Chứng khoán Việt Nam trên đường "vượt vũ môn”: Nội lực, cải cách và cơ hội ngành dẫn sóng

Mai Thư

Việt Nam đang ở đúng thời và thế để bứt phá, với thị trường chứng khoán giữ vai trò then chốt trên hành trình “vượt vũ môn”. Sức mạnh nội tại của nền kinh tế, quyết tâm cải cách thể chế và kỳ vọng nâng hạng đang củng cố niềm tin vào khả năng hóa rồng. Phóng viên Tạp chí Kinh tế – Tài chính đã phỏng vấn ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty chứng khoán VNDIRECT, để làm rõ các động lực dẫn dắt thị trường và gợi mở chiến lược đầu tư hiệu quả cho nửa cuối năm 2025.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIREC
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIREC

Phóng viên: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất định, ông đánh giá như thế nào về vai trò của nội lực kinh tế và đầu tư công trong việc giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giữ vững quỹ đạo tăng trưởng và sẵn sàng “vượt vũ môn”?

Ông Đinh Quang Hinh: Chúng tôi cho rằng, trong một thế giới ngày càng khó đoán định, chính sức bật nội tại sẽ đóng vai trò then chốt giúp Việt Nam giữ vững đà tăng trưởng và ổn định thị trường tài chính.

Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2025 ước đạt 7,3% – mức cao trong khu vực – phản ánh khả năng chống chịu tốt của nền kinh tế, được hỗ trợ bởi sản xuất công nghiệp duy trì ổn định và hoạt động thương mại tiếp tục mở rộng, bất chấp các rào cản mang tính bảo hộ đang gia tăng ở nhiều quốc gia.

Đặc biệt, giải ngân đầu tư công đang đóng vai trò là một trong những động lực chính. Trong 5 tháng đầu năm, gần 200.000 tỷ đồng đã được giải ngân – tương đương 24,1% kế hoạch năm và vượt mức cùng kỳ. Nguồn lực này không chỉ góp phần thúc đẩy tổng cầu, mà còn lan tỏa sang các ngành xây dựng, vật liệu, logistics… vốn có tỷ trọng lớn trong rổ cổ phiếu niêm yết.

Bên cạnh đó, các cải cách thể chế – tiêu biểu là Nghị quyết 68/NQ-TW – đang tạo khung khổ thuận lợi hơn cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Những thay đổi này đang từng bước tháo gỡ điểm nghẽn trong các lĩnh vực như bất động sản, hạ tầng, và đổi mới sáng tạo, từ đó mở rộng dư địa tăng trưởng cho doanh nghiệp.

Tổng hòa các yếu tố trên đang góp phần củng cố niềm tin dài hạn của nhà đầu tư, đồng thời tạo nền tảng để khối doanh nghiệp niêm yết cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng trưởng lợi nhuận và nâng cao chất lượng thị trường trong trung hạn.

Phóng viên: Việt Nam đang từng bước hoàn thiện các điều kiện cần để được cân nhắc nâng hạng trong kỳ đánh giá sắp tới của FTSE, trong khi các yếu tố vĩ mô nội tại cũng đang hỗ trợ tích cực cho thị trường. Theo ông, đâu là những yếu tố cốt lõi giúp thị trường chứng khoán (TTCK) duy trì quỹ đạo tăng trưởng ổn định trong nửa cuối 2025? Và nhà đầu tư nên theo dõi những rủi ro chính nào trong quá trình "vượt vũ môn" này?

Ông Đinh Quang Hinh: Để thị trường duy trì đà tăng ổn định và hướng đến một giai đoạn phát triển bền vững hơn, theo chúng tôi cần hội tụ đồng thời ba yếu tố then chốt.

Thứ nhất là nền tảng vĩ mô ổn định và đồng bộ về chính sách. Tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2025 được ước đạt 7,3%, trong khi tín dụng có thể tăng khoảng 16% cho cả năm. Chính sách tiền tệ và tài khóa đang được duy trì ở trạng thái hỗ trợ, với mặt bằng lãi suất hợp lý, giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh và áp lực lạm phát trong tầm kiểm soát. Đây là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi hoạt động, đồng thời tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán hấp thụ dòng vốn hiệu quả.

