TPP tạo “cú hích” cho thị trường chứng khoán Việt Nam
Nghị định 60 có hiệu lực và việc TPP được ký kết sẽ tác động cộng hưởng lên dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này sẽ hứa hẹn nhiều kỳ vọng bứt phá của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Sức ép mở cửa thị trường
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn khá “trẻ” so với thị trường chứng khoán thế giới, ra đời được 15 năm, hàng hóa trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm giao ngay như: cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ. TPP cũng sẽ đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, đặc biệt là sức ép về mở cửa thị trường.
Các sản phẩm chuyên nghiệp như chứng khoán phái sinh, các loại hình chứng chỉ quỹ đầu tư… chưa phát triển. Nhà đầu tư chủ yếu là nhỏ lẻ, nhận thức nhà đầu tư chưa cao, chủ yếu là giao dịch theo số đông. Quy mô của thị trường chứng khoán hiện chỉ mới đạt trên 30% GDP, thấp hơn khá nhiều so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ này cần được cải thiện mạnh trong thời gian tới để thị trường có thể đủ lớn và tiếp nhận được luồng vốn lớn nếu có do TPP mang lại. Tận dụng được những lợi thế to lớn của TPP như thế nào là bài toán không dễ đối với cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Trước thực tế này, các chuyên gia cho rằng, cần có giải pháp tổng thể để đưa thị trường chứng khoán phát triển ổn định, vững chắc. Trong đó, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm mới ra đời và phát triển; bảo vệ hiệu quả quyền lợi của các nhà đầu tư nhỏ lẻ; tạo thuận lợi cho sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, nâng cao nhận thức của nhà đầu tư Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng cường năng lực của các doanh nghiệp niêm yết trước sức ép cạnh tranh của tiến trình tự do hóa…
Trước sức ép mở cửa thị trường để hội nhập sâu rộng về tài chính kinh tế, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 60 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, với bước đột phá là nới lỏng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp niêm yết, nhiều doanh nghiệp được nới đến 100%. Các chuyên gia cho rằng, Nghị định 60 có hiệu lực và việc TPP được ký kết sẽ tác động cộng hưởng lên dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Các ngành công nghiệp được hưởng lợi từ TPP sẽ thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư nước ngoài rót vốn thông qua hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc mua các mã chứng khoán của doanh nghiệp này trên thị trường chứng khoán. Các quỹ ETF được kỳ vọng sẽ phát triển ổn định hứa hẹn làn sóng đầu tư mới của khối ngoại vào thị trường chứng khoán nước ta trong thời gian tới, từ đó có thể đóng vai trò dẫn dắt, định hướng đầu tư cho toàn thị trường.
Hiệu ứng TPP đối với thị trường chứng khoán
Theo giới phân tích đều nhận định, về ngắn hạn TPP là một chất xúc tác cực mạnh châm ngòi cho thị trường bùng nổ, tạo lực hút dòng tiền lớn vào thị trường. Còn về dài hạn, các nhà đầu tư kỳ vọng TPP sẽ có sức lan tỏa sâu rộng đến tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. TPP được coi như chất “xúc tác’’ để các nhà đầu tư ngoại nhắm vào thị trường đầy sức hấp dẫn
Có thể thấy, ngay sau khi thông tin kết thúc đàm phán TPP được công bố, thị trường chứng khoán nước ta đã có thay đổi tích cực. Trong tuần cuối cùng của quá trình đàm phán TPP, VN-Index tăng 24,5 điểm, đạt mốc 588,02 điểm. Khối lượng giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 208 triệu cổ phiếu/ngày, tăng gấp gần 2 lần so với tuần trước. Giá trị giao dịch bình quân cũng tăng gấp gần 2 lần, có phiên đạt 3.700 tỷ đồng. Riêng tại Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh, trong phiên ngày 8.10, khối ngoại đã mua ròng gần 800 tỷ đồng, dù trước đó chỉ liên tục bán ròng. Kết quả này cho thấy tín hiệu sôi động trở lại của thị trường sau một thời gian dài kém thanh khoản.
Thông tin kết thúc đàm phán TPP cũng khiến các mã ngành như dệt may, thủy sản, khu công nghiệp, phân phối ô tô… trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư và bật tăng mạnh mẽ. Mặc dù vốn hóa của các doanh nghiệp hưởng lợi từ TPP chiếm tỷ trọng không lớn, nhưng thông tin này là chất xúc tác khá mạnh cho sự bùng nổ của thị trường chứng khoán thời gian qua. Tất nhiên, những tác động vừa qua chỉ là hiệu ứng tâm lý, có tính chất ngắn hạn.
Về lâu dài, với đặc tính là phong vũ biểu của nền kinh tế, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh rõ nét những tác động của TPP đối với kinh tế của nước ta. Khi Hiệp định TPP có hiệu lực, dựa trên nền tảng là thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nói chung, và doanh nghiệp niêm yết nói riêng, hàng hóa giao dịch trên thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện đáng kể về chất lượng, không chỉ là chứng khoán của các ngành được hưởng lợi trực tiếp từ TPP. Mã cổ phiếu của nhiều ngành khác cũng sẽ được hỗ trợ và cùng phát triển, kéo theo đó là sự phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm chuyên nghiệp khác như chứng khoán phái sinh, chứng khoán cơ cấu...
