TP. Hồ Chí Minh: Nhiều lợi thế phát triển du lịch theo vùng địa lý mới

Thu Dịu - Thanh Thủy

Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đang chuyển hướng từ giai đoạn phục hồi sang tăng tốc phát triển. Cùng với đó, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp du lịch - lữ hành chủ động tái định vị sản phẩm, mở rộng hành lang địa lý nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển bền vững, lấy người dân và du khách làm trung tâm.

Không gian du lịch TP. Hồ Chí Minh được mở rộng sau sáp nhập. Ảnh: SDL
Không gian du lịch TP. Hồ Chí Minh được mở rộng sau sáp nhập. Ảnh: SDL

Lợi thế vượt trội

Với dân số hơn 14 triệu người, Thành phố Hồ Chí Minh mới trở thành thị trường du lịch nội tỉnh lớn nhất cả nước, không chỉ về số lượng mà còn về độ phân hóa nhu cầu. Người lao động trẻ có nhu cầu cao với các sản phẩm ngắn ngày, nghỉ dưỡng cuối tuần, giải trí về đêm…

Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, công tác quản lý Nhà nước về thẩm định, cấp phép hoạt động du lịch đang được triển khai nhằm mở rộng biên độ hút khách trong bối cảnh mới. Trên địa bàn hiện có 3.146 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 134 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao; tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ là 9.237 người (gồm 5.789 hướng dẫn viên quốc tế, 3.372 hướng dẫn viên nội địa và 76 hướng dẫn viên tại điểm).

Ngoài ra, có 1.709 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động lữ hành, trong đó 1.223 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 391 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 76 đại lý lữ hành và 19 văn phòng đại diện nước ngoài.

Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, Thành phố không chỉ là điểm đến nổi bật với các loại hình du lịch đô thị, MICE, văn hóa - ẩm thực, mà còn sở hữu tiềm năng phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch tâm linh (tại khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu cũ), cũng như du lịch công nghiệp, làng nghề, sinh thái (khu vực Bình Dương cũ). Những lợi thế này đang góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của thành phố, mở ra cơ hội xây dựng các tour tuyến liên kết theo chủ đề trải nghiệm đặc sắc vùng Đông Nam Bộ.

TP. Hồ Chí Minh hiện có lợi thế vượt trội về hạ tầng giao thông và dịch vụ như sân bay quốc tế, các tuyến cao tốc liên vùng như TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành… kết nối hiệu quả các không gian đô thị, công nghiệp và ven biển, tạo thành trục hành lang phát triển du lịch theo cung đường chuyên đề.

Hệ thống cảng biển, logistics, giao thông thủy nội địa và các tuyến sông lớn như sông Sài Gòn, Nhà Bè đang mở ra dư địa phát triển du lịch đường sông. Song song đó, với gần 93.000 phòng lưu trú, từ khách sạn cao cấp đến homestay, resort sinh thái, cùng hệ thống trung tâm mua sắm, bệnh viện quốc tế, sân golf, khu giải trí... Thành phố hoàn toàn có khả năng đón tiếp song song khách nội địa quy mô lớn và khách quốc tế cao cấp.

Theo báo cáo phân tích của nền tảng du lịch Agoda, TP. Hồ Chí Minh là lựa chọn hàng đầu của du khách Trung Quốc và nằm trong nhóm 5 điểm đến ưa thích nhất của khách Hàn Quốc. Sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại, cùng lợi thế đô thị lớn đã giúp thành phố giữ vững vị trí trên bản đồ du lịch quốc tế.

Đây được xem là bước ngoặt quan trọng, phản ánh khả năng cạnh tranh ngày càng cao của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch quốc tế, trong đó có TP. Hồ Chí Minh.

Du khách nước ngoài tham quan điểm du lịch Bưu Điện TP. Hồ Chí Minh. 
Du khách nước ngoài tham quan điểm du lịch Bưu Điện TP. Hồ Chí Minh. 

Thời điểm vàng để bứt tốc

Đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chính thức khởi động chuỗi hoạt động kích cầu và giới thiệu sản phẩm du lịch mới, thể hiện rõ định hướng phát triển gắn với văn hóa bản địa và ứng dụng công nghệ sáng tạo. Trong đó, du khách đến Thành phố sẽ được trải nghiệm chuỗi tour ẩm thực hè “Find your flavor - Hành trình khám phá bản sắc ẩm thực Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh”, chương trình nghệ thuật đa giác quan “Tinh hoa tỏa sáng” nhằm tôn vinh 50 năm văn hóa của Thành phố.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Công ty Cổ phần Lữ hành Vietluxtour cho biết, doanh nghiệp đã sớm điều chỉnh kế hoạch kinh doanh ngay từ đầu quý III/2025 nhằm khai thác thị trường mới. Trong thời gian tới, Vietluxtour sẽ ra mắt bộ sản phẩm du lịch Việt Nam mới, vừa mang tính đặc sắc về tuyến điểm, phản ánh dấu ấn văn hóa - lịch sử trong kỷ nguyên phát triển mới. Doanh nghiệp kỳ vọng với sự thích ứng nhanh trước các thay đổi về chính quyền hai cấp, địa lý hành chính và định hướng thị trường, sẽ đạt mức tăng trưởng doanh thu và lượng khách trong 2 quý cuối năm 2025 khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Trần Phương Linh, Giám đốc Tiếp Thị - Công nghệ Thông tin BenThanh Tourist cho biết, công ty đang thúc đẩy các hoạt động tiếp thị sản phẩm tour du lịch hè nhằm hoàn thành sớm kế hoạch kinh doanh tour du lịch hè, tiến tới chuẩn bị các sản phẩm du lịch thu đông 2025.

Đón hè 2025, BenThanh Tourist chuẩn bị gần 300 chương trình du lịch trong nước và quốc tế. Giá các tour du lịch trong nước thấp nhất từ 1,29 triệu đồng và cao nhất 12,99 triệu đồng. Nhóm sản phẩm tour du lịch nước ngoài, giá thấp nhất 5,65 triệu đồng và cao nhất 134,99 triệu đồng.

Theo bà Linh, xu hướng du lịch hè 2025, các tour nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm văn hóa lịch sử đang khá được ưa chuộng. Du lịch nội địa, du khách vẫn có xu hướng lựa chọn ác điểm đến quen thuộc như Đà lạt, Sa Pa, Tam Đảo để tận hưởng không khí mát mẻ, hoặc các khu nghỉ dưỡng biển đảo như Phú Quốc, Nha Trang hay Đà Nẵng.

Du lịch quốc tế, Đông Nam Á giữ lượng khách tương đối ổn định, không có nhiều thay đổi trong vài năm trở lại đây. Tour Đông Bắc Á tiếp tục là lựa hàng đầu nhờ tuyến điểm đa dạng, hấp dẫn, có nhiều điểm đến mới và mức giá hợp lý. Bên cạnh đó, xu hướng du khách lựa chọn tour cao cấp, tour du lịch có giá trị lớn đến các thị trường xa như Nam Âu, Bắc Âu, Úc, Nam Phi cũng đang tăng lên khá rõ rệt, do ưu thế về cảnh quan và sức hấp dẫn trong các trải nghiệm độc đáo, khác biệt.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đón trên 3,85 triệu lượt khách quốc tế, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 45,4% kế hoạch cả năm. Khách du lịch nội địa đạt trên 18,3 triệu lượt, tăng 7% so với cùng kỳ và đạt 40,7% kế hoạch năm 2025. Tổng thu từ du lịch trên địa bàn đạt 117.937 tỷ đồng, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 45,4% mục tiêu năm.