Việt Nam định hình lại vị thế công nghệ và mở rộng thị trường tiềm năng 

Đức Mỹ

Trước những thách thức lớn từ mức thuế suất mới của Mỹ đã đánh dấu bước ngoặt và tạo động lực mạnh mẽ cho ngành công nghệ Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ quốc gia, mở rộng các thị trường tiềm năng và từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngày càng nhiều DN Việt chuyển sang mô hình sản xuất thông minh, ứng dụng tự động hóa với các công nghệ như robot, cảm biến Internet vạn vật và phân tích dữ liệu để sản xuất nhanh và chính xác hơn.
Ngày càng nhiều DN Việt chuyển sang mô hình sản xuất thông minh, ứng dụng tự động hóa với các công nghệ như robot, cảm biến Internet vạn vật và phân tích dữ liệu để sản xuất nhanh và chính xác hơn.

Biến áp lực thành động lực

Theo phân tích của TS. James Kang, Giảng viên cấp cao ngành Khoa học máy tính, Khoa Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ (Đại học RMIT Việt Nam), kể từ khi Chính phủ Mỹ công bố kế hoạch áp thuế 46% đối với một số mặt hàng công nghệ chủ lực của Việt Nam (dù hiện đang tạm hoãn 90 ngày để đàm phán thương mại), toàn ngành công nghệ Việt Nam đang đối mặt với thử thách rất lớn.

Việt Nam đang từng bước xây dựng vị thế vững chắc trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn. Ảnh RMIT 
Việt Nam đang từng bước xây dựng vị thế vững chắc trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn. Ảnh RMIT 

Đặc biệt, với một quốc gia như Việt Nam đang từng bước xây dựng vị thế vững chắc trong lĩnh vực điện tử và bán dẫn thì việc tăng chi phí đột ngột này là một “cú sốc” lớn. Dù phần nào dự đoán được trước (do Việt Nam hiện là đối tác có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico), song vẫn là một thách thức nghiêm trọng đối với lĩnh vực này.

Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ trong nước đang nhanh chóng thích ứng bằng cách chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ thông minh, đầu tư vào phần mềm và dịch vụ số; đồng thời, tìm kiếm thị trường mới ngoài các kênh truyền thống để giảm thiểu tác động tiêu cực.

TS. James Kang nhìn nhận, nhiều năm qua, Việt Nam đã hưởng lợi từ những biến động thương mại toàn cầu, đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng lần này, chính Việt Nam lại là đối tượng chịu áp lực. Các mức thuế mới khiến những sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam như điện thoại và chip bán dẫn, bao gồm cả chip của Intel, trở nên kém cạnh tranh hơn tại Mỹ, một trong những thị trường lớn nhất.

Dẫu vậy, TS. James Kang cũng cho rằng, thách thức này có thể trở thành bước ngoặt. Thay vì chờ đợi gió đổi chiều, nhiều DN Việt đã chủ động hành động. Việt Nam cam kết siết chặt dòng hàng hóa Trung Quốc "đội lốt xuất xứ" qua lãnh thổ, một bước đi mang tính chiến lược nhằm giảm căng thẳng thương mại và thể hiện thiện chí với các chính sách của Chính phủ Mỹ.

Chuyển mình từ công xưởng thành trung tâm sản xuất thông minh 

Khi chi phí lao động tăng cao và môi trường thương mại ngày càng khó lường, các DN công nghệ Việt Nam đang đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa. Đây không chỉ là những công nghệ mang tính xu hướng, mà còn là giải pháp thực tiễn.

Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu đang tái định hình lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Ảnh RMIT
Tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và công nghệ dữ liệu đang tái định hình lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Ảnh RMIT
 

Nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ trong nước đang nhanh chóng thích ứng bằng cách chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ thông minh, đầu tư vào phần mềm và dịch vụ số; đồng thời, tìm kiếm thị trường mới ngoài các kênh truyền thống để giảm thiểu tác động tiêu cực.

Điển hình, Tập đoàn công nghệ FPT đã đầu tư 174 triệu USD xây dựng trung tâm AI và tiếp tục rót thêm 200 triệu USD vào một cơ sở sản xuất công nghệ cao. Trọng tâm bao gồm phát triển phần mềm, an ninh mạng và AI tạo sinh thế hệ mới.

