Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Khơi thông nguồn lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số
Bài 1: Hành lang pháp lý mới - Những điểm đột phá từ Luật số 68/2025/QH15
Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) được thông qua với tinh thần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp nhà nước, phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo.

Thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về đổi mới, phát triển doanh nghiệp Nhà nước
Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) với 8 Chương và 59 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2025 đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết về quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, Luật nhằm hoàn thiện thể chế, tạo môi trường và hành lang pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; bảo đảm doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước tương xứng với nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế; huy động và phát huy tối đa các nguồn lực của khu vực kinh tế Nhà nước nói chung và doanh nghiệp Nhà nước nói riêng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo dự kiến ban đầu, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Tuy nhiên, với tinh thần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp Nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ và Quốc hội để đẩy sớm tiến độ hiệu lực của Luật từ ngày 1/8/2025.
Cụ thể, Luật đã thể chế hoá đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp có vốn Nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đồng thời, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; xác định rõ nội dung, nguyên tắc áp dụng Luật bảo đảm tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các luật khác có liên quan. Luật kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định về quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp; loại bỏ những quy định không còn phù hợp.
Cùng với đó, Luật hướng đến cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, gắn với việc phân công rõ, phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu và doanh nghiệp. Tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý Nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước và với hoạt động quản trị của doanh nghiệp.
Luật cũng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường, bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. Các vấn đề cụ thể được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tiễn và sự biến động, phát triển của xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển doanh nghiệp.
Khơi thông nguồn lực, tăng cường năng lực tài chính
Tại cuộc họp báo công bố các Luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật có nhiều nội dung đổi mới được kỳ vọng mang lại nhiều thay đổi tích cực cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước.
Nổi bật, đó là Luật đã bỏ cụm từ “sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh” và “giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”. Nội hàm “quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” nay đã bao gồm nội dung về sử dụng và giám sát vốn Nhà nước, kế thừa có chọn lọc từ Luật 69/2014/QH13.

Đáng chú ý, đối tượng áp dụng của Luật được mở rộng, bên cạnh áp dụng cho doanh nghiệp Nhà nước theo Luật Doanh nghiệp thì còn bao gồm các tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, trừ Ngân hàng chính sách (Luật 69/2014/QH13 trước đây chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ). Ngoài ra, Luật cũng cho phép các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên áp dụng Luật này để quản lý và đầu tư vốn tại doanh nghiệp.
Để thực hiện quyền chủ sở hữu theo nguyên tắc thị trường, Luật quy định chủ sở hữu Nhà nước thực hiện quyền và trách nhiệm trên nguyên tắc minh bạch, hiệu quả, theo cách thức thông thường như các chủ sở hữu khác.
Luật được xây dựng trên tinh thần, cách thức tiếp cận mới, rõ ràng và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp Nhà nước; phân công rõ, phân cấp mạnh trong việc quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Nhà nước sẽ thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp và trách nhiệm giải trình của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, người đại diện phần vốn Nhà nước.
Đặc biệt, nhằm khơi thông nguồn lực, tăng cường năng lực tài chính cho doanh nghiệp Nhà nước, Luật đã rà soát, bổ sung phạm vi đầu tư vốn Nhà nước thành lập doanh nghiệp để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW, bao quát các lĩnh vực cần đầu tư vốn Nhà nước và đảm bảo sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ.
Luật cũng bổ sung quy định giao Chính phủ quy định cụ thể thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp trong trường hợp sử dụng ngân sách Nhà nước dưới mức dự án quan trọng quốc gia và đầu tư từ các nguồn khác. Đồng thời, xác định rõ các hình thức đầu tư vốn Nhà nước và nguồn vốn, tài sản để đầu tư.
Tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp
Với quan điểm tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, Luật đã quy định, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Luật phân cấp mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn, bảo lãnh cho công ty do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vay vốn; ban hành, điều chỉnh chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh hằng năm trên cơ sở chỉ tiêu cơ bản được đại diện chủ sở hữu Nhà nước giao.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định về việc cho công ty con vay vốn và nâng mức trích tối đa vào Quỹ Đầu tư phát triển doanh nghiệp từ 30% hiện nay lên 50% lợi nhuận sau thuế.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, việc quản lý vốn Nhà nước đầu tư được thực hiện thông qua Người đại diện phần vốn Nhà nước; phân cấp cho Người đại diện phần vốn Nhà nước chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền.
Luật xác định rõ Nhà nước với vai trò là một nhà đầu tư để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp bình đẳng với các nhà đầu tư khác, việc quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn Nhà nước.
Luật cũng đã xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo đó, Luật bổ sung quy định về các hình thức cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để bao quát các trường hợp đã phát sinh trên thực tế và dự kiến phát sinh. Đồng thời, xác định ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp khi giải thể mà nguồn thu không đủ để giải quyết các tồn tại tài chính và chi phí giải thể.
Đồng thời, Luật cũng đã xây dựng cơ chế tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, đánh giá của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với phân cấp, trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, Luật bổ sung quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức giám sát, kiểm tra, thanh tra các nội dung về đầu tư vốn Nhà nước, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Bổ sung quy định Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc quản lý, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, một trong những điểm nổi bật của Luật là tăng cường phân cấp và cắt giảm thủ tục hành chính. Luật đã cắt giảm 30% thủ tục hành chính về trình cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo tài chính; chiến lược kinh doanh 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm; báo cáo cấp có thẩm quyền về việc huy động vốn; khoản vay nước ngoài; cắt giảm các thủ tục thông qua việc tăng cường phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư.
Luật số 68/2025/QH15 không chỉ là sự nối tiếp mà còn là bước đột phá trong quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc trao quyền mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp, đi kèm với trách nhiệm giải trình, minh bạch và giám sát hiệu quả, sẽ giúp doanh nghiệp Nhà nước thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững vai trò dẫn dắt các lĩnh vực then chốt, đảm bảo an ninh kinh tế và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Những nội dung đổi mới của Luật được kỳ vọng sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn Nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, tiếp tục dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Để tổ chức thi hành Luật, theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết, bảo đảm hệ thống pháp luật đồng bộ, nhằm góp phần sớm đưa Luật vào cuộc sống và phát huy hiệu lực, hiệu quả.