Sự kiện kinh tế-tài chính Việt Nam tuần từ 19 - 24/10/2015

Trung tâm Thông tin và Dịch vụ Tài chính

KINH TẾ - TÀI CHÍNH VIỆT NAM

Nội dung

Tổng cung

Tăng trưởng

Theo mục tiêu tổng quát cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, các chỉ tiêu chủ yếu:

+ Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm, năm 2016 đạt 6,7%. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.750 USD, năm 2016 khoảng 2.450 USD.

+ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2016 tăng dưới 5%.

+ Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP trên 85%.

+ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm và năm 2016 bằng khoảng 31% GDP.

+ Bội chi NSNN đến năm 2020 giảm xuống còn 4,8% GDP, năm 2016 là 4,95%.

+ Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1 - 1,5%/năm, năm 2016 khoảng 1,3 - 1,5%; riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%.

Giá gạo

So với các nước xuất khẩu lớn khác là Ấn Độ và Pakistan, giá gạo Việt Nam đang cao hơn khá nhiều,cụ thể:

+ Gạo 5% tấm cao hơn 15 USD/tấn so với gạo Ấn Độ và cao hơn 60 USD/tấn so với gạo Pakistan;

+ Gạo 25% tấm cao hơn 15 USD/tấn so với gạo Ấn Độ và 65 USD/tấn so với gạo Pakistan; gạo tấm Việt Nam cao hơn 15 USD/tấn so với gạo tấm Ấn Độ và 30 USD/tấn so với gạo tấm Pakistan.

Như vậy, từ sau khi trúng thầu cung ứng 450 ngàn tấn gạo cho Philippines và ký hợp đồng bán 1 triệu tấn gạo cho Indonesia, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng liên tục.

Doanh nghiệp

- Theo Hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance, Vinhomes - thuộc tập đoàn Vingroup - được định giá là thương hiệu bất động sản đắt giá nhất Việt Nam 2015. Cụ thể:

+ Thương hiệu Vinhomes được định giá 343 triệu USD, đứng thứ 3 trong bảng xếp hạng 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2015 và là doanh nghiệp tư nhân duy nhất và là thương hiệu duy nhất thuộc lĩnh vực bất động sản.

+ Hai thương hiệu khác thuộc Vingroup là Vincom, Vinpearl và hai công ty thành viên của Vingroup cũng hiện diện trong top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2015.

- Ngày 21/10, Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương đã bán đấu giá gần 5 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tương đương 29,5% vốn điều lệ công ty sau cổ phần hóa và mức giá khởi điểm là 10.000 đồng/cổ phần.

Kết quả, một nhà đầu tư cá nhân và một nhà đầu tư tổ chức đã mua hết 100% số cổ phần chào bán, trong đó:

+ Giá đấu thành công bình quân là 23.597 đồng/cổ phần,

+ Giá đấu thành công cao nhất là 26.000 đồng/cổ phần, là mức giá thành công cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Như vậy, tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 116,8 tỷ đồng, cao hơn mức giá khởi điểm 67,3 tỷ đồng.

- Theo khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương, tỷ lệ vận dụng FTA của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt nam chỉ đạt 36%, còn kém xa so với các nước khác trong khu vực như Indonesia là 58,2%; Thái Lan 53,7%; Malaysia 48,9%... Vì vậy, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản vận dụng các FTA hiệu quả hơn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, sẽ quy định quy tắc nguồn gốc xuất xứ sẽ một cách phù hợp, qua đó, kích thích hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

- Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 7/10, cả nước mới chỉ có 102 DNNN hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Như vậy, theo mục tiêu đặt ra, còn 187 DNNN sẽ phải thực hiện xong quá trình cổ phần hóa trong năm 2015. Để đạt được mục tiêu cổ phần hóa DNNN mà Chính phủ cam kết thì từ nay đến hết năm, mỗi ngày phải cổ phần hóa được 2 DNNN.

Tổng cầu

Quỹ bình ổn giá

Theo báo cáo của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu ngày 19/10, ước tính Quỹ Bình ổn xăng dầu (BOG) của doanh nghiệp này là 1.940 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm công bố gần đây nhất (ngày 3/10) ở mức 1.830 tỷ đồng, quỹ BOG của Petrlimex tăng thêm 110 tỷ đồng.

Đầu tư

Ngày 19/10, Tập đoàn dầu khí Gazprom International (Liên bang Nga) đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai nhằm tăng cường hợp tác trên nhiều mặt, đặc biệt, Gazprom mong muốn xây dựng các trạm cung cấp nguồn khí hóa lỏng phục vụ ngành vận tải trên địa bàn Đồng Nai và các tỉnh phía Nam. Theo đó, Gazprom sẽ xây dựng nhà máy khí hóa lỏng với công suất 250.000 tấn/năm tại khu vực phía Nam để cung cấp nguồn khí tự nhiên cho phương tiện giao thông vận tải và công nghiệp, đồng thời Gazprom cũng sẽ xây dựng hệ thống các trạm sang chiết và cung cấp nguồn khí hóa lỏng tại các tỉnh thành phía Nam.

Hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng

- Theo Hiệp hội Năng lượngViệt Nam (VEA), nhiều chuyên gia kinh tế đang đưa ra hướng chọn phương án biểu giá bán lẻ điện hai bậc thang (trong đó một bậc dành riêng cho người nghèo), hoặc phương án đồng giá (nhưng có đi kèm chương trình hỗ trợ giá điện cho người nghèo).Theo đó,Hiệp hội Năng lượng đề xuất xem xét nghiên cứu thêm phương án giá 2 bậc:

+ Bậc 1 dành cho đối tượng hộ nghèo, khó khăn với mức giá giữ trong khoảng từ 1.484VNĐ/kWh - 1.533VNĐ/kWh.

+ Bậc 2 dành cho tất cả các đối tượng sử dụng điện còn lại với mức giá lũy tiến trên cơ sở tính toán khoa học và số liệu thống kê tin cậy.

- Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng ôtô trên toàn thị trường tháng 9/2015 đạt 21.366 chiếc. Trong đó:

+ Xe du lịch đạt 12.789 chiếc, tăng 24%.

+ Xe thương mại đạt 7.594 chiếc, tăng 5,9%.

+ Xe chuyên dụng đạt 983 chiếc, tăng 29,5%.

Xuất nhập khẩu

- Theo Tổng cục Hải quan, 9 tháng đầu năm 2015, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đã thâm hụt 4,03 tỷ USD. Cụ thể:

+ Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 120,22 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2014.

+ Kim ngạch nhập khẩu đạt 124,25 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2014.

- Theo số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas):

+ Nhập khẩu bông của cả nước trong tháng 9/2015 ước đạt 100.000 tấn, trị giá 163 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và 11,9% về trị giá so với tháng 8, tăng 34,1% so với cùng kỳ 2014. 9 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu bông tăng 44,2% về lượng và 17,1% về trị giá so với cùng kỳ 2014.

+ Giá bông nhập khẩu 9 tháng giảm 18,8%, xuống còn 1.608 USD một tấn.

Vitas dự báo, lượng bông nhập khẩu tiếp tục trên đà tăng 50% so với cùng kỳ 2014, ước đạt 290.000 tấn.

- Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch XNK hàng hóa của Việt Nam từ 01/10 - 15/10/2015 đạt 13,1 tỷ USD, giảm 10,3%(1,49 tỷ USD) so với nửa cuối tháng 9/2015. Tính đến hết ngày 15/10/2015 tổng kim ngạch XNK đạt 257,46 tỷ USD, tăng 11,8% (27,22 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2014.

Cán cân thương mại hàng hóa trong kỳ 1 tháng 10/2015 thặng dư 59 triệu USD; tính đến hết ngày 15/10/2015 cả nước thâm hụt 3,97 tỷ USD.

Cân đối vĩ mô

Ngân sách

- Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của Chính phủ, tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn này là từ 3.020 - 3.090 nghìn tỷ đồng. Trong đó: (i) Vay bù đắp bội chi là 1.360 nghìn tỷ đồng: Giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu cân đối NSNN dự kiến khoảng 7.000 nghìn tỷ đồng; quy mô chi NSNN dự kiến khoảng 8.660 nghìn tỷ đồng; (ii) Vay về cho vay lại khoảng 280 nghìn tỷ đồng; (iii) Phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định: Dư nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp đến năm 2020 khoảng 52 - 53 tỷ USD, cụ thể: vay trung và dài hạn khoảng 35 - 36,3 tỷ USD, dư nợ vay ngắn hạn khoảng 17 tỷ USD, tỷ lệ nợ nước ngoài của quốc gia đến năm 2020 không quá 50% GDP.

- Những năm gần đây, tỷ trọng thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong tổng thu giảm dần, do tác động của việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan: Năm 2011, thu 65.622 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,09%; nhưng ước tính năm 2015 số thu là 81.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 8,11% tổng thu ngân sách.

Dự kiến, việc miễn, giảm một số dòng thuế sẽ làm giảm thu khoảng 1.700 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2016 - 2025 đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

- Theo Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm:

+ Tổng thu NSNN ước đạt 683.000 tỷ đồng, bằng 75% dự toán năm, tăng 7% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa đạt 504,32 nghìn tỷ đồng, bằng 79% dự toán, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Riêng nguồn thu dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt thấp, chỉ bằng 55,7% và 70,5% dự toán năm, chủ yếu do giá dầu thô và giá của một số mặt hàng xuất nhập khẩu giảm mạnh.

+ Tổng chi NSNN thực hiện ước đạt 823,97 nghìn tỷ đồng, bằng 71,8% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chi cho đầu tư phát triển đạt 65,3%, chi trả nợ và viện trợ bằng 76,5%; chi thường xuyên đạt 75% dự toán.

+ Bội chi NSNN ước khoảng 140,97 nghìn tỷ đồng, bằng 62,4% dự toán năm.

- Theo Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 11/10, toàn ngành đã thu được 198.600 tỷ đồng vào NSNN, đạt gần 76,4% chỉ tiêu dự toán cả năm đặt ra là 260.000 tỷ đồng. Như vậy từ nay đến hết 31/12/2015, toàn ngành Hải quan phải thu được 61.400 tỷ đồng mới đạt được dự toán.

Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đã giao thêm chỉ tiêu thu NSNN cho các đơn vị như: Cục Hải quan thành phố Hồ Chí Minh phải thu được 97.500 tỷ đồng, Hải Phòng phải thu được 46.000 tỷ đồng, Hà Nội phải thu được 17.500 tỷ đồng, Quảng Ninh là 13.000 tỷ đồng, Lạng Sơn là 6.200 tỷ đồng...

Giá vàng

Tính chung cả tuần, giá vàng SJC giảm 110 nghìn đồng/lượng so với tuần trước. Trong ngày cuối tuần (24/10), giá vàng được các doanh nghiệp niêm yết ở mức:

+ Công ty SJC tại Hà Nội: 33,71 - 33,98 triệu đồng/lượng, tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh: 33,71 - 33,96 triệu đồng/lượng.

+ Tập đoàn DOJI: 33.87 - 33,91 triệu đồng/lượng.

+ Công ty Bảo tín Minh Châu: 33.87 - 33,91 triệu đồng/lượng.

Tỷ giá

Trong tuần, tỷ giá USD/VND được điều chỉnh giảm từ 25 đến 50 đồng/USD so với tuần trước. Ngày cuối tuần (24/10), tỷ giá được ấn định ở mức:

+ Vietcombank: 22.260 - 22.340 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD ở cả 2 chiều mua và bán.

+ Vietinbank: 22.275 - 22.345 đồng/USD, tăng 35 đồng ở cả hai chiều.