Nói về tác động dài hạn, ông Minh cho rằng TPP sẽ giống như một "món ngon" khi mà những mã cổ phiếu được được hưởng lợi trực tiếp: TCM, TNG, TTF… sẽ được nhà đầu tư săn đón. TPP còn có tác động lan tỏa tới toàn thị trường dựa trên nền tảng sự phát triển của doanh nghiệp. GDP Việt Nam được đánh giá có thể tăng 10% vào năm 2020, TPP tạo ra thị trường, tạo ra nguồn cầu sản phẩm và kéo theo công nghiệp hỗ trợ các ngành hưởng lợi cùng phát triển.
Đặc biệt, chuyên gia này cho rằng TPP kết hợp với Nghị định 60 có hiệu lực sẽ dọn đường cho dòng vốn ngoại chảy vào thị trường cả về trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, dòng vốn ngoại mới sẽ chảy mạnh vào các doanh nghiệp dệt may, da giày, thủy sản, kho vận, khu công nghiệp… qua hình thức rót vốn vào doanh nghiệp đầu tư đón sóng hội nhập hoặc mua các mã cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Các quỹ ETF trước đó do chứng khoán toàn cầu đi xuống, bán ròng liên tục thì nay giá chứng chỉ quỹ đã ổn định trở lại hứa hẹn cho một cuộc đổ bộ mới của khối ngoại vào chứng khoán Việt Nam.
Trong khi đó ông Phạm Văn Toàn, Trưởng phòng môi giới Công ty Chứng khoán SHS cẩn trọng hơn, khi cho rằng dòng vốn ngoại có chảy mạnh vào chứng khoán hay không không chỉ phụ thuộc vào TPP mà còn phụ thuộc vào điều hành tiền tệ Việt Nam cũng như độ mở với từng ngành nghề của Nghị định 60, mức độ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa cùng những biến động không lường trước được của thế giới. Tuy nhiên, ông Toàn cũng thừa nhận TPP là một nhân tố tích cực giúp vốn ngoại có một cái cớ thực hơn để tăng tốc vào Việt Nam dẫn dắt thị trường giai đoạn cuối năm 2015.
Nhiều nhóm ngành được hưởng lợi
Với ngành dệt may, các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng dệt may và da giày sang các nước trong TPP, chiếm 31% tổng giá trị. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào thị trường Nhật Bản.
Sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020, dựa trên dự báo của World Bank. Cũng theo dự báo của tổ chức này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành có thể ở mức 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD đến năm 2020.
Tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số DN dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các DN nước ngoài để gia công. Ngay cả khi TPP có hiệu lực và các DN dệt may đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng, thì mức độ ảnh hưởng của nhóm DN đang niêm yết này lên TTCK là không đáng kể. Vốn hóa của các cổ phiếu dệt may khoảng 4.281 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,36% tổng vốn hóa thị trường tính đến hết tháng 6/2015.
Khối lượng giao dịch bình quân của các mã cổ phiếu ngành dệt may khoảng 52,7 tỷ đồng/ngày, khá thấp so với khối lượng giao dịch bình quân của sàn HOSE (1.844 tỷ đồng/ngày) và HNX (754 tỷ đồng/ngày). Các DN ngành dệt may đang niêm yết có triển vọng được hưởng lợi từ TPP gồm: TCM, GMC, TNG.
Ngành thủy sản, tại thị trường Nhật Bản, các DN xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu được giảm về 0% so với mức trung bình 6,4-7,2% hiện tại. Tại thị trường Mỹ, TPP sẽ không tác động lớn đến các DN thủy sản của Việt Nam, do các DN vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao. Với mức thuế 0,97 USD/kg, các DN cá tra của Việt Nam hầu như không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ do không đủ bù đắp các chi phí nhiên liệu, nhân công… Các DN thủy sản niêm yết được hưởng lợi mà NĐT cần quan tâm gồm: FMC, VHC.
Ngành gỗ, Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 6 trên thế giới và đứng đầu ASEAN. Các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (37%), Nhật Bản (16%), Trung Quốc (12%), châu Âu (12%). Năm 2014, xuất khẩu gỗ đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng tại 2 thị trường Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 12,5% và 18%.
Giống như các DN dệt may, thách thức lớn đối với các DN gỗ là nguồn nguyên liệu, khi hơn 80% nguyên liệu đều đang phải nhập khẩu, trong khi đó yêu cầu để được ưu đãi về thuế là tỷ lệ nội địa hóa phải đáp ứng từ 55% tổng giá trị trở lên; DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ nước ngoài. Các DN ngành gỗ niêm yết NĐT nên quan tâm là GDT, TTF.
Khu công nghiệp, xu hướng dịch chuyển nguồn vốn FDI để đón đầu các hiệp định thương mại từ các nước trong khu vực vào Việt Nam dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Các khu công nghiệp nằm gần cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng phát triển, chính sách ưu đãi… sẽ thu hút được các NĐT nước ngoài. Trong số 5 DN khu công nghiệp đang niêm yết là: KBC, ITA, LHG, SZL và D2D thì NĐT nên quan tâm đến KBC và LHG.
Phân phối ô tô, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản và Mỹ chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam. Năm 2014, lượng xe nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh, lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật Bản. DN niêm yết mà NĐT nên quan tâm là SVC.
Ngành cảng biển, logistic sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao giữa khu vực châu Á và Bắc Mỹ khi TPP được áp dụng. Các DN niêm yết NĐT nên lưu ý là VSC, CLL.