Bên cạnh đó, hiện nay, ngày càng nhiều DN trong nước chuyển sang mô hình sản xuất thông minh, ứng dụng tự động hóa với các công nghệ như robot, cảm biến Internet vạn vật và phân tích dữ liệu để sản xuất nhanh và chính xác hơn.

Một số công ty còn cung cấp dịch vụ chuyển đổi số để hỗ trợ các DN khác hiện đại hóa vận hành. Với các công cụ như Internet vạn vật, nhà máy có thể giám sát tiêu thụ điện năng, phát hiện lỗi theo thời gian thực và điều khiển máy móc từ xa. Những công nghệ này đang giúp Việt Nam từng bước vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Để mang lại hiệu quả, chuyên gia cũng khuyến nghị, DN cần đầu tư đào tạo nhân lực, nâng cấp công nghệ và thay đổi tư duy. Đây cũng là lựa chọn duy nhất để phát triển. Xu thế công nghệ tiếp theo của Việt Nam chính là các dịch vụ số. Những sản phẩm như điện toán đám mây, phần mềm dạng dịch vụ (SaaS) và ứng dụng di động không chịu tác động từ thuế quan như hàng hóa vật lý.

Mở rộng thị trường tiềm năng

Trong bối cảnh quan hệ thương mại với Mỹ ngày càng bất ổn, Việt Nam đang tìm hiểu những hướng xuất khẩu mới. Các hiệp định như CPTPP, EVFTA và RCEP đã mở rộng cánh cửa tới các thị trường như Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu và các nước láng giềng trong khu vực châu Á. Những thỏa thuận này giúp Việt Nam phân tán rủi ro, tránh phụ thuộc vào một thị trường duy nhất. Với các DN công nghệ, điều này đồng nghĩa với sự ổn định cao hơn và cơ hội tăng trưởng bền vững hơn.

Các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA đang mở ra những cơ hội mới để ngành công nghệ Việt Nam đa dạng hóa thị trường ngoài Mỹ. Ảnh RMIT
Các hiệp định thương mại như CPTPP và EVFTA đang mở ra những cơ hội mới để ngành công nghệ Việt Nam đa dạng hóa thị trường ngoài Mỹ. Ảnh RMIT

Bên cạnh việc đa dạng hóa thương mại, Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân đang thúc đẩy đổi mới sáng tạo sâu hơn. Các sáng kiến như Hội nghị quốc tế về Trí tuệ nhân tạo và Bán dẫn 2025 (AISC 2025) đặt mục tiêu tăng tốc nghiên cứu trong lĩnh vực AI và công nghệ bán dẫn, đây là hai trụ cột then chốt để Việt Nam duy trì năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi có thời gian, con người và vốn.

Thực tế cho thấy, bức tranh thị trường công nghệ Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng, các DN cần vượt qua mô hình sản xuất cơ bản và đầu tư vào những công cụ thông minh hơn như AI và tự động hóa.

Để quá trình này đạt kết quả cao, TS. James Kang cho rằng, Chính phủ Việt Nam đóng vai trò then chốt trong việc tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu giúp các DN mở rộng quy mô. Trường học và các trường đại học phải trang bị cho các bạn trẻ kỹ năng số để họ sẵn sàng cho những công việc của tương lai. Đối với các nhà đầu tư, thông điệp đã rất rõ: DN khởi nghiệp và các dịch vụ kỹ thuật số Việt Nam có tiềm năng thực sự để vươn ra toàn cầu.

Tuy nhiên, với mức lương tăng nhanh có thể khiến Việt Nam đánh mất lợi thế cạnh tranh về chi phí lao động thấp. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa thực sự xác lập được vị thế trong lĩnh vực công nghệ cao, khiến nền kinh tế ở vào thế dễ bị ảnh hưởng.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường lớn như Mỹ càng làm gia tăng nguy cơ bị tác động bởi những biến động bên ngoài. Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang tăng tốc, Việt Nam cũng cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nếu muốn duy trì vị thế cạnh tranh quốc gia trong khu vực và thế giới. 

Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia phát triển thành công trong lĩnh vực này như Hàn Quốc, Singarore, Ấn Độ… Đồng thời, tăng cường năng lực nội tại, áp dụng các công cụ thông minh và theo đuổi một chiến lược rõ ràng. Từ đó, Việt Nam có cơ hội định hình tương lai và dẫn đầu khu vực trong làn sóng tăng trưởng công nghệ tiếp theo.