Truyền thông và giảm nghèo về thông tin đạt nhiều kết quả quan trọng

Thanh Tú

“Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” là 1 trong 7 Dự án thuộc duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Sau 3 năm thực hiện Dự án, trên phạm vi toàn quốc, người dân đã được nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và góp phần thiết thực thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.

Các tiểu dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo.
Các tiểu dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022. Trong đó, Dự án số 6 “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” có 02 tiểu dự án là giảm nghèo về thông tin và truyền thông về giảm nghèo đa chiều.

Trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai thực hiện Dự án. Báo cáo Tổng kết thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 mới công bố gần đây của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 cho thấy các kết quả tích cực từ Dự án so với các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, đối với Tiểu dự án 1 “Giảm nghèo về thông tin”, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện tăng cường nội dung thông tin thiết yếu cho xã hội theo quy định: 8.173 chương trình phát thanh, 1.878 chương trình truyền hình; xây dựng, phát triển nền tảng công nghệ cung cấp xuất bản phẩm, báo điện tử; phát hành hơn 3.980 đầu báo in; đăng tải hơn 66.160 bài/tin/ảnh, 34.730 file điện tử, 8.372 sản phẩm truyền thông và hơn 3.198 sản phẩm truyền thông khác để đăng tải trên mạng internet, mạng xã hội và báo điện tử. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất mới hơn 309 xuất bản phẩm có nội dung thiết yếu, ý nghĩa lâu dài (bao gồm xuất bản phẩm điện tử); lựa chọn 36 xuất bản phẩm có nội dung thiết yếu, đặc sắc, có ý nghĩa lâu dài để xuất bản dưới hình thức xuất bản phẩm điện tử; lựa chọn, biên tập 2.378 sản phẩm báo chí có nội dung thiết yếu, có ý nghĩa lâu dài.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng đã tổ chức hơn 884 lớp/hội nghị đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho hơn 97.714 người làm công tác thông tin và truyền thông cơ sở; Đánh giá tác động, hiệu quả thực hiện cho thấy, hạ tầng thông tin cơ sở từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông góp phần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin.

Trong khi đó, Tiểu dự án 2 “Truyền thông về giảm nghèo đa chiều cũng ghi nhận các kết quả tích cực như: Tổ chức 44 hội thi, 423 chương trình, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; 3.574 chương trình, lớp tập huấn, hội nghị, đối thoại với 285.008 lượt người tham dự; 21.703 băng rôn, pano; 12.805 phóng sự, tin bài trên truyền hình và 18.913 bản tin truyền thanh; 4.456.455 tờ rơi, tài liệu tuyên truyền; 99.257 sản phẩm truyền thông trên báo, tạp chí và các sản phẩm truyền thông khác; giới thiệu 3.259 gương điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo khơi dậy ý chí, khát vọng tự lực vươn lên của người dân, nhân rộng những tấm gương điển hình, những mô hình tốt, cách làm hay trong lĩnh vực giảm nghèo.

Bên cạnh đó, đã phát hành ấn phẩm điện tử, cẩm nang về cơ chế chính sách và hỏi đáp về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Ban hành Sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn tổ chức thực hiện dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ban hành sổ tay hướng dẫn cán bộ làm công tác hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tác động, hiệu quả triển khai các nội dung thuộc tiểu dự án này cho thấy, tiểu dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo; khởi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý…