Sửa đổi lệ phí cấp phép và mức phí sử dụng tần số vô tuyến điện

Thùy Linh

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 265/2016/TT-BTC quy định Mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện và phí sử dụng tần số vô tuyến điện.

Dự thảo Thông tư sửa đổi kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai mạng 5G, phát triển Internet vệ tinh.
Dự thảo Thông tư sửa đổi kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai mạng 5G, phát triển Internet vệ tinh.

Mục đích sửa đổi Thông tư này không chỉ điều chỉnh cho phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành mà còn góp phần quan trọng trong việc triển khai mạng di động băng rộng 5G và dịch vụ Internet vệ tinh, phục vụ chiến lược phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi Thông tư số 265/2016/TT-BTC nhằm bảo đảm tính thống nhất với Luật Phí và lệ phí, Luật tần số vô tuyến điện, đồng thời phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy hiện nay. Một trong những nội dung đáng chú ý là thay đổi quy định về tổ chức thu phí, lệ phí. Theo đó, thay vì quy định Cục tần số vô tuyến điện là đơn vị thu như quy định cũ, dự thảo mới quy định theo hướng "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về tần số vô tuyến điện là tổ chức thu phí, lệ phí". Điều này giúp văn bản pháp lý ổn định, không cần sửa đổi mỗi khi có sự thay đổi về tổ chức bộ máy.

Dự thảo Thông tư đã tiếp thu đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) về việc bổ sung mức phí sử dụng tần số vô tuyến điện đối với thiết bị đầu cuối sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp. Theo đó, mức phí đề xuất là 15.000 đồng/thiết bị/năm, áp dụng chung cho cả thiết bị cố định và di động. Đây là mức thu được tính toán trên cơ sở dự báo quy mô thị trường, tham chiếu kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với khuyến nghị phát triển công nghệ vệ tinh.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, so với một số nước đang áp dụng chính sách tương tự, mức thu này tương đương 0,58 USD, cao hơn Nhật Bản (0,31 USD) nhưng vẫn thấp hơn Brazil, Argentina và Paraguay. Điều này cho thấy sự cân nhắc kỹ lưỡng trong thiết kế chính sách, vừa đảm bảo chi phí quản lý tần số, vừa tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng vệ tinh tại Việt Nam – đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp nước ngoài như SpaceX thí điểm cung cấp dịch vụ vệ tinh tại Việt Nam trong thời hạn 5 năm với quy mô tối đa 600.000 thuê bao.

Một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Thông tư là đề xuất sửa đổi phương thức thu phí theo hướng linh hoạt hơn. Theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân phải nộp phí tối thiểu 12 tháng cho giấy phép có hiệu lực trên 12 tháng, hoặc nộp một lần cho toàn bộ thời hạn nếu hiệu lực dưới 12 tháng. Dự thảo đề xuất bổ sung quy định cho phép doanh nghiệp nộp phí theo quý, tính theo số lượng thiết bị đầu cuối sử dụng dịch vụ từ 15 ngày trở lên trong từng tháng của quý đó.

Việc này không chỉ phù hợp với thực tế triển khai dịch vụ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp – nơi số lượng thiết bị đầu cuối có thể biến động lớn – mà còn đảm bảo thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 193/2025/QH15 và Nghị định số 88/2025/NĐ-CP về việc tính phí theo thời gian sử dụng và số lượng thiết bị thực tế.

Việc sửa đổi Thông tư số 265/2016/TT-BTC không đơn thuần chỉ là điều chỉnh kỹ thuật, mà còn thể hiện rõ định hướng của Chính phủ trong việc tạo hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, trong đó nhấn mạnh vai trò của hoàn thiện thể chế như một lợi thế cạnh tranh.

Bằng việc thiết lập mức thu phí hợp lý, linh hoạt, đồng bộ với luật pháp hiện hành, dự thảo Thông tư sửa đổi kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai mạng 5G, phát triển Internet vệ tinh, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có hạ tầng viễn thông mặt đất – từ đó góp phần xây dựng một Việt Nam số, hiện đại và bền vững.