Tận dụng lợi thế hướng biển, phát triển logistics đường thủy

Thu Hòa

Với lợi thế hướng biển, TP. Hồ Chí Minh phải là cụm cảng trung chuyển quốc tế, Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ kết nối lại và kết nối thêm các cảng khác, phát triển logistics đường thủy.

TP. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế phát triển vận tải thủy. Ảnh: T.H
TP. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế phát triển vận tải thủy. Ảnh: T.H

Tại Tọa đàm “Không gian phát triển TP. Hồ Chí Minh - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ” do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 11/7, các chuyên gia cho rằng, không gian phát triển của TP. Hồ Chí Minh được mở rộng chưa từng có.

Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, ngành Công Thương Thành phố đã xác định một số định hướng trọng tâm trong phát triển thương mại – dịch vụ giai đoạn mới gồm: phát triển quy hoạch không gian thương mại – dịch vụ gắn với đô thị đa trung tâm, tận dụng lợi thế hướng biển, tăng cường kết nối vùng.

Trong đó, ưu tiên hình thành các cụm trung tâm mua sắm - hậu cần - chợ đầu mối - logistics tại khu vực phía Nam, phía Tây, kết nối với các tuyến vành đai và cảng biển.

Tập trung đầu tư phát triển mạnh hạ tầng thương mại - logistics thông minh, đồng bộ. Tăng cường đầu tư vào các trung tâm phân phối, kho vận hiện đại, sàn giao dịch điện tử, kết nối chặt chẽ với hệ thống giao thông đô thị và cảng biển; phát triển chuỗi logistics cảng biển thông minh, tận dụng lợi thế cảng trung chuyển Cần Giờ, tăng cường kết nối vùng và quốc tế.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chı́nh sách công và Quản lý Fulbright cho rằng, sau sáp nhập với Bı̀nh Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, không gian phát triển của TP. Hồ Chí Minh mới được mở rộng chưa từng có.

Kết nối vùng, tận dụng không gian hướng biển giúp hàng hóa XNK lưu thông thuận tiện. Ảnh: T.H
Kết nối vùng, tận dụng không gian hướng biển giúp hàng hóa XNK lưu thông thuận tiện. Ảnh: T.H

TP. Hồ Chí Minh hiện sở hữu mạng lưới dày đặc các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối và hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại, trở thành một siêu đô thị đa cực, kết hợp giữa trung tâm hành chı́nh - tài chı́nh - tiêu dùng truyền thống với vùng công nghiệp - logistics - cảng biển năng động.

Việc tı́ch hợp với Bı̀nh Dương bổ sung thêm vai trò là hậu cứ công nghiệp với các khu kho bãi, cụm logistics tại Sóng Thần, VSIP, Bàu Bàng... Trong khi đó, Bà Rịa - Vũng Tàu mang đến hệ thống cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải, có khả năng kết nối trực tiếp với các tuyến vận tải biển quốc tế.

Ông Tuấn cho rằng sự kết nối ba địa phương này cho phép TP. Hồ Chí Minh phát triển một hệ sinh thái thương mại, logistics và sản xuất khép kı́n, đáp ứng linh hoạt cả thị trường nội địa và xuất khẩu.

Không gian sau sáp nhập TP. Hồ Chí Minh rất lớn khi có cảng biển, hệ thống logictics... Do đó, cần thiết kế lại không gian phát triển thương mại.

Với vai tròn kết nối trong lĩnh vực logistics, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh (HLA) Trương Tấn Lộc đề xuất cần tạo ra cơ chế thông qua công nghệ, làm sao TP. Hồ Chí Minh mới phải tương đương như Singapore, Hồng Kông, như khu thương mại tự do. 

Theo ông Lộc, cảng Cái Mép Thị Vải ở Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ), cảng ở Bình Dương và các cảng ở TP. Hồ Chí Minh phải là một, trước giờ chưa nghĩ đến nhưng giờ phải nghĩ đến, để tạo nguồn lực chung.

“Chắc chắn TP. Hồ Chí Minh phải là cụm cảng trung chuyển quốc tế, Cái Mép Thị Vải, Cần Giờ kết nối lại hơn nữa và kết nối thêm các cảng khác. Ngoài ra, các bến thủy nội địa dọc theo các con sông phải được đầu tư, xây dựng nhiều hơn nữa”, ông Trương Tấn Lộc nhấn mạnh.

Các kết nối giữa Vùng Tàu và TP. Hồ Chí Minh (cũ) có nhiều, nhưng cũng còn nhiều vấn đề. Nếu đẩy mạnh kết nối bằng đường thuỷ giữa 3 địa phương trước đây sẽ là thế mạnh rất lớn mà ít nơi nào có đựợc. 

Để làm được điều này cần đầu tư hệ thống sông ngoài, xà lan lớn, bến thuỷ nội địa..., có như vậy TP. Hồ Chí Minh mới "cất cánh" được, giảm áp lực lên đường bộ hiện đang ùn tắc liên tục.

Xà lan, bến thủy nội địa không theo kịp vận chuyển. Sắp tới tiêu dùng tăng mạnh, nếu bến thuỷ nội địa được khai thác tốt, thêm tăng nghiên cứu kết nối với đường sắt sẽ là lợi thế lớn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đề nghị phải có giải pháp về vận tải hàng hóa bằng đường thuỷ, không nên đổ dồn vào đường bộ bởi hiện nay container chuyển từ Cái Mép về các ICD hậu phương mất khoảng 5-7 ngày.

Cụ thể, ông Cương đề nghị rà soát lại cảng của TP. Hồ Chí Minh để làm sao tận dụng lại sông Đồng Nai, thượng lưu sông Sài Gòn, dùng sà lan chở container, vì chi phí vận chuyển bằng sà lan khá thấp so với đường bộ, giảm ách tắc đường bộ, giảm thải C02.

"Cần có chính sách về giá đất, thuế, đây là những đối tượng ưu tiên về chính sách để phát triển hạ tầng. Nếu không có chính sách ưu đãi, doanh nghiệp sẽ gặp khó trong việc phát triển. Do đó, cần giảm bớt thủ tục giấy tờ hải quan, số hoá để thủ tục thật nhanh chóng. Nếu giảm được chi phí logistics sẽ giúp ích lớn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung", ông Lê Kim Cương nêu ý kiến.