Triển khai mạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa
6 tháng đầu năm 2025, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục duy trì ổn định về tổng thể, nguồn cung hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nguồn cung các mặt hàng đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2025 tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước. Đối với thị trường nội địa, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 6/2025 đạt 570.238 tỷ đồng, giảm 0,17% so với tháng trước. Trong đó, mức giảm chủ yếu do các nhóm hàng may mặc, dịch vụ lưu trú, ăn uống (giảm lần lượt 0,59% và 0,51%); các nhóm khác tăng nhẹ từ 0,18 - 0,97%. Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 đạt 3.416.791 tỷ đồng, tăng 9,27% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó, các nhóm có mức tăng cao hơn mức tăng chung gồm nhóm lương thực, thực phẩm, văn hóa phẩm giáo dục và các nhóm du lịch dịch vụ (mức tăng từ 9,53 - 23,23%); các nhóm còn lại gồm hàng may mặc, đồ dùng trang thiết bị gia đình, phương tiện đi lại chỉ tăng từ 0,16 - 6,09% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,12% so với cùng kỳ năm trước.
Về Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), CPI tháng 6 tăng 0,48% so với tháng trước. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,27% so với cùng kỳ năm 2024 (đang trong giới hạn kiểm soát lạm phát Quốc hội giao).
Thông tin tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước quý II năm 2025 diễn ra tại Hà Nội ngày 11/7 cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục duy trì ổn định về tổng thể, nguồn cung hàng hóa đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong các dịp tiêu dùng cao điểm.
Đáng chú ý, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, Sở Công Thương các địa phương trong công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu nhóm năng lượng, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm luôn đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng.
Một số mặt hàng thiết yếu có biến động cục bộ về giá, nổi bật là thịt lợn trong giai đoạn quý I do những vấn đề về nguồn cung trong giai đoạn gối vụ và ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên, vấn đề này đã nhanh chóng được xử lý và thị trường đã trở lại ổn định từ đầu quý II đến nay.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa tiếp tục được tăng cường, đặc biệt sau những chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, những bất cập về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa đặt ra yêu cầu cần được quan tâm, kiểm soát chặt chẽ hơn trong thời gian tới để siết lại kỷ cương trên thị trường, tạo niềm tin vững chắc cho người tiêu dùng.
Thúc đẩy tiêu dùng hàng sản xuất trong nước phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong 6 tháng đầu năm 2025, đặc biệt trong tháng gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng liên quan tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, là tập trung vào nhóm mặt hàng, lĩnh vực thương mại điện tử, lương thực, thực phẩm, dược liệu, thuốc chữa bệnh, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe...
Điển hình như: Công điện số 2755/CĐ-BCT ngày 18/4/2025 về Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Quyết định số 1398/QĐ-BCT ban hành Kế hoạch cao điểm giám sát, kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình hình mới…
Trong 6 tháng năm 2025 (15/12/2024 đến 14/6/2025), lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 11.568 vụ; xử lý 9.919 vụ vi phạm; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 266 tỷ đồng; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 121 tỷ đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 145 tỷ đồng; thu nộp ngân sách nhà nước 141 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 76 vụ có dấu hiệu hình sự.
Theo Tổ Điều hành thị trường trong nước, trong nửa cuối năm 2025, dự báo, tình hình căng thẳng chính trị đang leo thang tại nhiều khu vực trên thế giới (Trung Đông, châu Á, châu Âu...), đặc biệt tại các khu vực sản xuất các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng là đầu vào cho sản xuất, kinh doanh mà Việt Nam đang phải nhập khẩu. Do đó sẽ ảnh hưởng đến chi phí nguyên liệu đầu vào và mặt bằng giá hàng hóa trong nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại của các nước lớn ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ các hàng hóa xuất khẩu, tạo áp lực tiêu thụ hàng hóa cho thị trường trong nước. Tình hình thiên tai, dịch bệnh trong các tháng cuối năm tiềm ẩn nhiều rủi ro (các cơn bão lớn chủ yếu tập trung vào nửa cuối năm, dịch bệnh trên vật nuôi dễ bùng phát khi thời tiết chuyển mùa). Trước thực trạng hàng hóa kém chất lượng vừa bị phát hiện và xử lý thời gian vừa qua, người tiêu dùng có sự thận trọng hơn trong mua bán hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề xuất một số giải pháp như các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt triển khai các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu dùng hàng sản xuất trong nước nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và an sinh xã hội.