Thị trường chứng khoán cần thời gian hấp thụ áp lực chốt lời

Minh Lâm

Sau chuỗi 4 ngày phục hồi mạnh mẽ, VN-Index điều chỉnh, chờ hấp thụ hết áp lực chốt lời, từ đó, tạo nền vững chắc cho nhịp tăng tiếp theo của thị trường.

Phục hồi mạnh mẽ

Trong tuần giao dịch vừa qua (12-16/5), VN-Index thể hiện sức bật mạnh mẽ, đánh dấu sự trở lại của nhóm cổ phiếu Ngân hàng – vốn từng bị dòng tiền “lãng quên”.

Đà tăng được duy trì liên tục suốt 4 phiên đầu tuần, từ thứ Hai đến thứ Năm, giúp chỉ số nhanh chóng lấp đầy GAP giảm điểm quanh mốc 1.315 điểm. Đây là khoảng trống hình thành sau tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng hóa Việt Nam.

Đà tăng còn được hỗ trợ mạnh mẽ từ cổ phiếu VPL của Công ty cổ phần Vinpearl (công ty con của Tập đoàn Vingroup - VIC), khi tăng giá 4 phiên liên tiếp kể từ khi niêm yết (ngày 13/5).

Tuy nhiên, đà tăng tạm ngưng trong phiên cuối tuần khi nhóm ngân hàng đồng loạt điều chỉnh, khiến chỉ số đóng cửa giảm điểm nhẹ, dù cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vẫn duy trì sắc xanh.

Đà phục hồi vẫn duy trì ở chỉ số VN-Index , nhờ đóng cửa trên đường MA 20.
Đà phục hồi vẫn duy trì ở chỉ số VN-Index , nhờ đóng cửa trên đường MA 20.

Dù không đạt đỉnh cao nhất trong tuần, nhưng chỉ số VN-Index vẫn ghi nhận mức cải thiện đáng kể. Thanh khoản khớp lệnh tăng vọt 31,9% so với trung bình 20 tuần (MA 20), phản ánh tâm lý giao dịch đã “được cởi trói” và trở nên tích cực hơn.

Chốt tuần, VN-Index tăng 34,09 điểm, tương đương tăng 2,69% lên 1.301,39 điểm. Thanh khoản khớp lệnh toàn sàn HOSE đạt trung bình 992 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng 23.934 tỷ đồng – tăng lần lượt 33,32% và 39,2% so với tuần trước.

Về diễn biến ngành, sắc xanh chiếm ưu thế ở 18/21 nhóm ngành. Ba ngành dẫn đầu mức tăng gồm Bán lẻ (+4,69%), Xây dựng (+4,05%) và Ngân hàng (+3,93%). Ở chiều ngược lại, chỉ có Bất động sản (-0,53%), Phân bón (-0,08%) và Dược phẩm (-0,05%) ghi nhận giảm điểm.

Giao dịch khối ngoại cũng tạo điểm nhấn khi mua ròng hơn 2.921 tỷ đồng. MBB, MWG và FPT là ba mã được mua mạnh nhất, lần lượt +1.087 tỷ đồng, +893 tỷ đồng và +863 tỷ đồng. Ngược lại, áp lực bán tập trung tại VHM (-1.080 tỷ đồng), VCB (-849 tỷ đồng) và VRE (-384 tỷ đồng).

Nhịp chờ để tích luỹ

Sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán đã xuất hiện điều chỉnh trong phiên cuối tuần – không nằm ngoài dự báo khi VN-Index test lại thành công ngưỡng 1.316 điểm (GAP cuối cùng của đợt giảm tháng 4), kèm áp lực chốt lời gia tăng.

Về xu hướng dài hơn, chỉ số vẫn đang trong quá trình phục hồi và ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp kể từ đáy 1.075 điểm. Tuy nhiên, với mức phục hồi lên đến +21%, áp lực bán hiện đang mạnh dần và có thể khiến VN-Index cần thêm thời gian tích lũy hoặc điều chỉnh để tạo nền vững chắc cho nhịp tăng tiếp theo.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) nhận định, trong ngắn hạn, chiến lược phù hợp là hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức 20–25%, ưu tiên quan sát thị trường. Kịch bản tích cực là chỉ số có thể lùi về vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm – vùng giá được xem là cơ hội tốt để giải ngân trở lại nếu xuất hiện tín hiệu xác nhận.

Theo Trung tâm Phân tích Công ty Chứng khoán SSI, VN-Index đảo chiều khi tiệm cận vùng cản 1.320 điểm, đi kèm thanh khoản khớp lệnh vượt ngưỡng trung bình 20 phiên và động lượng Stochastic hạ nhiệt trong vùng quá mua. Các tín hiệu trên đang hàm ý đà tăng ngắn hạn có thể suy yếu. Như vậy, khả năng chỉ số sẽ cần thêm thời gian hấp thụ áp lực chốt lời. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số duy trì quanh 1.280 – 1.300 điểm.

Trong khi đó, công ty Chứng khoán EVS cho rằng, tín hiệu điều chỉnh trở lại sau nhịp tăng ngắn hạn không đáng lo ngại. Về kỹ thuật đường giá tiếp tục duy trì xu hướng tăng tích cực. Ngoài ra, các chỉ báo kĩ thuật trên khung ngày như MACD vẫn giữ vững đà tăng, trong khi RSI chưa có dấu hiệu đứt gãy và đảo chiều trở lại.

Công ty Chứng khoán EVS khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên thực hiện hóa lợi nhuận trong các nhịp kéo thiếu thanh khoản của thị trường; đồng thời, hạn chế FOMO mua đuổi và canh các nhịp điều chỉnh để mua lại lượng cổ phiếu đã bán trước đó.