Thứ hai là sự cải thiện về chất lượng tăng trưởng của khối doanh nghiệp niêm yết. Theo dự báo của chúng tôi, EPS toàn thị trường có thể tăng 14–15% trong năm 2025. Một số ngành như ngân hàng, công nghệ, điện và bất động sản đang có lợi thế về chu kỳ tăng trưởng và khả năng chuyển hóa chính sách thành kết quả kinh doanh. Sự phục hồi mang tính nền tảng này sẽ giúp củng cố định giá thị trường và tăng độ tin cậy đối với dòng vốn dài hạn.

Thứ ba là quá trình cải thiện chất lượng thị trường và khung pháp lý theo hướng tiệm cận chuẩn quốc tế. Việc hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào vận hành từ tháng 5 giúp tăng tính minh bạch, rút ngắn chu kỳ thanh toán và tạo tiền đề cho các sản phẩm mới như T+0 hay bán khống. Đây là bước tiến quan trọng trong lộ trình đáp ứng tiêu chí nâng hạng từ FTSE và MSCI.

Đáng chú ý, ngày 28/6 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể nhằm đáp ứng các tiêu chí nâng hạng, bao gồm rà soát pháp lý, tháo gỡ vướng mắc và hoàn thiện quy định liên quan đến nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một thông điệp chính sách mạnh mẽ, thể hiện cam kết cải cách đồng bộ từ cấp điều hành, qua đó góp phần củng cố lòng tin thị trường.

Ngoài ra, một điểm không thể bỏ qua là nội lực của nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn đang giữ vai trò dẫn dắt. Theo ước tính, đến cuối tháng 6/2025, số lượng tài khoản chứng khoán cá nhân đã vượt 10,1 triệu, đánh dấu cột mốc lịch sử. Dòng tiền nội – nếu được định hướng đúng – sẽ tiếp tục là động lực bền vững cho thị trường.

Tất nhiên, trong ngắn hạn, thị trường vẫn cần thận trọng với một số rủi ro bên ngoài như: tiến trình đàm phán thương mại Việt – Mỹ, chính sách lãi suất của Fed, diễn biến tỷ giá và dòng vốn toàn cầu, hay căng thẳng địa chính trị. Những yếu tố này có thể gây ra sự nhiễu động tâm lý nhất thời. Tuy nhiên, với một chiến lược đầu tư trung – dài hạn, tập trung vào doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững, nhà đầu tư hoàn toàn có thể đồng hành cùng thị trường trong chặng đường “vượt vũ môn” sắp tới.

Tâm lý thị trường đã phần nào ổn định sẽ giúp TTCK duy trì đà tăng
Tâm lý thị trường đã phần nào ổn định sẽ giúp TTCK duy trì đà tăng

Phóng viên: Dù VN-Index đã phục hồi ngoạn mục sau cú sốc thuế quan đầu tháng 4, nhưng thanh khoản vẫn thấp hơn cùng kỳ và dòng vốn ngoại còn khá thận trọng. Theo ông, đâu là động lực thực sự có thể đưa tâm lý nhà đầu tư trở lại trạng thái hưng phấn và giúp thị trường bền vững hơn trong 6 tháng cuối năm?

Ông Đinh Quang Hinh: Sự phục hồi từ vùng đáy 1.094 điểm lên 1.350 điểm trong chưa đầy hai tháng cho thấy tâm lý thị trường đã phần nào ổn định trở lại sau cú sốc thuế quan hồi đầu tháng 4. Tuy nhiên, việc thanh khoản toàn thị trường vẫn giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy dòng tiền vẫn mang tính thận trọng, nhất là khi các yếu tố bên ngoài – như chính sách thương mại và địa chính trị – còn nhiều bất định.

Theo chúng tôi, để thị trường thực sự lấy lại nhịp "hưng phấn" và duy trì đà tăng bền vững trong nửa cuối năm, cần hội tụ một số yếu tố then chốt:

Thứ nhất, sự vận hành ổn định và hiệu quả của hệ thống giao dịch KRX sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố niềm tin nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán, tăng tính minh bạch và tạo điều kiện cho các sản phẩm mới như giao dịch T+0, bán khống… không chỉ nâng cao chất lượng thị trường mà còn giúp Việt Nam tiệm cận các tiêu chuẩn nâng hạng.

