Ba tuần tăng liên tiếp, chứng khoán trở lại cuộc đua đỉnh cũ
Bắt đầu quý III với thanh khoản bùng nổ và dòng tiền trở lại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang cho thấy sức bật mạnh mẽ. Trong bối cảnh kỳ vọng thương mại được cải thiện từ tín hiệu đối ngoại tích cực, chỉ số VN-Index áp sát vùng đỉnh ba năm – mở ra triển vọng mới cho chiến lược đầu tư nửa cuối năm.

Tuần qua, vĩ mô thuận lợi, thanh khoản bùng nổ
Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 7 đánh dấu nhịp tăng thứ ba liên tiếp của VN-Index, với những chỉ báo kỹ thuật tích cực và tâm lý thị trường dần ổn định. Theo đánh giá của SHS Research, điểm nhấn nổi bật trong tuần qua không chỉ nằm ở thanh khoản cải thiện, mà còn ở bối cảnh vĩ mô thuận lợi và những kỳ vọng mới về chính sách thương mại song phương. Trong khi dòng tiền nội có xu hướng quay trở lại mạnh mẽ, hoạt động mua ròng của khối ngoại được xem là yếu tố then chốt củng cố đà tăng của thị trường.
Kết tuần, chỉ số VN-Index tăng 1,13%, lên 1.386,97 điểm – tiến sát vùng đỉnh thiết lập từ tháng 7/2021. VN30 tăng 0,87%, đạt 1.488,77 điểm, tiến gần mốc 1.500 điểm – đỉnh lịch sử ghi nhận tháng 3/2022. HNX-Index tăng 0,68%, lên 232,51 điểm. Tính chung cả tuần, VN-Index cộng thêm 15,53 điểm, HNX-Index tăng 4,7 điểm – tương ứng 2,06%.
Phiên giao dịch ngày 3/07 tạo dấu ấn đặc biệt khi giá trị khớp lệnh trên HOSE vượt 30.000 tỷ đồng, khối lượng đạt hơn 1,3 tỷ cổ phiếu. Đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm, phản ánh sự chủ động rõ rệt của dòng tiền trong nước. Đáng chú ý, luồng tiền không còn tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, mà có sự lan tỏa theo ngành và theo nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng. Trong tuần, khối ngoại mua ròng mạnh trở lại với tổng giá trị hơn 5.200 tỷ đồng – riêng trên HOSE đạt 5.167 tỷ đồng – ghi nhận một trong những tuần mua ròng tích cực nhất kể từ đầu năm.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2507 tăng 0,84%, đóng cửa ở 1.472,2 điểm – vượt đỉnh gần nhất nhưng vẫn thấp hơn VN30 tới 16,57 điểm. Các hợp đồng xa như VN30F2509 và VN30F2512 tiếp tục ghi nhận mức chiết khấu sâu, lần lượt -22,47 và -27,77 điểm. Theo SHS Research, dù thanh khoản thị trường phái sinh giảm gần 15% so với tuần trước, khối lượng mở (OI) lại tăng lên 58.016 hợp đồng từ 52.093 – phản ánh tâm lý tích cực ở nhịp ngắn hạn, với xu hướng nắm giữ vị thế tăng.
Luân chuyển dòng tiền – Lộ diện những nhóm ngành được ưu tiên
Tuần qua, dòng tiền quay trở lại không theo cách dàn trải, mà chọn lọc vào các nhóm ngành có triển vọng tăng trưởng rõ ràng trong nửa cuối năm. Theo thống kê của SHS Research, các mã cổ phiếu thuộc ngành công nghệ thông tin dẫn đầu với mức tăng 3,68%, nổi bật với FPT (+3,81%), CMG (+1,35%), ITD (+2,6%) và POT tăng trần. Nhóm viễn thông theo sau với VGI, FOX, CTR, SGT và TTN đều tăng trên 1%, cho thấy sự quan tâm trở lại với các doanh nghiệp số hóa hạ tầng.
Ngành Tài chính – ngân hàng tiếp tục là trụ cột giữ nhịp tăng của chỉ số. Các mã như VIX (+2,83%), ACB (+2,1%), HCM (+1,29%), VCB (+0,86%), SSB (+1,09%), NAB (+1,18%) và NVB tăng trần không chỉ đóng góp về điểm số, mà còn củng cố niềm tin về sức bền thị trường. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất ổn định và tín dụng dần phục hồi, nhóm này được xem là chỉ báo sớm cho chu kỳ tăng trưởng mới.

Tuy vậy, bất động sản vẫn thể hiện sự phân hóa rõ nét. VIC (-2,75%), VHM (-0,39%) và SSH (-1,01%) điều chỉnh, phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư tổ chức. Nhưng mặt khác, nhiều mã mid-cap trong ngành lại duy trì được đà phục hồi như NVL (+2,01%), DXG (+1,18%), DIG (+3,4%), CEO (+2,86%), PDR (+2,8%), KDH (+1,19%) và LDG tăng trần – phản ánh kỳ vọng chọn lọc theo dòng vốn nội và dự báo phục hồi phân khúc nhà ở vừa túi tiền.
Một điểm đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản và nông nghiệp, sau khi xuất hiện tín hiệu tích cực từ phía Mỹ về chính sách thuế. Trong tuần, các mã như VHC, FMC, ANV đều ghi nhận nhịp hồi phục, được hỗ trợ bởi kỳ vọng tăng trưởng đơn hàng ở các thị trường chủ lực.
Mốc tâm lý và chiến lược phù hợp
Số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ. Riêng thị trường Mỹ đóng góp 891 triệu USD (+16%), trong đó phần lớn đến từ các đơn hàng gấp rút trước ngày 9/7 – thời điểm chính sách thuế mới dự kiến có hiệu lực. Điều này tạo ra kỳ vọng sự tăng trưởng của ngành này hoàn toàn có thể kéo dài sang quý III và IV.
Từ góc nhìn chiến lược, SHS Research đánh giá ngưỡng 1.400 điểm hiện tại không chỉ là vùng kháng cự kỹ thuật, mà còn là mốc tâm lý nhạy cảm. Nhà đầu tư cần hạn chế tâm lý hưng phấn thái quá và ưu tiên cơ cấu danh mục theo hướng bền vững. Chiến lược hợp lý là giữ tỷ trọng vừa phải, ưu tiên cổ phiếu cơ bản, định giá hợp lý và được hưởng lợi từ chu kỳ phục hồi.