Tranh cãi thương mại giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc leo thang: Nguy cơ kích hoạt một “cuộc chiến”


Tranh cãi thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc có dấu hiệu leo thang khi Bắc Kinh quyết định áp thuế chống bán phá giá lên tới 34,9% trong thời hạn 5 năm đối với các nhà sản xuất rượu mạnh hàng đầu của châu Âu kể từ ngày 5-7.

Nhiều mặt hàng rượu mạnh từ EU sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế của Trung Quốc. Ảnh: CN.
Nhiều mặt hàng rượu mạnh từ EU sẽ bị ảnh hưởng bởi mức thuế của Trung Quốc. Ảnh: CN.

Nhiều nhà quan sát lo ngại các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa hai bên có nguy cơ trở thành một “cuộc chiến” mở rộng sang các mặt hàng khác như xe hơi hạng sang, dệt may, điện tử gia dụng...

Việc ban hành thuế chống bán phá giá đối với rượu mạnh là kết quả của cuộc điều tra mà Trung Quốc tiến hành vào năm ngoái, sau khi EU tiến hành điều tra về trợ cấp xe điện xuất khẩu từ quốc gia này. Một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, cuộc điều tra phát hiện ra rằng, rượu mạnh nhập khẩu từ EU có liên quan đến hành vi bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp rượu mạnh trong nước.

Dù mức thuế quan cao được áp nhắm vào rượu mạnh nhập khẩu của EU nhưng lại miễn trừ những “gã khổng lồ” như Martell của Tập đoàn Pernod Ricard, Louis XIII của Rémy Cointreau và Hennessy của LVMH (MC.PA), với điều kiện các hãng này tuân thủ cam kết về giá nhập khẩu tối thiểu (MIP). Sự miễn trừ này được cho là nằm trong tính toán của Trung Quốc nhằm duy trì doanh số bán hàng xa xỉ có biên độ lợi nhuận cao, trong khi bảo vệ các thương hiệu tầm trung trong nước khỏi các đối thủ cạnh tranh.

Hiện tại, Trung Quốc là thị trường lớn của rượu Cognac từ Pháp, với kim ngạch đạt 1,4 tỷ euro (1,6 tỷ USD) mỗi năm. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, biện pháp chống bán phá giá đang khiến ngành công nghiệp này của châu Âu thiệt hại 50 triệu euro mỗi tháng. Bên cạnh rượu mạnh, Trung Quốc cũng đã tiến hành điều tra thịt lợn và các sản phẩm từ sữa của EU.

Phản ứng trước quyết định của Trung Quốc, Người phát ngôn phụ trách vấn đề thương mại của Ủy ban châu Âu Olof Gill cho rằng, những biện pháp áp thuế nói trên không phù hợp với các quy định quốc tế hiện hành, do đó không có căn cứ. EU sẽ đánh giá các bước đi tiếp theo nhằm bảo vệ tốt hơn các lợi ích kinh tế của liên minh. Người đứng đầu Cơ quan liên ngành quốc gia về Cognac của Pháp (BNIC) cho rằng, nước này và EU cần hướng tới một thỏa thuận thương mại rộng hơn với Trung Quốc trong thời gian tới.

Nhiều nhận định cho rằng, việc Bắc Kinh áp mức thuế cao đối với rượu mạnh từ EU là bước đi đã được dự đoán sau khi Brussels tăng thuế lên 38% đối với các hãng sản xuất xe điện của Trung Quốc vào tháng 7-2024 và sau đó tiếp tục nâng đến 45,3%, kéo dài trong vòng 5 năm.

Theo giới phân tích, sở dĩ căng thẳng hai bên liên tục leo thang là do tình trạng thâm hụt thương mại song phương kéo dài. Năm 2024, EU nhập khẩu 517,8 tỷ euro hàng hóa từ Trung Quốc, trong khi chỉ xuất khẩu được 213,3 tỷ euro. EU muốn thu hẹp khoảng cách thâm hụt lên tới hơn 300 tỷ euro này.

Những năm gần đây, châu Âu cáo buộc Trung Quốc đã chi ra hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất công nghiệp và gây ra tình trạng dư thừa công suất, dẫn đến làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn ngập thị trường toàn cầu. Theo thống kê, nhập khẩu xe điện Trung Quốc vào châu Âu từ năm 2021 đến năm 2023 tăng hơn gấp đôi số lượng, lên hơn 430.000 xe mỗi năm.

Giữa tháng 6 vừa qua, EU đã cấm các công ty Trung Quốc tham gia đấu thầu hợp đồng mua sắm thiết bị y tế từ 5 triệu euro trở lên của khối này. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) mở cuộc điều tra đối với các hợp đồng mua sắm thiết bị y tế công của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng EU đang thực hiện chủ nghĩa bảo hộ thương mại.

Dư luận quốc tế lo ngại các biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa hai bên có nguy cơ khiến căng thẳng thương mại leo thang, trở thành một “cuộc chiến” mở rộng sang các loại hàng hóa khác như xe hơi hạng sang, dệt may, điện tử gia dụng và nhiều sản phẩm khác. Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế cho cả đôi bên, mà còn là cú đánh mạnh vào nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine, tình hình Trung Đông. Người tiêu dùng phải trả giá đắt, doanh nghiệp mất thị trường, chuyển đổi xanh bị trì hoãn và hợp tác quốc tế thêm rạn nứt.

Theo Hanoimoi.vn