Chính sách tài khoá: Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Bài 3: Tái định vị vai trò của chính sách tài khóa
Chính sách tài khóa của Việt Nam đang đứng trước thời điểm cần có sự chuyển mình mạnh mẽ: từ tư duy “giảm gánh nặng” sang “tạo động lực”, từ cách tiếp cận “đối phó tình huống” sang “kiến tạo tương lai”. Trong quá trình chuyển đổi đó, vai trò chủ động của Bộ Tài chính trong đề xuất, thiết kế và vận hành các công cụ tài khóa tiếp tục được xem là chìa khóa để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng bền vững.

Từ “giảm gánh nặng” đến “kiến tạo tương lai”
Giai đoạn 2020–2024 đánh dấu vai trò nổi bật của chính sách tài khóa trong việc “giảm gánh nặng” cho doanh nghiệp và người dân. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, sau 5 năm triển khai đồng bộ các biện pháp gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với tổng quy mô hỗ trợ gần 900 nghìn tỷ đồng, chính sách tài khóa đã trở thành “bức tường chắn” hữu hiệu giúp nền kinh tế vượt qua các cú sốc từ đại dịch COVID-19, lạm phát toàn cầu, biến động địa chính trị và suy giảm kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, bước sang năm 2025, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi nhưng vẫn đối diện nhiều thách thức, đòi hỏi chính sách tài khóa phải chuyển vai – từ ứng phó ngắn hạn sang kiến tạo dài hạn. Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để chính sách không chỉ “giải nguy” mà thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng bền vững?
Chuyển đổi tư duy chính sách đang được hiện thực hóa thông qua những định hướng chiến lược lớn. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là một ví dụ điển hình. Trong đó, chính sách tài khóa được xác định là công cụ mũi nhọn để kích hoạt các động lực tăng trưởng mới.
Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng nhiều chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu – phát triển (R&D), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ cao và việc hoàn thiện cơ chế sử dụng quỹ phát triển khoa học – công nghệ cũng đang tạo nền tảng để khu vực tư nhân mạnh dạn đầu tư vào đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt mục tiêu rõ ràng: đến năm 2030, khu vực này đóng góp 65–70% GDP và đến năm 2045 trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế quốc dân. Để hiện thực hóa khát vọng đó, Bộ Tài chính đóng vai trò trung tâm trong việc thiết kế, điều hành và đổi mới chính sách tài khóa nhằm xây dựng một hệ sinh thái tài chính minh bạch, công bằng, thúc đẩy động lực thị trường và mở rộng không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân.
Bộ Tài chính đang triển khai mạnh mẽ cải cách hệ thống thuế theo hướng trung lập, minh bạch, đảm bảo chi phí tuân thủ hợp lý, đồng thời tạo động lực tích lũy vốn và đầu tư đổi mới. Cơ cấu thu – chi ngân sách nhà nước cũng đang được điều chỉnh để ưu tiên cho đầu tư hạ tầng, giáo dục, đào tạo nhân lực và hỗ trợ khởi nghiệp – những lĩnh vực mà khu vực tư nhân ngày càng tham gia sâu rộng.
Từ hoạch định chính sách đến thực thi hiệu quả
Không chỉ dừng lại ở xây dựng chính sách, Bộ Tài chính đang khẳng định vai trò đi đầu trong thực thi và cải cách thể chế tài khóa. Một ví dụ điển hình là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Bộ đã chủ động thúc đẩy các sáng kiến xây dựng “bộ công cụ tài khóa ứng phó khủng hoảng”, góp phần củng cố năng lực chống chịu và phục hồi kinh tế trong khu vực sau đại dịch.
Ở trong nước, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính công được đẩy mạnh. Đến cuối năm 2024, gần 100% doanh nghiệp đã thực hiện khai, nộp và hoàn thuế điện tử; hệ thống hóa đơn điện tử vận hành ổn định trên toàn quốc, giúp giảm chi phí tuân thủ, chống thất thu thuế và tăng tính minh bạch. Trong lĩnh vực hải quan, việc ứng dụng công nghệ số và mô hình quản lý rủi ro cũng đã rút ngắn đáng kể thời gian thông quan và cải thiện môi trường kinh doanh.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và xây dựng các cơ chế tài chính đặc thù nhằm khuyến khích đầu tư công hiệu quả hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu. Đồng thời, công tác quản lý chi ngân sách đang chuyển hướng từ kiểm soát đầu vào sang đánh giá kết quả đầu ra, nhằm tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực công trong bối cảnh ngân sách ngày càng chịu nhiều áp lực từ chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội.
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2025 vẫn đối diện nhiều biến số bất định: nhu cầu toàn cầu suy giảm, rủi ro thị trường tài chính quốc tế gia tăng, và áp lực lạm phát nội địa chưa giảm hẳn. Trong bối cảnh đó, một chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt và kiến tạo sẽ là nền tảng then chốt để ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ sức mua của người dân, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh và mở rộng dư địa tăng trưởng.
Sự chuyển mình từ chính sách “giảm gánh nặng” sang “tạo động lực” không chỉ là thay đổi cách làm, mà còn là sự thay đổi tư duy cốt lõi trong hoạch định tài chính quốc gia. Khi chính sách tài khóa được định vị là công cụ kiến tạo tương lai – đầu tư cho những giá trị bền vững và nâng cao năng lực nội sinh – Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để vượt lên thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.