Thị trường bất động sản siêu đô thị TP. Hồ Chí Minh sẽ ra sao sau sáp nhập?

Anh Hào – Hoàng Dương

Các chuyên gia bất động sản nhận định, việc hợp nhất TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu tạo thành một “siêu đô thị” sẽ tác động tích cực đến đến thị trường bất động sản.

Sức cầu thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục tập trung ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh.
Sức cầu thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục tập trung ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh.

Mức độ quan tâm bất động sản tăng nhờ thông tin sáp nhập

Dữ liệu của Cục Thống kê cho thấy, tình hình kinh tế – xã hội quý I/2025 duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng GDP quý I/2025 ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.

Bên cạnh đó, FDI tính đến ngày 31/3, cả nước thu hút được 2.061 dự án đầu tư nước ngoài với với số vốn đạt 11 tỷ USD, tăng 16,8% về số dự án và tăng 34,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2024. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 5 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh kinh tế ghi nhận những diễn biến tích cực, thị trường bất động sản Việt Nam cũng có những biến động mạnh đến từ kế hoạch sáp nhập tỉnh. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm bất động sản tháng 3/2025 tăng mạnh so với tháng 2/2025 tại các tỉnh có sự tương đồng hoặc bổ trợ về diện tích tự nhiên, quy mô dân số.

Đáng chú ý, các địa phương có khả năng kết hợp trở thành “siêu đô thị” với 12,5 triệu dân, quy tụ cảng biển, sân bay, trung tâm tài chính, chứng kiến mức độ quan tâm bất động sản tăng tương đối mạnh. Đơn cử, TP. Hồ Chí Minh tăng 13%, Bình Dương tăng 49%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 42%.

Việc hợp nhất TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu tạo thành một “siêu đô thị” sẽ tác động tích cực đến đến thị trường bất động sản. 
Việc hợp nhất TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu tạo thành một “siêu đô thị” sẽ tác động tích cực đến đến thị trường bất động sản. 

Ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc DKRA Consulting đánh giá, vừa qua, Nghị quyết số 60-NQ/TW đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua vào ngày 12/4/2025. Theo đó, thống nhất số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập xuống còn 34 thay vì 63 tỉnh và thành phố như trước đây. Trong đó, nổi bật là phương án đề xuất sáp nhập TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu thành một “siêu đô thị” mang tên TP. Hồ Chí Minh, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay.

“Mặc dù thông tin sáp nhập theo Nghị quyết số 60-NQ/TW hiện mới là chủ trương, đang trong giai đoạn lấy ý kiến người dân và chưa chính thức triển khai nhưng đã có những ảnh hưởng nhất định lên thị trường bất động sản, tạo hiệu ứng lan tỏa khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các khu vực giáp ranh TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu”, ông Thắng chia sẻ.

Biến động về giá bất động sản trong thời gian tới

Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho rằng, viễn cảnh “siêu đô thị” gồm TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu sẽ tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho kinh tế đất nước, dự kiến đóng góp khoảng 25% GDP.

Ông Võ Hồng Thắng cho biết, thời gian sắp tới, sức cầu thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp tục tập trung ở các thành phố lớn, hiện hữu với mức độ đô thị hóa cao, mật độ cũng như độ nén về dân cư lớn như TP. Hồ Chí Minh và các thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương như Thuận An, Dĩ An và Thủ Dầu Một khi có thể kết hợp với lợi thế cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu để nâng cấp trở thành một “siêu đô thị” có vị thế lớn trên phạm vi cả nước và hơn nữa là vươn tầm ra quốc tế.

Bên cạnh đó, thị trường tại Bà Rịa - Vũng Tàu lại thu hút tốt sự quan tâm của những nhà đầu tư sở hữu tầm nhìn đầu tư trong trung và dài hạn, đặt niềm tin vào những tiềm năng tăng trưởng nơi đây thông qua các cú hích về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội như: Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, khu đô thị cảng Cái Mép – Thị Vải, trung tâm logistics Cái Mép Hạ... Đây đều là những dự án trọng điểm mà khi đưa vào vận hành sẽ là trợ lực lớn giúp cho Bà Rịa - Vũng Tàu vươn tầm phát triển của mình trong tương lai.

Trước thông tin sáp nhập, quan sát trên thị trường đã có một số phản ứng nhất định, thể hiện qua việc giá bán cũng như thanh khoản có dấu hiệu gia tăng cục bộ ở một số địa phương.

“Theo đó, loại hình bất động sản nhà ở ghi nhận tín hiệu tích cực so với cùng kỳ. Đáng chú ý như ở phân khúc đất nền, thị trường thứ cấp đạt mức tăng giá phổ biến từ 12% - 16%, đồng thời ghi nhận có hiện tượng “sốt đất cục bộ” tại các tỉnh, thành có thông tin “sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh, mở rộng đô thị” với mức tăng lên đến 20% - 30%. Hay phân khúc căn hộ với lượng tiêu thụ sơ cấp tăng 56% so với cùng kỳ quý I/2024, mặt bằng giá bán sơ cấp ghi nhận tăng 2% - 5%. Cục bộ một số dự án tại Bình Dương và Long An ghi nhận mức tăng 5% - 11% so với giai đoạn cuối năm 2024”, ông Thắng nói.