Kiến tạo để doanh nghiệp nhỏ và vừa bứt phá trong kỷ nguyên mới
Bài 3: Tiếp lực để không “gãy nhịp” chuyển đổi số
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu nhưng đầy thách thức đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là về bài toán tài chính. Tuy nhiên, nếu có chính sách hỗ trợ tài chính kịp thời và hiệu quả từ Nhà nước, cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp lớn và tổ chức công nghệ, chuyển đổi số sẽ không còn là gánh nặng, mà trở thành cơ hội thực sự để các doanh nghiệp bứt phá, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.
Hạn chế tài chính vẫn là rào cản hiện hữu
Trong bối cảnh kinh tế số và toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành yếu tố sống còn giúp doanh nghiệp thích ứng, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi số được ví như “cơ hội vàng” để tồn tại và phát triển.
Chuyển đổi số không chỉ giúp tối ưu hóa vận hành, tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng thị trường, gia tăng doanh thu, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2030 do Chính phủ đề ra.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tiến trình chuyển đổi số ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá chậm. Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đầu năm 2025, 55% doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết chưa từng ứng dụng bất kỳ công nghệ số nào vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
Một khảo sát khác của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội năm 2024 cũng chỉ ra rằng, chỉ 20-25% doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số một cách bài bản, phần lớn còn dừng lại ở các bước cơ bản như dùng hóa đơn điện tử, bán hàng qua mạng xã hội hay website. Nguyên nhân chính đến từ hạn chế về vốn đầu tư, thiếu nhân lực công nghệ cao và tâm lý e ngại thay đổi trong nội bộ doanh nghiệp.
Theo ông Lê Huy Hoàng - Quản lý tư vấn Chuyển đổi số tại FPT Digital (Tập đoàn FPT), một trong những rào cản lớn nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam trong hành trình chuyển đổi số chính là hạn chế về tài chính. Không giống như các doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường hoạt động với nguồn vốn hạn chế, dòng tiền ngắn hạn, và biên lợi nhuận thấp - điều khiến họ khó lòng dành ra khoản đầu tư đủ lớn cho công nghệ.
“Việc triển khai chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc mua sắm thiết bị, phần mềm quản lý hay xây dựng nền tảng số, mà còn đòi hỏi chi phí duy trì, vận hành, bảo mật và đặc biệt là đào tạo lại nhân lực, để đảm bảo hệ thống công nghệ thực sự phát huy hiệu quả. Đây là những khoản đầu tư mang tính dài hạn và tiềm ẩn rủi ro, khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa dù hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số vẫn chần chừ, e ngại”, ông Lê Huy Hoàng nhận định.
Chia sẻ rõ về thực trạng này tại Tọa đàm chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, bà Trịnh Thị Ngân - Trưởng ban cố vấn Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho biết, công tác chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế và hiệu quả đạt được vẫn thấp. Một số doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vai trò của chuyển đổi số và chưa xác định được vấn đề cũng như lộ trình cần thực hiện để chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
“Về vấn đề nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Hà Nội, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh đòi hỏi một nguồn lực tài chính đáng kể và nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn đầu tư vào chuyển đổi số. Hơn 45 % doanh nghiệp đã có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế; 20% doanh nghiệp hoàn toàn không có dự toán ngân sách đầu tư cho chuyển đổi số”, bà Trịnh Thị Ngân nêu rõ.
Cần cơ chế ưu đãi để doanh nghiệp “bắt đầu” và “đi xa”
Để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bứt phá trong quá trình chuyển đổi số, bà Trịnh Thị Ngân đề xuất một loạt giải pháp hỗ trợ tài chính thiết thực, nhằm giảm áp lực chi phí và tạo đòn bẩy cho doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ.
Trong đó, cần có các gói vay ưu đãi từ Chính phủ, với những chương trình cho vay lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng số, phần mềm quản lý, hệ thống dữ liệu… Đây sẽ là điểm tựa tài chính quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi chi phí triển khai công nghệ còn cao.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, tổ chức tài chính và các quỹ phát triển cần có các gói tài trợ không hoàn lại hoặc hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, từ việc mua thiết bị, thuê dịch vụ đến triển khai giải pháp số. Cách làm này tạo điều kiện cho những doanh nghiệp nhỏ, thiếu vốn vẫn có thể khởi động hành trình số hóa.
