Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch phải thuận thiên, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt
Liên quan đến hướng hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần quy hoạch phải thuận thiên, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt…
Quy hoạch phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, do Bộ Tài chính soạn thảo đã được thảo luận tại Phiên họp chuyên đề pháp luật lần thứ 2 của Chính phủ trong tháng 4/2025 vừa diễn ra, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Liên quan đến định hướng hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, người đứng đầu Chính phủ lưu ý: Tinh thần quy hoạch phải thuận thiên, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, của vùng, của địa phương, phát huy được sức mạnh, cộng hưởng được nguồn lực.

“Trong quy hoạch phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn; Trung ương xây dựng các quy hoạch quốc gia, các quy hoạch liên quan kết nối vùng, quốc tế; các bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành; cấp tỉnh làm quy hoạch tỉnh. Việc thẩm định quy hoạch cần phát huy tính chủ động của cơ quan chủ trì xây dựng quy hoạch và cá thể hóa trách nhiệm.”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo dự kiến nội dung đợt 2 Phiên họp thứ 44 (tháng 4/2025) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 23 - 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho phát triển
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực tiếp thu ý kiến đóng góp đa chiều của các bộ, địa phương trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thể chế hóa đúng đắn chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, việc hoàn thiện dự thảo phải phù hợp với Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Từ đó, đạt mục tiêu đã đề ra là: Mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu định hưởng của giai đoạn mới; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý quy hoạch hướng tới mục tiêu xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống quy hoạch, nội dung, phương pháp lập quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính.
Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, mục tiêu của việc sửa đổi Luật lần này còn nhằm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị gắn với nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu, kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập cản trở sự phát triển, khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho phát triển.
Bảo đảm quy hoạch phải là nền tảng, tạo điều kiện cho sự phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bối cảnh hội nhập quốc tế; huy động có hiệu quả mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế tham gia vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai và các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa pháp luật về quy hoạch và pháp luật có liên quan, để đề xuất các chính sách, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả; đồng thời, bảo đảm tính độc lập, ổn định, thống nhất, kế thừa được nội dung khi sửa đổi luật.
Trên tinh thần đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch tập trung sửa đổi, sung các quy định về: Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch; hệ thống quy hoạch; thẩm quyền tổ chức lập, thẩm quyền quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; nhiệm vụ lập quy hoạch; nội dung quy hoạch; hình thức công bố quy hoạch; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ; kế hoạch thực hiện quy hoạch./.