150 tỷ AUD (khoảng 110,6 tỷ USD).

Chính sách

Châu Âu: ECB đang cân nhắc mở rộng gói kích thích tiền tệ trị giá 1,1 nghìn tỷ EUR dự kiến kéo dài tới tháng 9/2016, trong bối cảnh kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm và tỷ lệ lạm phát vẫn đang ở mức thấp. Đồng thời, ECB cũng quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,05%/năm. (Theo Chủ tịch NHTW châu Âu - ECB Mario Draghi).

Indonesia: Công bố gói chính sách kinh tế thứ tư, chủ yếu tập trung vào vấn đề bảo vệ quyền lợi người lao động Indonesia, cụ thể: (i) Sửa đổi quy định về việc tăng lương tối thiểu: Lương tối thiểu sẽ cố định tăng mỗi năm 1 lần, tại cả 34 tỉnh của Indonesia, căn cứ vào tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng ; (ii) Mở rộng các khoản vay nhỏ: cấp tín dụng cho các cá nhân hoặc công nhân làm việc trong lĩnh vực sản xuất; (iii) Tạo điều kiện phát triển xuất khẩu: cung cấp vốn lưu động cho ít nhất 30 doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu. (Theo Chính phủ Indonesia).

Myanmar: Nhằm ổn định dồng kyat, các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực (nhà hàng, các câu lạc bộ golf…) tại Myanmar sẽ ngừng tính giá sản phẩm/dịch vụ cung cấp bằng đồng USD từ sau ngày 30/11. Nguyên nhân là do các hoạt động thanh toán và mua bán hàng hóa/dịch vụ bằng USD đang dẫn tới nhu cầu cao đối với đồng bạc xanh và làm giảm giá đồng kyat. (Theo NHTW Myanmar).

Nhật Bản: Sẽ dỡ bỏ thuế quan đánh vào 95,1% hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp và các hàng hóa nhập khẩu khác theo Hiệp định TPP. Mức độ dỡ bỏ thuế của Nhật Bản theo TPP là thấp hơn 11 nước thành viên khác, thuế áp vào một số nông sản nhạy cảm vẫn được duy trì. Trong số 586 sản phẩm, khoảng 30% sản phẩm sẽ được miễn thuế. Tuy nhiên, mức thuế được dỡ bỏ đã vượt so với 88,4% tại các FTA giữa Nhật Bản với Philippines và với Australia - mức miễn thuế lớn nhất trong số các hiệp định thương mại tự do hiện có của nước này. (Theo Chính phủ Nhật Bản).

Venezuela: Kể từ ngày 01/11, lương tối thiểu tại nước này có thể tăng lên 9.649 bolivars, tăng 30% so với trước đó, cộng thêm tiền ăn trưa 6.750 bolivars, thì tổng số lương là 16.399 bolivars. Nếu dựa trên tỷ giá tại thị trường tự do, tổng giá trị tiền lương chỉ tương đương 23 USD. Kể từ đầu năm 2015, lương tối thiểu của Venezuela đã tăng 137%. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng siêu lạm phát tại nước này. Năm 2015, tỷ lệ lạm phát được dự báo gần 80%, tăng từ mức 68,5% năm 2014.

(Theo Thủ tướng Venezuela Maduro).

Lào: Theo quy định mới về việc mở các trung tâm thương mại (TTTM) tại Lào, người nước ngoài tại quốc gia này. (Theo quy định mới được ban hành của Bộ Công Thương Lào):

- Cấm mở các trung tâm hoặc đại lý thương mại (các cửa hàng tạp hóa, siêu thị mini, các cửa hàng bán buôn, bán lẻ) có tổng vốn đầu tư dưới 8 tỷ kip (khoảng 964.500 USD).

- Về mức nắm giữ cổ phần:

+ Có thể nắm giữ 100% cổ phần tại một trung tâm thương mại hoặc khu buôn bán có tổng vốn đầu tư từ mức 160 tỷ kip trở lên.

+ Có thể được nắm không quá 51% cổ phần tại một trung tâm thương mại hoặc khu buôn bán có tổng mức đầu tư từ 8 - 80 tỷ kip.

+ Được quyền nắm 70% quyền sở hữu tại một trung tâm thương mại hoặc khu buôn bán có tổng mức đầu tư trong khoảng từ 80 - 160 tỷ kip.

- Về diện tích đầu tư:

+ Diện tích đất mà các nhà đầu tư có thể xây dựng một khu thương mại hoặc khu buôn bán phải được đảm bảo có đủ không gian đỗ xe.

+ Dành ít nhất 50.000 m2 cho các dịch vụ thiết yếu, trong khi những người đầu tư vào các đại siêu thị phải dành ít nhất từ 20.000m2 đến 50.000 m2 cho việc này.

- Về thời gian đầu tư: Các nhà đầu tư nước ngoài phải bắt đầu xây dựng công trình trong vòng 2 năm kể từ khi được Chính phủ Lào cấp phép nếu không sẽ bị thu hồi dự án.

Canada: Sẽ chi tiền để tăng số lượng việc làm, hướng tới người dân nhằm tạo ra sự thay đổi thực sự cho nền kinh tế. Ông Trudeau chủ trương chấp nhận thâm hụt ngân sách để thúc đẩy kinh tế bằng cách tăng gấp đôi chi tiêu quốc gia vào cơ sở hạ tầng; cam kết sẽ tăng thuế với giới nhà giàu có thu nhập trên 200.000 USD/năm và giảm thuế 1,5% cho tầng lớp trung lưu; đồng thời đẩy mạnh quan hệ thương mại với Mỹ vì lợi ích cho cả hai bên. (Theo Tân Thủ tướng Canada Justin Trudeau).

- Tiếp tục duy trì mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục 0,5% do sự bất ổn của thị trường nhà ở, tăng trưởng yếu của kinh tế toàn cầu và biến động của các thị trường mới nổi. (Theo NHTW Canada).

Ấn Độ: Trong tháng 8/2015, Ấn Độ - nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới - đã áp đặt thuế nhập khẩu 10% đối với lúa mì đến ngày 31/3/2016, khôi phục mức thuế sau 8 năm miễn giảm. Hiện, Ấn Độ đang xem xét để tiếp tục nâng mức thuế này lên 25%, nhằm hạn chế nhập khẩu giá rẻ từ Australia và Pháp.