Ngoài ra, Chính phủ có thể miễn hoặc giảm thuế cho các hoạt động đầu tư vào công nghệ, đào tạo nhân lực số, hay mua sắm phần mềm, hạ tầng chuyển đổi số. Điều này vừa giảm gánh nặng tài chính, vừa khuyến khích doanh nghiệp chủ động đầu tư dài hạn cho số hóa.
“Ngoài hỗ trợ tài chính, cần xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng số bài bản, hỗ trợ tư vấn giải pháp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa hiểu đúng - làm đúng - triển khai hiệu quả các chiến lược chuyển đổi số. Tổng thể, việc kết hợp linh hoạt giữa ưu đãi tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo chuyên môn sẽ tạo nên một hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ "bắt đầu" mà còn "đi xa" trên hành trình số hóa”, bà Trịnh Thị Ngân nêu đề xuất.
Theo ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính), chi phí cao cho công nghệ được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm triển khai các hoạt động chuyển đổi số.
Thực tế cho thấy, nếu không có sự hỗ trợ về mặt tài chính như gói tín dụng ưu đãi, quỹ hỗ trợ chuyển đổi số, hoặc chính sách khấu trừ thuế cho chi phí công nghệ thì phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể tự mình thực hiện được một chiến lược chuyển đổi số toàn diện.
“Chính vì vậy, việc thiết kế các chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp và dễ tiếp cận là yếu tố mang tính quyết định, không chỉ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tháo gỡ nút thắt nguồn lực, mà còn tạo đòn bẩy để khu vực doanh nghiệp tư nhân bứt phá trong thời đại số. Bên cạnh đó, sự đồng hành của doanh nghiệp lớn và các nền tảng công nghệ qua hình thức hợp tác công tư (PPP), chia sẻ hạ tầng và giải pháp, cũng sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước tiếp cận chuyển đổi số một cách bền vững và hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh.
Cần tiếp sức từ hệ sinh thái doanh nghiệp
Dù vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình số hóa, nhưng vẫn có không ít mô hình điển hình cho thấy chuyển đổi số thực sự mang lại hiệu quả thực tiễn. Tại tỉnh Hưng Yên, một hợp tác xã nông nghiệp nhờ ứng dụng IoT trong tưới tiêu và bón phân đã tăng năng suất lao động 30%, giảm chi phí 25%. Hay một startup logistics ở TP. Hồ Chí Minh sử dụng AI và blockchain để tự động hóa giao nhận, giảm lỗi và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Những minh chứng này cho thấy, nếu đi đúng hướng, chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ “hóa rồng” trong kỷ nguyên số.
Từ góc nhìn của các chuyên gia, việc để từng doanh nghiệp nhỏ tự mình đầu tư và triển khai công nghệ là điều rất khó khả thi vì chi phí cao và rủi ro thất bại lớn. Do đó, cần xây dựng các nền tảng dùng chung như phần mềm kế toán, quản trị kho, hóa đơn điện tử, quản trị nhân sự... Các nền tảng này có thể được đầu tư bởi nhà nước hoặc doanh nghiệp lớn, sau đó cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa khai thác linh hoạt với chi phí rẻ hơn đến 60-70% so với đầu tư riêng lẻ.
Đào tạo nhân lực cũng là một khâu then chốt. Nhiều địa phương như TP. Đà Nẵng, Bắc Giang, TP. Cần Thơ đã thử nghiệm mô hình tổ chức các khóa học ngắn hạn kết hợp cùng doanh nghiệp công nghệ để đào tạo, tư vấn và đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hành trình số hóa. Ngoài ra, cần xây dựng các “vùng chuyển đổi số thí điểm” tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp, giúp nhân rộng mô hình thành công và tạo sự lan tỏa nhanh chóng.
Vai trò dẫn dắt của các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, CMC… cũng rất quan trọng. Những “đầu tàu số” này có thể cung cấp hạ tầng, nền tảng công nghệ, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật và tạo dựng hệ sinh thái số. Cùng với đó, kết nối giữa FinTech và ngân hàng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa dễ tiếp cận vốn, thanh toán và quản trị tài chính một cách minh bạch, thuận tiện - yếu tố then chốt để duy trì chuyển đổi bền vững.