Thứ hai, dòng vốn ngoại cần quay lại một cách ổn định và có định hướng, thay vì chỉ xuất hiện mang tính thời điểm. Điều này phụ thuộc nhiều vào tiến triển trong đàm phán thương mại song phương và khả năng kiểm soát biến động tỷ giá. Nếu kỳ vọng về môi trường đầu tư thuận lợi dần trở nên rõ ràng hơn, nhóm nhà đầu tư tổ chức quốc tế có thể tăng tỷ trọng trở lại.

Thứ ba, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết sẽ là yếu tố quyết định đến sự lan tỏa của đà phục hồi. Với dự báo tăng trưởng EPS toàn thị trường ở mức 14–15% trong năm nay, nếu thực tế ghi nhận con số tương ứng, định giá thị trường sẽ được củng cố và tạo động lực kéo dài cho chu kỳ tăng giá.

Ngoài ra, việc lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân vượt qua mốc 10,1 triệu trong tháng 6 vừa qua cho thấy tiềm năng lớn của dòng tiền trong nước. Tuy nhiên, để dòng tiền này phát huy hiệu quả, cần có thêm các sản phẩm đầu tư đa dạng, hệ thống công nghệ hỗ trợ tốt hơn và sự ổn định của chính sách vĩ mô nhằm tạo dựng niềm tin dài hạn.

Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, BLOOMBERG, dữ liệu ngày 19/6/2025.
Nguồn: VNDIRECT RESEARCH, BLOOMBERG, dữ liệu ngày 19/6/2025.

Phóng viên: Triển vọng vĩ mô hiện tại cho thấy nhiều điểm sáng, song môi trường bên ngoài vẫn còn tồn tại một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Theo ông, đâu là những nhóm ngành có thể đóng vai trò “trụ đỡ” cho TTCK trong nửa cuối năm 2025? Và nhà đầu tư nên cân nhắc phân bổ danh mục theo hướng nào để cân bằng giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát rủi ro?

Ông Đinh Quang Hinh: Trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên xây dựng danh mục đầu tư theo hướng kết hợp linh hoạt giữa nhóm ngành tăng trưởng và nhóm ngành mang tính phòng thủ. Đây là cách tiếp cận vừa tận dụng được các cơ hội từ đà phục hồi kinh tế, vừa giúp kiểm soát rủi ro trong môi trường thị trường còn nhiều biến động.Top of Form

Cụ thể, ngành ngân hàng đang được hưởng lợi từ đà tăng trưởng tín dụng tích cực, trong khi hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh tạo lực đẩy cho dòng vốn luân chuyển trong nền kinh tế. Cùng với đó, việc luật hóa Nghị quyết 42 đang góp phần cải thiện chất lượng tài sản, qua đó củng cố nền tảng cho tăng trưởng lợi nhuận bền vững của các ngân hàng.

Đối với ngành bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi các nút thắt pháp lý dần được tháo gỡ, đồng thời tiến độ đầu tư hạ tầng được thúc đẩy. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất sạch, năng lực tài chính vững và tiến độ triển khai minh bạch.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành công nghệ, điện và dầu khí đang bước vào chu kỳ tăng trưởng mới, nhờ hưởng lợi từ các dự án quy mô lớn, định hướng chính sách rõ ràng và nhu cầu thị trường gia tăng trong dài hạn.

Ngành tiêu dùng tiếp tục duy trì triển vọng tích cực nhờ sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, cùng với các chính sách tài khóa hỗ trợ tổng cầu và tiêu dùng nội địa.

Giữa những biến động từ môi trường bên ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần khẳng định bản lĩnh “cá chép”, với nền tảng vĩ mô được củng cố, lộ trình cải cách rõ ràng và nội lực thị trường ngày càng vững mạnh. Tuy hành trình “vượt vũ môn” vẫn còn nhiều thử thách, nhưng với chiến lược đầu tư bài bản, có chọn lọc, nhà đầu tư hoàn toàn có thể tự tin đồng hành cùng thị trường trên hành trình vươn mình hóa rồng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!