Thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2025: Kỳ vọng cao nhưng cần thận trọng

Thu Dịu

Thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào nửa cuối năm 2025 với nhiều kỳ vọng, nhưng cũng đối mặt không ít thách thức đến từ bất ổn toàn cầu và diễn biến nội tại chưa đồng đều.

Các chuyên gia chia sẻ về những cơ hội và thách thức của thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2025.
Các chuyên gia chia sẻ về những cơ hội và thách thức của thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2025.

Thị trường chịu tác động từ yếu tố bên ngoài

Theo các chuyên gia, thị trường đang tiến sát vùng đỉnh cao nhất kể từ đầu năm 2025, mang lại không ít kỳ vọng nhưng cũng đặt ra nhiều dấu hỏi về khả năng bứt phá trong giai đoạn tới.

Đặc biệt, yếu tố địa chính trị và chính sách thuế quan của Mỹ tiếp tục chi phối tâm lý thị trường toàn cầu. Chia sẻ tại Talkshow “Biến động chứng khoán nửa cuối năm 2025” diễn ra ngày 26/5, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, diễn biến của nền kinh tế thế giới và thị trường chứng khoán phụ thuộc nhiều vào câu nói của Tổng thống Donald Trump, “đỏ lửa hoặc xanh trở lại”.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tức thì, mà còn ảnh hưởng dài hạn đến thị trường, có thể tác động đến cả sự luân chuyển dòng tiền. Dòng tiền có thể rút ra khỏi các thị trường để chảy vào Mỹ, gây ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi như Việt Nam.

“Tỷ giá đã tăng kịch trần nhưng vẫn nằm trong vùng kỳ vọng. Lãi suất tuy duy trì ở mức thấp nhưng người dân lại gia tăng gửi tiết kiệm, cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài quan sát”, ông Huân cho biết.

Điểm khác biệt so với các giai đoạn trước là hiện tại, thuế quan đã trở thành yếu tố chi phối thị trường mạnh hơn cả lãi suất hay tỷ giá. Đây là hai yếu tố truyền thống vốn được xem là “kép chính” của các biến động tài chính.

Mặc dù những thông tin về áp thuế và biến động kinh tế toàn cầu vẫn có thể gây nhiễu thị trường trong ngắn hạn, nhưng về trung hạn, giới phân tích cho rằng mức đáy đã được thiết lập trong tháng 4. Một số ngành hàng xuất khẩu có đơn hàng tăng trở lại trong tháng 4 và 5, cho thấy hoạt động sản xuất – kinh doanh vẫn có khả năng hồi phục nếu môi trường vĩ mô không xấu thêm.

Kỳ vọng cao nhưng thận trọng

Mặc dù những thông tin về áp thuế và biến động kinh tế toàn cầu vẫn có thể gây nhiễu thị trường trong ngắn hạn, nhưng về trung hạn, giới phân tích cho rằng mức đáy đã được thiết lập trong tháng 4. Một số ngành hàng xuất khẩu có đơn hàng tăng trở lại trong tháng 4 và 5, cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có khả năng hồi phục nếu môi trường vĩ mô không xấu thêm.

Đơn cử, chốt phiên 26/5, VN-Index đạt 1.332 điểm – mức cao nhất kể từ đầu năm và tiệm cận đỉnh lịch sử hồi tháng 3. Từ đáy trong tháng 4, chỉ số đã tăng hơn 200 điểm, phản ánh kỳ vọng lạc quan vào triển vọng phục hồi kinh tế và kết quả kinh doanh quý 2.

Thanh khoản trên thị trường được cải thiện rõ rệt so với phiên trước, khi tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 25.000 tỉ đồng. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản đạt hơn 22.100 tỉ đồng, tăng hơn 5.300 tỉ đồng so với phiên trước.

Theo các chuyên gia, từ nay tới ngày 8/7, khi có thông tin chính thức về mức thuế quan sau đàm phán, thị trường sẽ phản ánh hết vào giá.

Ông Huỳnh Hữu Phước, Giám đốc Khách hàng cá nhân kiêm Giám đốc chi nhánh Cần Thơ - Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, VN-Index được dự báo sẽ dao động trong vùng 1.040 - 1.380 điểm từ nay tới cuối năm, còn lại là phản ứng của thị trường.

Với kết quả kinh doanh quý I/2025 của các doanh nghiệp tăng trưởng tích cực, và dự báo của VDSC rằng trong quý II năm nay bức tranh lợi nhuận cũng vẫn tích cực dựa trên nền thấp của cùng kỳ năm trước.

Với chính sách thuế quan, các đơn hàng xuất khẩu trong tháng 4, 5 sẽ đẩy mạnh để tranh thủ trước khi áp thuế. Như vậy, rủi ro nhất đã hình thành, câu chuyện kỳ vọng là có và tích cực.

Theo ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI, giai đoạn phục hồi rất mạnh trên 20%, trong đó có nhiều cổ phiếu tăng 40-50%, thậm chí tăng gấp đôi, VN-Index cần thời gian chững lại để tích lũy.

Thị trường có thể rung lắc trong 1-2 tháng tới khi có những thông tin bất định liên quan chính sách thuế quan của Mỹ; khả năng suy thoái của một số nền kinh tế trên thế giới.

Tuy nhiên, mức độ rung lắc, nếu có xảy ram sẽ không quá lo lắng khi tháng 4-2025 từng có cú sập mạnh và thông tin thuế quan đã phản ánh, các doanh nghiệp đã có thời gian chuẩn bị để ứng phó.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, thị trường còn nhiều dòng cổ phiếu hấp dẫn, nhà đầu tư cần quản trị rủi ro, tránh FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội). Vĩ mô bên ngoài còn tác động thị trường nhưng cần đánh giá triển vọng kinh doanh riêng từng doanh nghiệp vì đây vẫn là yếu tố tác động quan trọng đến cổ phiếu.

Trong bối cảnh “mưa phùn tô vẽ mùa xuân sắp đến”, như cách ví von của chuyên gia, việc giữ tâm lý vững vàng và hành động có chiến lược sẽ là yếu tố then chốt để tạo lợi thế dài hạn.