Việt Nam đặt con người làm trọng tâm trong mọi chính sách ứng phó với thiên tai
Hỗ trợ nhà ở, giúp người dân phát triển sinh kế bền vững... là những hành động thiết thực của Việt Nam khi đặt con người làm trọng tâm trong mọi chính sách ứng phó với thiên tai.

Có vị trí địa lý và đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai. Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 4 tháng đầu năm 2025, thiên tai làm 15 người chết và mất tích, 15 người bị thương; 11,5 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 1.020 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hư hại; tổng giá trị thiệt hại về tài sản ước tính 152,3 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2024
Để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Việt Nam luôn đặt con người làm trọng tâm trong mọi chính sách. Các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện nhiều giải pháp để ổn định sản xuất và đời sống người dân. Đặc biệt, các địa phương đang tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Đến nay, qua Chương trình cả nước đã xóa được gần 209.000 căn, trong đó: khánh thành và bàn giao 111.000 căn nhà; khởi công 98.000 căna, Điều này cho thấy, đã có 111.000 căn nhà kiên cố để người dân được đảm bảo sinh kế và sinh sống an toàn trước thiên tai. Chương trình đặt mục tiêu đến ngày 31/10/2025 hoàn thành xóa 61.800 căn nhà tạm, nhà dột nát nhà tạm, nhà dột nát.
Bên cạnh đó, nhiều hoạt động huy động đa dạng các nguồn lực tài chính khác nhau cũng được tích cực thực hiện để hỗ trợ thiết thực và kịp thời cho người dân chịu ảnh hưởng của thiên tai. Đơn cử gói viện trợ trị giá 2 triệu USD của ngân hàng Phát triển Châu Á hỗ trợ cho 67 hộ dân ở Yên Bái. Hay, Chính phủ Hàn Quốc với gói viện trợ khẩn cấp trị giá 1 triệu USD tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng... để giúp các hộ dân xây dựng nhà ở, giám sát xây mới nhà ở; hỗ trợ xây dựng 9 công trình gồm: Đường làng, cầu... và trường học tại các địa phương; hỗ trợ 15 hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ tăng cường năng lực sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế cộng đồng bền vững...
Chủ động ứng phó thiên tai hướng tới đảm bảo an toàn, sinh kế của người dân, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh các quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng cơ sở hạ tầng... Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đạt mục tiêu kế hoạch đặt ra.
Đồng thời, các đơn vị liên quan thực hiện tốt các giải pháp như: Di dời, sắp xếp người dân vùng có nguy cơ cao thiên tai tới nơi an toàn; điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở các vùng, các địa phương theo hướng thuận thiên; tiếp tục tăng cường nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Hướng dẫn cộng đồng kỹ năng ứng phó phù hợp với các loại hình thiên tai theo từng địa phương, khu vực; tiếp tục thúc đẩy sâu rộng hợp tác quốc tế và ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai...
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới, chục năm trở lại đây, những hiện tượng thời tiết cực đoan đã xuất hiện với tần suất ngày càng cao và gay gắt hơn ở nhiều nơi trên thế giới. Tốc độ gia tăng dân số, tình trạng đô thị hóa nhanh, môi trường suy thoái và đặc biệt là biến đổi khí hậu... là những nguyên nhân chính khiến các đợt nắng nóng, hạn hán, những trận mưa lớn, lũ lụ và các cơn bão nhiệt đới xuất hiện thường xuyên, khó lường, gây ra những tổn thất nghiêm trọng.