TP. Hồ Chí Minh mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn thực phẩm, tập trung vào sữa
Ngày 24/4, Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở vừa ban hành kế hoạch về việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, tập trung vào chuyên đề sữa.

Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh: TP. Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô tiêu dùng lớn, với hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và hàng nghìn sản phẩm dinh dưỡng đang lưu hành. Việc kiểm tra định kỳ, có trọng tâm, trọng điểm như hiện nay được kỳ vọng sẽ góp phần làm trong sạch thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao chất lượng sản phẩm nội địa.
Thông qua kế hoạch lần này, Sở cũng muốn gửi thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng doanh nghiệp: Kinh doanh thực phẩm là lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi trách nhiệm cao và sự tuân thủ nghiêm túc quy định pháp luật. Sự an toàn của người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu.
Theo quy định, các đoàn kiểm tra được thành lập gồm lực lượng thanh tra Sở, đại diện các phòng ban chức năng và chính quyền địa phương. Trong trường hợp cần thiết, đoàn kiểm tra có thể phối hợp với các cơ quan liên quan để xử lý hiệu quả hơn các tình huống phát sinh. Nếu phát hiện hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền, các đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản, xử phạt theo đúng quy định. Với những vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Sở, hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển đến cơ quan chức năng có thẩm quyền để tiếp tục điều tra và xử lý theo pháp luật.
Nội dung kiểm tra bao gồm: Giấy tờ pháp lý, hồ sơ công bố sản phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, nhân sự… Đặc biệt, đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra các nội dung liên quan đến quảng cáo, lĩnh vực đang nóng về sai phạm gần đây.
Trong quá trình kiểm tra, Đoàn sẽ lấy mẫu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Việc lấy mẫu và chỉ định chỉ tiêu kiểm nghiệm do Trưởng đoàn kiểm tra quyết định trên cơ sở căn cứ tình hình thực tế nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại nơi được kiểm tra.
Đợt cao điểm kiểm tra chuyên đề sữa chế biến, sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh không chỉ là hoạt động kiểm soát hành chính, mà còn là động thái thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của chính quyền trong việc xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, bền vững. Trách nhiệm không chỉ thuộc về cơ quan quản lý, mà còn cần sự chung tay của toàn xã hội - từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng - để bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách toàn diện.
Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của đợt kiểm tra nhằm đánh giá thực trạng chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; kịp thời phát hiện - ngăn chặn - xử lý các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế sự cố mất an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh hoạt động kiểm tra, Sở cũng đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng thực phẩm kém chất lượng.
Vừa qua, Bộ Công an triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán sữa bột giả với quy mô lớn, hoạt động từ tháng 8/2021 đến nay. Các đối tượng đã thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất, kinh doanh sữa bột giả. Đến nay, đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, chủ yếu dành cho người mắc bệnh tiểu đường, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai. Các sản phẩm này chỉ đạt dưới 70% chất lượng công bố, nhiều loại hoàn toàn không chứa các thành phần như tổ yến, đông trùng hạ thảo... như quảng cáo. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, thu lợi gần 500 tỉ đồng.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức rà soát, xử lý các sai phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm trên báo chí, trên môi trường mạng, trên các xuất bản phẩm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan rà soát quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm sữa và có biện pháp xử lý phù hợp, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành trong trường hợp cần thiết.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện rà soát, kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm sản phẩm sữa trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo đúng quy định.