+ BIDV: 22.270 - 22.340 đồng/USD đồng, giảm 30 đồng chiều mua và 20 chiều bán.

+ ACB và DongABank: 22.280 - 22.350 đồng/USD. Trong đó ACB tăng giá mua và bán ở mức 20 đồng/USD, DongABank tăng 40 đồng/USD.

+ Eximbank: 22.290 - 22.360 đồng/USD, tăng 20 đồng ở cả hai chiều.

+ Techcombank: 22.230 - 22.370 đồng/USD.

Tăng trưởng tín dụng/huy động

- Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng dư nợ trên địa bàn thành phố tháng 10/2015 ước đạt 1,162 ngàn tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng 9/2015 và 15% so với tháng 12/2014. Trong đó:

+ Dư nợ ngắn hạn tăng 3,3% và 9,3%.

+ Dư nợ trung và dài hạn giảm 1,3% so với tháng 9/2015 và tăng 25% so tháng 12/2014.

+ Nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 1,399 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với tháng 9/2015 và tăng 18% so với tháng 12/2014. Trong đó, tiền gửi chiếm 94% trong tổng nguồn vốn huy động (tiền gửi tiết kiệm tăng 2% và tăng 13%; tiền gửi thanh toán tăng 2% và 18%); phát hành giấy tờ có giá tăng 4% và tăng 51%.

- Theo ước tính của một số TCTD, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ trong khối ngân hàng đã chậm lại còn khoảng 4 - 5% trong quý 3/2015, thấp bằng 1/2 tốc độ huy động vốn ngoại tệ. Dự báo các tháng cuối năm:

- Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục tăng trưởng thận trọng, khó có khả năng mở rộng mạnh trong khi huy động vốn ngoại tệ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá đều đặn;

- Thanh khoản trên thị trường ngoại tệ được đảm bảo; lãi suất có thể tăng nhẹ khoảng 0,1 điểm, nhưng tiếp tục ổn định ở mức thấp, khoảng 0,3 - 0,5 % với các khoản vay kỳ hạn dưới một tuần trên thị trường liên ngân hàng.

Tin khác

Theo số liệu của NHNN Việt Nam, lượng tiền giả bị thu giữ trong quý 3/2015 qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đã giảm 9,6% so với quý 2 và giảm 23% so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên nhân là do các loại tiền giả polymer đã thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay hoặc mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng, như hình bóng chìm, mực đổi màu, yếu tố hình ẩn (DOE)...

Thị trường tài sản

Trái phiếu

Trong tuần qua, HNX đã tổ chức 03 phiên đấu thầu TPCP, cụ thể:

- Ngày 20/10, NHCSXH phát hành tổng khối lượng 1.000 tỷ đồng gồm 3 loại kỳ hạn: 3 năm (500 tỷ đồng), 5 năm (200 tỷ đồng) và 15 năm (300 tỷ đồng). Kết quả cụ thể:

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 100 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,7%/năm (cao hơn 0,45%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 10/8/2015).

+ Kỳ hạn 5 năm và 15 năm: Không trúng thầu.

- Ngày 21/10, KBNN phát hành tổng khối lượng gọi thầu 4.500 tỷ đồng gồm 2 loại kỳ hạn 5 năm (3.500 tỷ đồng) và 10 năm (1.000 tỷ đồng).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 3.320 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,65%/năm (bằng lãi suất trúng thầu phiên ngày 14/10/2015).

+ Kỳ hạn 10 năm: Huy động được 50 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7%/năm (cao hơn 0,01%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 07/10/2015).

- Ngày 22/10, Ngân hàng Phát triển Việt Nam phát hành tổng khối lượng 5.000 tỷ đồng gồm 4 loại kỳ hạn: 3 năm (2.000 tỷ đồng), 5 năm (2.000 tỷ đồng), 10 năm (500 tỷ đồng) và 15 năm (500 tỷ đồng). Kết quả cụ thể:

+ Kỳ hạn 3 năm: Huy động được 2.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 6,63%/năm (thấp hơn 0,07%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 15/10/2015).

+ Kỳ hạn 5 năm: Huy động được 1.900 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 7,35%/năm (cao hơn 0,25%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên ngày 15/10/2015).

Ngày 20/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP và phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế. Theo đó, chính thức xin phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, kỳ hạn từ 10 - 30 năm với lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành,để tái cơ cấu nợ công 363.166 tỷ đồng giai đoạn 2015 - 2016.

Cổ phiếu

Trong tuần từ 19 - 23/10, thị trường chứng khoán tăng điểm trên cả 02 sàn, cụ thể:

+ VN-Index: Tăng 1,47%, lên 601,74 điểm. Tổng khối lượng hơn 534 triệu cổ phiếu, trị giá trên 9,4 tỷ đồng.

+ HNX-Index: Tăng 0,46%, lên 81,55 điểm. Tổng khối lượng hơn 202 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2,3 tỷ đồng.

Trong tuần từ 19 - 23/10, khối ngoại mua ròng 186,2 tỷ đồng trên cả 02 sàn. Cụ thể:

+ HOSE:Khối ngoại mua ròng hơn 192 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 9,2 triệu cổ phiếu.

+ HNX:Khối ngoại bán ròng hơn 5,8 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng là 236.490 cổ phiếu.

Bất động sản

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tính đến cuối tháng 9:

- Hà Nội có 5.300 giao dịch thành công, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2014, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 5.100 giao dịch thành công, tăng gần 2 lần so cùng kỳ năm trước.

- Tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 59.395 tỷ đồng, giảm 69.153 tỷ đồng so với quý 1/2013 và giảm 904 tỷ đồng so với thời điểm 20/8/2015.

Chính sách

- Ngày 19/10, NHNN đã ban hành Thông tư số 16/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể:

+ Bổ sung một số trường hợp cụ thể về an ninh, quốc phòng, dầu khí tại khoản 17, Điều 4; các trường hợp được NHNN xem xét, chấp thuận sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ chỉ áp dụng với đối tượng là tổ chức, không cho phép cá nhân.

+ Bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận hoạt động ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Thông tư quy định cụ thể về nguyên tắc lập và gửi hồ sơ của tố chức và thời hạn xử lý hồ sơ của NHNN.

Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 3/12/2015.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới. Cụ thể:

+ Thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài được thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa qua biên giới.

+ Cư dân biên giới khi mua bán, trao đổi hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế khác với giá trị không quá 2 triệu đồng/người/ngày/lượt và không quá 4 lượt/tháng đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới do Bộ Công Thương ban hành.

- Ngày 08/10/2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 157/2015/TT-BTC quy định chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng lệ phí cấp hộ chiếu, thị thực, giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú tại Việt Nam.

+ Lệ phí cấp thị thực có giá trị 1 lần: Giảm 20 USD, từ 45 USD xuống còn 25 USD.

+ Lệ phí cấp thị thực có giá trị nhiều lần: (i) 50 USD được áp dụng đối với loại có giá trị đến 3 tháng; (ii) 95 USD với loại có giá trị trên 3 tháng đến 6 tháng; (iii) 135 USD với loại có giá trị trên 6 tháng đến 1 năm.

- Ngày 19/10/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2015/NĐ-CP quy định một số điều của Luật Doanh nghiệp. Cụ thể:

+ Các công ty không có cổ phần, phần vốn góp của Nhà nước nắm giữ đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01/7/2015 được mua bán, chuyển nhượng, tăng, giảm phần vốn góp, số cổ phần nhưng không được làm tăng tỷ lệ sở hữu chéo hiện có.

+ Các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 01/7/2015, tiếp tục sử dụng con dấu đã được cấp; nếu làm thêm con dấu thì phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu theo quy định về đăng ký doanh nghiệp.