Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã
Kinh tế hợp tác xã (HTX) là nòng cốt của kinh tế tập thể (KTTT), với nhiều hình thức kinh tế đa dạng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta. Đến nay, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế quan trọng này, góp phần vào tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội và hướng đến phát triển bền vững.

Thực trạng phát triển HTX Việt Nam
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế HTX, nâng cao đời sống nhân dân.
Đặc biệt, từ năm 2023 đến nay, phát triển KTTT nói chung và kinh tế HTX nói riêng có bước ngoặt quan trọng khi những chủ trương, chính sách mang tính định hướng được ban hành. Điển hình phải kể đến Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, Luật HTX năm 2023 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV trên cơ sở khắc phục những tồn tại hạn chế của Luật HTX năm 2012 và thể chế hóa tầm nhìn, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, là tiền đề để hoàn thiện khung pháp lý và là cơ sở để phát triển khu vực KTTT, HTX trong thời gian tới.
Nhờ có các chính sách kịp thời và hiệu quả, các HTX đã khắc phục được những khó khăn; đồng thời, kinh tế HTX phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ, đạt tăng trưởng về cả số lượng và quy mô. Theo Sách trắng HTX Việt Nam năm 2024, tính đến thời điểm 31/12/2023, cả nước có 31,82 nghìn HTX, tăng 8,3% so với năm 2022. Trong đó: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc dẫn đầu với 8,92 nghìn HTX (chiếm 28,1%); Vùng Đồng bằng sông Hồng đứng thứ hai với 8,34 nghìn HTX (chiếm 26,2%); Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 3,52 nghìn HTX, chiếm 11,1%; Vùng Tây Nguyên có mức tăng trưởng HTX cao nhất (17,7%), có 2,33 nghìn HTX, chiếm 7,3%; Vùng Đông Nam Bộ có 2,20 nghìn HTX, chiếm 6,9%.
Về cơ cấu, HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn bộ khu vực kinh tế HTX, với 49,9%; trong khi đó, HTX dịch vụ (vận tải, tín dụng, thương mại) chiếm 31,2% và đang gia tăng nhanh; HTX công nghiệp và xây dựng chiếm 18,9%, phần lớn hoạt động trong chế biến, cơ khí. Tổng doanh thu thuần của toàn khu vực HTX năm 2022 đạt 107,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2%. Các HTX quy mô trên 100 lao động có tỷ lệ lãi cao nhất (72,5%), trong khi nhóm dưới 10 lao động có 42,2% hoạt động có lãi.
Bên cạnh việc đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, các HTX còn gián tiếp tác động tích cực đến kinh tế thành viên thông qua tạo công ăn việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu thập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Tại thời điểm 31/12/2023, tổng số thành viên trong các HTX hiện có là 5.853 nghìn thành viên với 5,85 triệu lao động. Một số địa phương có số lao động HTX lớn như: Hà Nội (14,4 nghìn người), thành phố Hồ Chí Minh (14,6 nghìn người), Thái Bình (8,5 nghìn người), phần lớn HTX có quy mô nhỏ, sử dụng dưới 20 lao động.
Tuy nhiên, trong tổng số HTX của thời điểm được nêu trên, chỉ có khoảng 25,83 nghìn HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, giảm 3,8% so với năm 2021. Đây là một chỉ dấu cho thấy sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, thay vì chỉ chú trọng tăng số lượng. Bên cạnh đó, các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Các khó khăn chủ yếu tập trung vào vấn đề: Thiếu vốn và khó tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản thế chấp và không có lịch sử tín dụng minh bạch; năng lực quản trị yếu, hạn chế trong ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý; thiếu liên kết và chuỗi giá trị làm giảm khả năng cạnh tranh của HTX trên thị trường. Ngoài ra, còn một số hạn chế khác về hạ tầng, đất đai, chính sách và cơ chế thực thi hiệu quả và nguồn lực.
Thúc đẩy kinh tế HTX phát triển mạnh cả chất và lượng
Năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 113/2024/NĐ-CP với những quy định chi tiết, làm rõ hơn một số điều của Luật HTX, góp phần đưa Luật đi sâu vào chính sách và thực tiễn; đồng thời thể hiện quyết tâm cao độ trong phát triển kinh tế HTX, qua đó, thúc đẩy KTTT phát triển mạnh hơn nữa. Bên cạnh các chính sách định hướng, hỗ trợ, để thúc đẩy kinh tế HTX tiếp tục phát triển, cần triển khai mạnh mẽ hơn nữa một số giải pháp trọng tâm như:
Một là, củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật bằng cách tăng cường công tác đào tạo cho cán bộ quản lý HTX, hỗ trợ tiếp cận các chương trình chuyển đổi số, quản trị hiện đại; phát triển mạng lưới cố vấn, chuyên gia đồng hành cùng HTX. Cải thiện hạ tầng, đất đai, quy hoạch quỹ đất cho HTX, cho thuê đất dài hạn, giá ưu đãi; đầu tư hạ tầng vùng nguyên liệu, hệ thống bảo quản, chế biến tại chỗ.
Hai là, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị. Hình thành các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa HTX với doanh nghiệp, viện nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị; hỗ trợ HTX xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận sản phẩm.
Ba là, tăng cường hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội tham gia thúc đẩy phát triển KTTT, HTX. Đẩy mạnh các hình thức hợp tác quốc tế trong phát triển HTX với các tổ chức trong và ngoài nước; thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiệm của các nước, vùng lãnh thổ có phong trào HTX phát triển.
Bốn là, đẩy mạnh truyền thông và đổi mới tư duy. Tăng cường tuyên truyền, vận động, quán triệt cho cán bộ, đảng viên và người dân về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của HTX trong điều kiện mới, đặc biệt vai trò của HTX trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Thực hiện các phương pháp tuyên truyền, tập huấn mới sinh động và hiệu quả hơn thông qua đổi mới chương trình, ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với đặc điểm của khu vực HTX.
Bên cạnh đó, để nắm bắt thực trạng phát triển, tình hình hoạt động của các HTX trên cả nước nhằm đưa ra giải pháp thiết thực, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các thành viên HTX hiểu và tham gia đầy đủ vào cuộc Điều tra doanh nghiệp hàng năm do Cục Thống kê tiến hành. Thông tin thống kê từ Điều tra doanh nghiệp giúp phản ánh trung thực quy mô, số lượng và chất lượng HTX ở từng địa phương, từng ngành nghề. Từ đó, đánh giá hiệu quả hoạt động thông qua các chỉ tiêu cụ thể như: Doanh thu, lợi nhuận, lao động, thu nhập, vốn… chỉ ra sự khác biệt giữa các vùng, miền, từ đó nhận diện những nơi cần ưu tiên đầu tư phát triển. Đồng thời, thông tin thống kê là cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, giúp cơ quan quản lý định vị chính xác những tồn tại, bất cập để ban hành chính sách sát thực tế; xây dựng chương trình hỗ trợ HTX có trọng tâm, trọng điểm; phân bổ nguồn lực phù hợp theo vùng, lĩnh vực./.
Từ ngày 01/4/2025, ngành Thống kê tiến hành Điều tra Doanh nghiệp năm 2025 trên cả nước. Điều tra doanh nghiệp năm 2025 thu thập các thông tin về doanh nghiệp, HTX/liên hiệp HTX nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế - xã hội, lập chính sách, kế hoạch phát triển của toàn bộ nền kinh tế và từng địa phương. Đồng thời phục vụ tính chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) năm 2024, các chỉ tiêu thống kê khác thuộc Hệ thống tài khoản quốc gia và các chỉ tiêu thống kê của các chuyên ngành kinh tế.
Cuộc điều tra này cũng giúp ngành Thống kê biên soạn "Sách Trắng Doanh nghiệp năm 2025" và "Sách Trắng HTX năm 2025"; tổng hợp các chỉ tiêu ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản từ các doanh nghiệp có tham gia sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trong phạm vi của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025; cập nhật cơ sở dữ liệu làm dàn mẫu của các cuộc điều tra thống kê về doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác.