Cần có đột phá về cải cách thể chế
Có 3 việc cần làm ngay trong cải cách thể chế, đó là nâng cao chất lượng quy định hiện hành - yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật; đảm bảo tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới.

Kinh tế thế giới và trong nước đang thay đổi, cải cách thể chế không chỉ hướng đến yêu cầu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như những giai đoạn trước mà cần tạo những đột phá mạnh mẽ.
Phát biểu tại “Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức nâng cao năng lực cạnh tranh” diễn ra chiều ngày 17/4, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế tài chính của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: Trong bối cảnh đó, cải cách thể chế không chỉ là cắt giảm thủ tục hành chính mà còn là cắt giảm chi phí tuân thủ.
Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ, đây là thời điểm doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, bao gồm khó khăn từ thể chế, phi thể chế. Ông nhận định cơ hội, dư địa cải cách thể chế là rất lớn và nhấn mạnh có 3 việc cần làm ngay. Đó là nâng cao chất lượng quy định hiện hành - yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật và đảm bảo tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới.
“Thể chế là công cụ duy nhất và cần thiết thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu thể chế không tốt có nguy cơ tạo những rào cản tác động đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài thủ tục hành chính mà chúng ta vẫn nhìn thấy là các loại phí, lệ phí; chi phí tuân thủ lớn nhưng đôi khi không được nhận diện; chi phí cơ hội và những chi phí không chính thức cho doanh nghiệp”, ông nói.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước thay đổi, ông Phan Đức Hiếu cũng nêu quan điểm, cải cách thể chế không chỉ hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà cần tạo đột phá mạnh mẽ.
Ông Phan Đức Hiếu phân tích những kết quả tích cực từ việc thực thi Luật Doanh nghiệp năm 2020, với nhiều thay đổi tư duy khi doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm, cùng với việc bãi bỏ 161 giấy phép, thời gian thành lập doanh nghiệp từ 15-30 ngày đã thổi bùng khí thế kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ trong 5 năm, từ năm 2020 - 2025 số lượng doanh nghiệp thành lập gấp 10 lần so với trước đó, tạo nền tảng để có lực lượng doanh nghiệp đông đảo như hiện nay.
Với tinh thần cần có cải cách đột phá, ông Phan Đức Hiếu đề xuất một số kiến nghị.
Một là, trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật cho cải cách thể chế, thay vì sửa chữa nên ưu tiên bãi bỏ các quy định, văn bản, nghị định không phù hợp.
Hai là, cần có cơ chế bền vững cho cải cách thể chế.
Trên thế giới, có 4 hình thái cải cách thể chế thì Việt Nam đã trải qua 3 hình thái là: Ban hành thể chế tốt; cải cách đơn lẻ; triển khai ở một số ngành, lĩnh vực theo sáng kiến của một hoặc một số cơ quan.
Tuy nhiên, cải cách rất khó khăn nếu chỉ xuất phát (đơn lẻ) từ chính các cơ quan thực thi pháp luật. Vì lý do đó, cần có cơ chế bền vững hướng đến thực hiện hình thái thứ 4 của cải cách thể chế, đó là đưa cải cách thể chế trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống, không còn phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào.

Ông Phan Đức Hiếu dẫn chứng tiếp về kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Úc, Anh, Mỹ… Đây là các quốc gia đều thành lập cơ quan giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế (ROB).
Cơ quan này tại Anh có quyền bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng; tại Mỹ gửi lại đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng, kèm theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung.
Từ thực tế đó, ông Phan Đức Hiếu đề xuất, trong thời gian tới, Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên môn giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế có thẩm quyền. Cơ quan này có các chức năng chính như kiểm soát chất lượng quy trình soạn thảo; xác định các lĩnh vực trọng tâm để nâng cao chất lượng quy định; nâng cao chất lượng quy định một cách có hệ thống; đầu mối, phối hợp trong soạn thảo, ban hành; xây dựng bộ công cụ, hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo, thực tiễn mới./.