Chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, chỉ số Kospi dẫn đầu đà tăng châu Á
Phố Wall đồng loạt giảm mạnh trong phiên đầu tuần do lo ngại về tăng trưởng kinh tế và mùa báo cáo lợi nhuận sắp tới. Trái ngược, thị trường châu Á khởi sắc nhờ kỳ vọng phục hồi thương mại và chính sách hỗ trợ, trong đó Kospi bứt phá mạnh nhất khu vực.

Phố Wall đỏ lửa trong phiên đầu tuần, Dow Jones mất hơn 420 điểm
TTCK Mỹ sau kỳ nghỉ lễ chìm trong sắc đỏ, khi cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm đáng kể trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý II và các tín hiệu tăng trưởng kinh tế có phần chững lại.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/7 (sáng 08/7 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 422,17 điểm, tương đương 0,94%, xuống còn 44.406,36 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 49,37 điểm, tương đương 0,79%, còn 6.229,98 điểm. Chỉ số Nasdaq lao dốc 188,59 điểm, tương đương 0,92%, xuống 20.412,52 điểm.
Đây là phiên giảm sâu nhất của cả ba chỉ số kể từ giữa tháng 6, phản ánh tâm lý chốt lời và điều chỉnh kỹ thuật sau chuỗi tăng mạnh kéo dài hơn hai tuần trước đó. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng đang dè dặt hơn khi thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ tích cực mới.
Một phần áp lực lên thị trường đến từ việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục nhích lên mức 4,42%, làm gia tăng chi phí vốn và ảnh hưởng đến định giá nhóm cổ phiếu tăng trưởng cao. Diễn biến này cũng phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa vội cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn.
Giới đầu tư hiện đang theo dõi sát sao các tín hiệu từ biên bản cuộc họp chính sách gần nhất của Fed, dự kiến công bố vào giữa tuần này. Đây được xem là cơ sở quan trọng để thị trường định hướng kỳ vọng lãi suất trong nửa cuối năm. Nhiều chuyên gia dự báo Fed sẽ giữ thái độ thận trọng, chờ đợi thêm dữ liệu rõ ràng hơn về xu hướng lạm phát và tiêu dùng trước khi hành động.
Bên cạnh đó, mùa báo cáo lợi nhuận quý II đang cận kề cũng khiến tâm lý giao dịch trở nên dè dặt. Các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo sẽ công bố kết quả tài chính vào cuối tuần này, mở đầu cho chuỗi báo cáo được kỳ vọng sẽ cho thấy bức tranh rõ hơn về sức khỏe doanh nghiệp Mỹ trong môi trường lãi suất cao và chi phí đầu vào tăng. Dù một số doanh nghiệp đã đưa ra cảnh báo sớm về áp lực chi phí, giới phân tích vẫn kỳ vọng lợi nhuận chung của S&P 500 có thể tăng từ 7–8% so với cùng kỳ năm trước – mức cải thiện đáng kể sau hai quý tăng trưởng chậm.
Tuy nhiên, kỳ vọng này có thể bị ảnh hưởng nếu số liệu kinh tế tiếp tục cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ trong tuần qua đều suy giảm nhẹ so với tháng trước, cho thấy hoạt động kinh doanh đang có xu hướng chậm lại trong quý III.
Các chuyên gia cho rằng xu hướng điều chỉnh hiện tại là cần thiết và mang tính lành mạnh sau đợt tăng kéo dài. TTCK vẫn đang được hỗ trợ bởi nền kinh tế ổn định và kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp cải thiện trong nửa cuối năm.

Chỉ số chủ chốt TTCK châu Á khởi sắc
TTCK châu Á khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 08/7 khi phần lớn các chỉ số chủ chốt đồng loạt tăng điểm, phản ánh tâm lý lạc quan của nhà đầu tư trong bối cảnh kỳ vọng gia tăng về chính sách hỗ trợ kinh tế và đà phục hồi thương mại toàn cầu.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,36%, phản ánh sự ổn định trong tâm lý nhà đầu tư trước lập trường thận trọng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Dù lạm phát tiêu dùng đang ở mức cao nhất trong hai năm, BOJ vẫn chưa phát tín hiệu rõ ràng về việc tiếp tục tăng lãi suất, nhằm bảo đảm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhu cầu nội địa hồi phục mạnh.
Các cổ phiếu công nghệ và sản xuất xuất khẩu được hưởng lợi từ đồng yên yếu, giúp thị trường duy trì đà tăng. Chỉ số ngành Dịch vụ tháng 6 đã tăng lên 45,0 so với mức 44,4 của tháng trước, thể hiện sự cải thiện nhẹ nhưng vẫn duy trì trong vùng suy thoái kéo dài tháng thứ 15 liên tiếp, do các điều kiện việc làm và nhu cầu tiêu dùng yếu.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi ghi nhận mức tăng mạnh nhất khu vực với 1,81%, được thúc đẩy bởi kỳ vọng lợi nhuận tích cực từ các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung và SK Hynix. Đà tăng của các cổ phiếu bán dẫn cũng cho thấy thị trường đang lạc quan hơn trước triển vọng phục hồi trong lĩnh vực chip toàn cầu, đặc biệt khi nhu cầu về trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục là động lực dẫn dắt.
Thị trường Trung Quốc đại lục cũng ghi nhận sắc xanh với mức tăng 0,7%, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt. Ngoài ra, việc PBOC mua ròng vàng tháng thứ tám liên tiếp – nâng tổng dự trữ lên hơn 34 tấn – cho thấy Trung Quốc đang tích cực phòng ngừa rủi ro kinh tế và địa chính trị, đồng thời củng cố niềm tin thị trường.
Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng hơn 1%, nhờ lực kéo từ các cổ phiếu công nghệ và bất động sản. Việc các nhà phát triển địa ốc lớn tiếp tục được hỗ trợ tài chính đã giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư vốn bị ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng thanh khoản trong thời gian qua.
Ở khu vực Đông Nam Á, thị trường diễn biến phân hóa. Chỉ số STI của Singapore tăng nhẹ 0,4%, phần nào phản ánh sự ổn định của nền kinh tế dựa trên dịch vụ và thương mại. Tuy nhiên, Malaysia, Indonesia và Thái Lan đều ghi nhận mức giảm nhẹ, do lo ngại lạm phát và tăng trưởng chậm lại. Áp lực lên giá cả và tiêu dùng nội địa đang khiến giới đầu tư thận trọng hơn với các thị trường mới nổi.
Chốt phiên giao dịch ngày 8/7 (tại thời điểm 16h00), TTCK Nhật Bản tăng 140,82 điểm, tương đương 0,36%, đóng cửa ở mức 39.728,50 điểm; TTCK Hồng Kông tăng 260,24 tương đương 1,09% đóng cửa ở mức 24,148.07 điểm; TTCK Trung Quốc tăng 24,35 điểm, tương đương 0,7% lên 3.497,48 điểm; TTCK Hàn Quốc tăng 55,48 điểm, tương đương 1,81% lên 3.114,95 điểm; TTCK Singapore tăng 16,29 điểm, tương đương 0,4%, đóng cửa ở mức 4.048,15 điểm; TTCK Malaysia giảm 7,4 điểm, tương đương 0,48% xuống 1.530,14 điểm; TTCK Indonesia giảm 5,9 điểm, tương đương 0,0,09% xuống 6.895,04 điểm; TTCK Thái Lan giảm 3,56 điểm, tương đương 0,32% xuống mức 1.119,44 điểm.
Ngoài ra, một yếu tố hỗ trợ tâm lý thị trường là chỉ số niềm tin đầu tư tại Eurozone trong tháng 7 tăng vọt lên 4,5 điểm – mức cao nhất trong hơn ba năm. Sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Đức, nền kinh tế dẫn dắt khu vực, đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới thị trường toàn cầu, bao gồm cả châu Á.
Tuy vậy, triển vọng thị trường trong ngắn hạn vẫn còn không ít thách thức. Các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi sát sao các tín hiệu từ Fed về thời điểm cắt giảm lãi suất. Đồng thời, các yếu tố địa chính trị, đặc biệt là căng thẳng tại một số điểm nóng ở châu Á và Trung Đông, cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và dòng vốn toàn cầu.
Giới phân tích nhận định, dù các thị trường lớn tại châu Á đang có xu hướng phục hồi nhờ dòng tiền quay lại các tài sản rủi ro, nhưng sự phân hóa giữa các nền kinh tế vẫn sẽ tiếp diễn. Các quốc gia có nền tảng vĩ mô ổn định, chính sách hỗ trợ rõ ràng và kỳ vọng lợi nhuận tích cực sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường khu vực trong quý III.
Trong bối cảnh mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II sắp diễn ra, giới đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn từ các doanh nghiệp lớn trong khu vực để xác định xu hướng tiếp theo của TTCK châu Á.